Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng ở tỉnh Phú Thọ trong giai đoạn hiện nay
Thứ sáu, 20.09.2024 08:38Tuyên truyền miệng có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối, các quan điểm, chủ trương của Đảng đến với quần chúng nhân dân tạo ra sự thống nhất về ý chí và hành động trong Đảng, sự đồng thuận, trong xã hội, cổ vũ, động viên quần chúng thực hiện thắng lợi mục tiêu, lý tưởng của Đảng.Trong bối cảnh hiện nay, trước yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới của đất nước, trong hoạt động tuyên truyền, cần chú trọng nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tư tưởng.
Tuyên truyền miệng là một phương thức của công tác tuyên truyền, là một bộ phận trong công tác tư tưởng của Đảng nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối, các quan điểm, chủ trương của Đảng đến với quần chúng nhân dân tạo ra sự thống nhất về ý chí và hành động trong Đảng, sự đồng thuận, trong xã hội, cổ vũ, động viên quần chúng thực hiện thắng lợi mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Đồng thời, góp phần làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nhân tố chủ đạo, chi phối đời sống chính trị và tinh thần xã hội; quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thấu suốt trong cán bộ, đảng viên, nhân dân với quyết tâm thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương , bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Nói về vai trò, mục đích của tuyên truyền nói chung và tuyên truyền miệng nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong Đảng và ngoài Đảng có nhận rõ tình hình mới, hiểu rõ nhiệm vụ mới, thì tư tưởng mới thống nhất, tư tưởng thống nhất thì hành động mới thống nhất. Nếu trong Đảng và ngoài Đảng từ trên xuống dưới, từ trong đến ngoài đều tư tưởng thống nhất và hành động thống nhất thì nhiệm vụ tuy nặng nề, công việc tuy khó khăn phức tạp ta cũng nhất định thắng lợi” (1) ; “Tuyên truyền là đem một một việc gì nói để dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó là tuyên truyền thất bại”(2) . Thái độ và hành vi của quần chúng nhân dân là thước đo hiệu quả của công tác tuyên truyền.
Với vai trò, tầm quan trọng và mục đích của công tác tuyên truyền miệng đối với sự nghiệp cách mạng chung của đất nước. Trong từng giai đoạn, từng thời kỳ cách mạng, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác tuyên truyền nói chung và tuyên truyền miệng nói riêng. Qua đó, khẳng định được nhận thức của Đảng về công tác tuyên truyền miệng ngày càng được hoàn thiện về lý luận, đáp ứng được thực tiễn của đất nước. Cụ thể: Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 3/8/1977 của Ban Bí Thư (khóa IV) “Về việc tổ chức đội ngũ báo cáo viên và tuyên truyền viên của Đảng”; Thông báo số 17-TB/TW ngày 7/6/1997 của Thường vụ bộ chính trị về việc tăng cường lãnh đạo và đổi mới công tác tuyên truyền miệng; Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới; Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 05/2/2024 của Ban Bí thư về công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới. Qua đó có thể thấy, kết quả việc quán triệt, triển khai thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về công tác tuyên truyền nói chung và tuyên truyền miệng nói riêng đã thể hiện rõ thống nhất trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời, thấy rõ mục đích của tuyên truyền miệng trong việc truyền bá, giáo dục hệ tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cổ vũ, động viên tính sáng tạo của cán bộ, đảng viên và quần chúng; đấu tranh chống các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng; góp phần xây dựng con người mới, xã hội mới, nền văn hóa mới; quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.Thấy rõ được vị trí của công tác tuyên truyền miệng, Đảng ta nhấn mạnh: “Tuyên truyền miệng và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên là một mắt khâu quan trọng, trực tiếp nối liền Đảng, Nhà nước với nhân dân, Trung ương với địa phương và cơ sở để vừa đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, vừa nắm bắt, phản ánh trung thực, kịp thời tư tưởng, tâm tư, nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng của nhân dân đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước”(3).
Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng, những năm qua, các cấp uỷ đảng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền miệng thiết thực và hiệu quả, việc xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ngày càng nâng cao chất lượng về chuyên môn và kỹ năng, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Về nội dung tuyên truyền được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đã bám sát quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, bám sát nhiệm vụ chính trị; gắn lý luận với thực tiễn; đặc biệt quan tâm tuyên truyền những chủ đề, nội dung cán bộ, đảng viên, Nhân dân quan tâm. Đồng thời, đội ngũ báo cáo viên vừa tuyên truyền, vừa nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, Nhân dân, kịp thời phản ánh cho cấp ủy Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.
Những thành tựu trong công tác tuyên truyền miệng, năm 2023, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức được 04 hội nghị cấp tỉnh theo hình thức trực tiếp; 01 theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tới 17 điểm cầu trong tỉnh với sự tham dự của 1239 đại biểu; Ban Tuyên giáo các huyện, thành, thị ủy và Đảng bộ trực thuộc tổ chức 54 hội nghị thông tin thời sự quý, 13 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Đảng, 13 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị lồng ghép nội dung thông tin thời sự. Đặc biệt, trước những thông tin đồn thổi, thông tin sai sự thật trên địa bàn tỉnh về các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh, đã chỉ đạo các cơ, quan, đơn vị, địa phương tổ chức các hội nghị báo cáo viên, hội nghị chuyên đề, để kịp thời cung cấp thông tin chính thống; đồng thời, cử các đồng chí báo cáo viên cấp tỉnh tham gia cung cấp thông tin đến cấp huyện và cơ sở nhằm tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, tránh gây tâm lý hoài nghi, hoang mang, dao động trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Công tác cung cấp thông tin, tư liệu cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp tiếp tục có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả, nội dung thông tin đáp ứng yêu cầu nhanh, có trọng tâm, trọng điểm cơ bản đáp ứng được yêu cầu của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; qua đó, giúp hoạt động của đội ngũ báo cáo viên ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng, hiệu quả.
Hằng tháng, đã tổ chức biên soạn, phát hành “Bản tin Sinh hoạt chi bộ”, “Thông tin tuyên truyền viên”, "Tài liệu Báo cáo viên", "Tài liệu tham khảo" để cung cấp thông tin cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, phục vụ cho sinh hoạt chi bộ định kỳ và công tác tuyên truyền ở cơ sở. (Trong năm 2023,Biên soạn, phát hành 95.700 cuốn Bản tin Sinh hoạt chi bộ, 92.500 cuốn Thông tin tuyên truyền viên/tháng)
Có thể thấy, năm 2023, công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên của tỉnh đã có nhiều đổi mới, chất lượng, hình thức hoạt động thay đổi theo hướng hiện đại hơn, phong phú hơn, gắn với thực tiễn hơn. Đội ngũ báo cáo viên các cấp tại tỉnh ngày càng khẳng định được uy tín, năng lực, trình độ chuyên môn, thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng và nhân dân, góp phần tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.
Trong thời gian tới, tình hình quốc tế, khu vực và trong nước tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, khó lường; cơ hội đan xen với thách thức, trong đó dự báo khó khăn, thách thức nhiều hơn, tác động đến an ninh và phát triển của nước ta.,... tác động đến tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và việc triển khai thực hiện Đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước. Đồng thời, về Phương hướng công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh Phú thọ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định: “Bám sát hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, toàn ngành Tuyên giáo tỉnh Phú Thọ tiếp tục tích cực đổi mới mạnh mẽ nội dung hoạt động, phương thức công tác tuyên giáo, phương pháp làm việc; bám sát thực tiễn cơ sở, nắm chắc tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, nâng cao khả năng dự báo; tăng cường kiểm tra, đôn đốc; xác định chương trình công tác trọng tâm, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tổ chức thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của Ngành. Chú trọng công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức; tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nắm chắc diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, của tỉnh, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh, tích cực, chủ động tập trung tuyên truyền các sự kiện chính trị quan trọng, các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh; tuyên truyền các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; cổ vũ, phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu đạt nhiều kết quả to lớn hơn nữa, đưa Phú Thọ trở thành tỉnh phát triển hàng đầu khu vực Trung du và miền núi phía Bắc”. Vì vậy, thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả và phát huy thế mạnh của công tác tuyên truyền miệng, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới,tỉnh Phú Thọ cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất: Nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền nói chung và tuyên truyền miệng nói riêng. Đặc biệt, quán triệt và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 05/2/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới và Hướng dẫn số 155-HD/BTGTW, ngày 14-5-2024 của Ban Tuyên giáo Trung ương về thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới.
