HỒI KÝ CHIẾN TRƯỜNG CỦA NGƯỜI LÍNH BỘ ĐỘI CỤ HỒ
Thứ ba, 24.07.2018 02:45Lam Khê
Ghi theo lời kể của Cựu chiến binh- Hoàng Quang Thược, chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, Đại đội C18, tiểu đoàn D4 quân tình nguyện Việt Nam thuộc sư đoàn 316 Anh hùng
Chiến sỹ Hoàng Quang Thược được tặng Huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên Năm 1959- Tại Điện Biên Phủ, trong ảnh là người đứng đầu tiên từ phải qua trái.
1. Tôi sinh năm 1932, tại Xóm Sậu, xã Phùng Xá, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Mẹ tôi kể rằng khi sinh ra tôi rất nhỏ và khó nuôi, nên so với các anh em khác, thể chất của tôi nhỏ bé và hơi còi so với lứa tuổi. Sinh ra trong một gia đình bần cố nông vào thời Pháp thuộc ấy người nông dân Việt Nam ở đâu cũng khổ, nhà tôi nghèo lắm và trong ký ức của tôi tất cả các nhà anh em họ mạc trong làng ai cũng có cái nghèo giống nhau, cùng ở trong những ngôi nhà trát bua bằng đất sét trộn rơm, lợp lá cọ hoặc lợp lá gianh và cùng đi làm thuê cho những nhà giầu trong làng là thành phần lớp trên, bữa khoai, bữa sắn nuôi mấy anh em tôi lớn lên. Điều tôi nhớ nhất trong ký ức là nạn đói năm 1945, bố tôi, rồi chị gái tôi lần lượt qua đời vì đói, họ mất vào tháng 5/1945. Trong làng người chết la liệt, ra đường cái quan thì nhiều vô kể xác chết của những người dưới xuôi lên, đa phần ở mạn Thái Bình, Hưng Yên.
Tháng 8/1945, quê tôi được giải phóng, nhà tôi được chia ruộng, chia lúa gạo, cuộc sống nhiều đổi thay, các lớp học bình dân được mở vào ban đêm cho dân nghèo, tôi được đi học, do là người sáng dạ và học nhanh nên tôi biết đọc biết viết, biết làm toán nhanh hơn đám trẻ cùng tuổi, tôi được thầy giáo dạy học yêu thương và kể cho rất nhiều điều, hiểu biết thêm về cuộc sống, tôi tham gia phong trào thanh niên ở địa phương, đi vận động bà con thực hiện nếp sống mới, hỗ trợ nhau sản xuất nông nghiệp.
Kháng chiến chống Pháp nổ ra ngày một ác liệt, năm 1950, lúc đó tôi vừa học xong lớp Bình dân học vụ , đã biết đọc, biết viết thành thạo và làm được toán cộng trừ, với ước mơ học tiếp lên để sau này trở thành thầy giáo dạy học sinh như thầy của tôi, nhưng rồi ước mơ đó đã gác lại, tôi cùng thanh niên trong làng đi đăng ký tuyển quân lên Điện Biên. Thấp, bé, nhẹ cân nên tôi không đủ tiêu chuẩn đi bộ đội, các anh bộ đội về làng tuyển quân bảo tôi chịu khó ăn uống, tập luyện đi sang năm sẽ trúng tuyển, lúc này cả làng đang tưng bừng trong khí thế toàn dân tham gia đánh giặc Pháp, nên tôi cũng chẳng có tâm thế nào mà ngồi tiếp trên lớp để học.
Đầu năm 1952, tôi xung phong vào đoàn dân công của làng đi chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiệm vụ của đoàn dân công chúng tôi là chở gạo lên lên Điện Biên Phủ, phụ nữ thì gánh gạo, mỗi người được giao gánh 30 kg, còn nam giới được giao chở bằng xe thồ, mỗi xe 100 kg. Tôi nói với Bầm (cách gọi Mẹ của người Phú Thọ) con xung phong đi dân công tải gạo lên Điện Biên, Bầm tôi đồng ý và chuẩn bị đồ cho tôi, cánh nam giới chúng tôi được xã chuẩn bị cho xe thồ đóng bằng tre của làng, dây kéo xe bện bằng thừng buộc vào hai càng xe để kéo xe đi nhanh hơn. Trước khi tôi lên đường cùng đoàn dân công, Bầm cho tôi 4 xu xâu trong dây lưng quần và dặn tôi nhớ giữ gìn sức khỏe, tôi thương Bầm vô cùng. Từ Phú Thọ đoàn dân công chúng tôi đi sang Hòa Bình, lên Sơn La. Dòng người gánh gạo như chảy hội trong rừng cùng với cánh nam dân quân thồ gạo ra tiền tuyến. Lực lượng dân công nhiều nhất là người Phú Thọ, những dân công thồ gạo có sáng kiến dùng hai thanh tre đực hay gỗ cứng chống từ tay lái xuống ghi đông để “tăng sức” cho càng xe không bị gục. Bánh xe cũng được cắm thêm dăm chiếc nan hoa để chở nhiều bao gạo và những thứ lỉnh kỉnh khác nữa. Nhờ những xe cải tiến ấy mà xe thồ Điện Biên Phủ chở được gấp mười lần gánh bộ và đi được cả những đoạn đường khó khăn. Con đường vận chuyển lương thực lên Tây Bắc chủ yếu là núi cao vực thẳm, đá tai mèo, lại bị địch bắn phá thường xuyên, đoàn dân công ban ngày địch đánh phá thì đi đêm. Cứ tổ 4 người thì được phát một chiếc đèn chai, chiếc đèn do người đi đoạn giữa cầm để người đi trước và sau đều sáng. Đến những khu vực suối sâu thì phần lớn có bà con ở trong các bản giúp đỡ cõng bồ gạo lên đầu, dìu chị em không biết bơi qua suối để gạo không bị ướt. Dọc đường đi có các mệ, các chị đồng bào thiểu số tiếp tế bắp, nước chè, nước cây rừng cho đoàn dân công. Ròng rã hai tháng trời, nhiều hôm đi ngày đi đêm, nằm trên lá cây rừng để ngủ, rồi muỗi vắt cắn, ăn uống kham khổ lắm nhưng ai cũng cố gắng vì không ai muốn mình tụt lại phía sau vì tiền tuyến đang chờ phía trước. Khẩu hiệu lúc đó là: “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng quân thù”. Sức mạnh của tuổi mười tám đôi mươi, sức mạnh của niềm tin đã chiến thắng tất cả. Đến Sơn La, khi bàn giao cho bộ đội đầy đủ số lượng gạo, tôi hỏi các anh tiếp phẩm có tuyển bộ đội không cho tôi ở lại đi chiến dịch, được các anh đồng ý, tôi ghi vội vài dòng chữ nhờ bác hàng xóm cầm về cho Bầm tôi là tôi vẫn mạnh khỏe và đã gia nhập bộ đội ở lại trên Tây Bắc tham gia đánh trận .
2. Tôi vào bộ đội là cơ duyên như thế. Tôi theo các anh bộ đội đi khai lý lịch và chính thức là lính bộ binh của B7, đại đội 28, tiểu đoàn 4, trung đoàn 174 thuộc Đại đoàn 316 (sau năm 1955 là Sư đoàn 316- Sư đoàn Bông Lau- Sư đoàn Anh hùng). Chiến dịch đầu tiên tôi tham gia là chiến dịch Tây Bắc, đánh Pháp ở vùng biên giới Việt – Lào, ngăn quân giặc ở cây số 16, đồn Tây Trang, Điện Biên. Sau đó tôi cùng đồng đội đi mở đường và ngăn chặn quân Pháp tiến vào đèo Pha Háng thuộc tỉnh HuaPhan của Lào năm 1953.
Sau khi tham gia chiến dịch Tây Bắc, đơn vị tôi hành quân lên Điện Biên Phủ. Lòng chảo Điện Biên vẫn là một ẩn số đối với Bộ chỉ huy chiến dịch. Cuối năm 1953 địch đổ quân xuống Điện Biên. Các cố vấn của ta nhận định, địch vừa đổ quân xuống, chưa kịp đào công sự, khả năng phòng ngự yếu nên cần đánh nhanh, thắng nhanh, nội trong 3 ngày 2 đêm là có thể giải quyết được sân bay Mường Thanh.
Tuy nhiên, trong quá trình tấn công vào tập đoàn cứ điểm này, ta phải chịu nhiều thiệt hại lớn về người, vũ khí và phương tiện chiến đấu, đặc biệt là chịu hậu quả nặng nề từ các trận pháo kích của đối phương. Căn cứ của địch, cách bố trí các trận địa pháo, sân bay Mường Thanh… là một ẩn số cần phải được làm rõ bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả các trận đánh của ta. Sau đó các chiến sỹ trong Đại đoàn 316 đã được phân công làm nhiệm vụ đi trinh sát tình hình địch. Theo đường chim bay, khoảng cách từ núi Pú Hồng Mèo đến sân bay Mường Thanh là 1.800m. Từ đỉnh Pú Hồng Mèo, quân ta có thể nắm quy luật thả dù của Pháp, nếu thả dù đỏ, tức là thả tướng, dù xanh là thả lính, dù trắng là tiếp phẩm.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ Thái Nguyên sang Điện Biên Phủ trực tiếp chỉ huy chiến dịch. Căn hầm Đại tướng được đào dưới chân núi Pú Hồng Mèo, trên đỉnh núi, một trận địa cối 82 ly được bày bố. Đêm Giao thừa năm 1954, từ đỉnh Pú Hồng Mèo, lần lượt 6 khẩu cối 82 ly khai hỏa về phía sân bay Mường Thanh, một số máy bay của địch bốc cháy dữ dội. Ngay lập tức, các đợt pháo kích của địch cấp tập bắn về trận địa cối 82 ly, Quân ta bị thương vong nặng nề nhưng các trận địa pháo của địch bảo vệ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cũng bị lộ.