Thứ hai: Các cấp ủy Đảng tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền miệng về việc quán triệt văn bản cấp trên; nội dung, phương tiện phục vụ tuyên truyền; xây dựng quy chế trong công tác tuyên truyền miệng đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Thứ ba:Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đủ phẩm chất, năng lực thực hiện tốt việc định hướng nội dung tuyên truyền miệng. Đồng thời, Ban Tuyên giáo các cấp tăng cường tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo, quản lý hoạt động đội ngũ báo cáo viên; phối hợp với Trường Chính trị, Trung tâm chính trị tổ chức các hội nghị thông tin, bồi dưỡng báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở; định kỳ tổ chức các lớp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ tuyên truyền miệng và các hoạt động trao đổi kinh nghiệm cho báo cáo viên; thường xuyên theo dõi, kiểm tra hoạt động của báo cáo viên, tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết; khen thưởng, động viên kịp thời những báo cáo viên, tuyên truyền viên có thành tích tốt.
Thứ tư: Tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng, phương tiện làm công tác tuyên truyền; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan chức năng các cấp, tạo sự đồng bộ bảo đảm tính định hướng của hoạt động tuyên truyền miệng.
Thứ năm: Đa dạng hóa phương thức, nâng cao hiệu quả các loại hình tuyên truyền miệng. Cấp ủy các cấp cần kết hợp tuyên truyền miệng trực tuyến với tuyên truyền miệng trực tiếp. Trong đó, công tác tuyên truyền miệng trực tiếp là gốc. Bên cạnh đó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục chú trọng tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên giáo nói chung, công tác tuyên truyền miệng nói riêng đáp ứng thực tiễn của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Từ vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng ở Đảng bộ tỉnh Phú Thọ trong giai điều kiện hiện nay của đất nước là một yêu cầu cấp thiết. Do đó, Đảng bộ tỉnh Phú Thọ cần tập trung thực hiện đồng bộ, sáng tạo và linh hoạt các nhóm giải pháp trên./
ThS. Nguyễn Thị Thuý Hồng
Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng
Tài liệu tham khảo
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập,t8 Nxb chính trị quốc gia, hà Nội, 2011,tr.554-555;
(2) Hồ Chí Minh,Toàn tập,sđd,t5,tr.191
(3) Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới
- Báo cáo tổng kết công tác Tuyên giáo của tỉnh Phú Thọ năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024.
• Nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn hướng tới Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ đạt chuẩn mức 1 vào năm 2024
• Công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp xã trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Phú Thọ trong giai đoạn hiện nay
• Nghiên cứu, vận dụng Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới vào giảng dạy học phần Xây dựng Đảng
• Sự kiện 5/6/1911: lựa chọn mới mẻ và bài học về vượt lên lối tư duy cũ
• Nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh ở bước kết thúc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước
• Chiến dịch Tây Nguyên – Trận mở màn then chốt của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975
• Đền Hùng - Cội nguồn dân tộc
• CUỐN SÁCH PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC, XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC TA NGÀY CÀNG GIÀU MẠNH, VĂN MINH, HẠNH PHÚC CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG LÀ TÀI LIỆU QUÝ TRONG SOẠN, GIẢNG
• Vận dụng Nghị quyết số 43-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vào giảng dạy Bài 1 “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và công tác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”