Ngay chiều hôm sau (26/1/1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức cuộc họp ở hầm chỉ huy. Sau khi phân tích tình hình thực tế, Đại tướng quyết định chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đại tướng ra lệnh rút quân, kéo pháo ra, tổ chức xây dựng công sự kiên cố, đào hào bao vây tiêu hao sinh lực địch”
Tối ngày 6/5/1954, khối bộc phá gần 1.000kg phát nổ dưới lòng đồi A1, phát lệnh tổng tiến công. Từ các chiến hào, quân ta tràn lên chiếm lĩnh trận địa trước sự chống cự quyết liệt của địch với sự hỗ trợ của đại liên, xe tăng, trọng pháo và máy bay ném bom.
Chiều 7/5, tướng Đờ Cát xin hàng, kết thúc gần 1 thế kỷ xâm lược nước ta, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới. 17h30 ngày 7/5/1954, lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc hầm Đờ Cát nhưng phải đến sáng 8/5, đám tàn quân Pháp mới hoàn toàn bị quét sạch ở lòng chảo Điện Biên.
3. Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi cùng nhiều chiến sỹ trong tiểu đoàn 4 được phong cấp bậc Chuẩn úy. Bộ đội tham gia chiến dịch Điện Biên lúc đó nhiều người chưa biết chữ, chưa biết làm toán cộng trừ. Tôi ở lại Điện Biên cùng anh em tham gia thu dọn chiến trường và tăng gia sản xuất, mở lớp bình dân học vụ dạy cho bộ đội, đi tuyển quân ở các tỉnh trung du và miền núi phía bắc để xây dựng lực lượng quân đội ở quân khu Tây Bắc. Là những người từng góp phần giải phóng Tây Bắc, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi trong Sư đoàn lại ở lại đây để xây dựng và phát triển mảnh đất đã từng thấm máu biết bao đồng chí, đồng đội, mỗi cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đều nhận thức rõ trách nhiệm và vinh dự lớn lao của mình. Những người lính trên các công trường, nông trường, cùng với những người lính trên thao trường, bãi tập đều thi đua, hăng hái trong lao động và luyện tập để góp phần làm thay đổi Tây Bắc-Điện Biên Phủ. Từ biên giới Tây Trang đến ngã ba Tuần Giáo, từ công trường Him Lam đến ngã ba Hồng Cúm, chỉ trong mấy tháng mà quang cảnh đã khác xưa. Màu xám lạnh, sự hoang tàn của chiến trường xưa đã được thay bằng màu xanh mơn mởn của lúa, ngô, màu tươi của ngói, màu trắng của những mẻ vôi mới ra lò. Từ năm 1954 đến năm 1959, chúng tôi đã xây dựng được 5 nông trường tại thị trấn Điện Biên, quy tập mộ liệt sỹ trong khu vực và xây dựng 3 nghĩa trang ở đây. Trong mỗi sự đổi thay của Điện Biên đều có sự đóng góp của những người lính chúng tôi- Sư đoàn 316.
Cuối năm tôi về phép thăm Bầm, tôi đã là 1 anh bộ đội có quân hàm da dáng lắm. Làng quê cũng có nhiều đổi thay, đời sống của mọi người đã khá hơn trước rất nhiều, anh trai tôi đã lập gia đình ở cùng với Bầm, em trai thì đang đi học cấp 2. Lần này về quê, tôi cũng muốn thưa chuyện với Bầm là tôi xin ở lại bộ đội và phục vụ trong quân đội, nên tôi không về làng tham gia công tác ở địa phương. Bầm đồng ý và tôi trở lại đơn vị ở Điện Biên tiếp tục con đường binh nghiệp. Xét thành tích trong chiến dịch Điện Biên, tôi được trao tặng Huy hiệu chiến sỹ thi đua Điện Biên Phủ, sau đó tôi được cấp trên cử đi học bổ túc văn hóa hết lớp 7 và đi học một khóa huấn luyện chính trị-quân sự ở Quân khu Tây Bắc và trở thành anh bộ đội Cụ Hồ chuyên nghiệp tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc./.