CHÍNH SÁCH MỚI VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI BẮT BUỘC CÓ HIỆU LỰC TỪ NGÀY 01 - 9 - 2021
Thứ sáu, 24.09.2021 08:48Vi Thị Kim Ngân - Tổng hợp
Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH sửa đổi Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/9/2021. Theo đó có một số nội dung về bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đáng chú ý.
1. Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc
Bổ sung quy định vào cuối khoản 1, Điều 2: Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đồng thời là người giao kết hợp đồng lao động quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH thì tham gia BHXH bắt buộc theo đối tượng quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH.
Có nghĩa rằng, những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đồng thời là người giao kết hợp đồng lao động sẽ đóng BHXH bắt buộc theo mức 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Mức tiền lương hàng tháng làm căn cứ đóng BHXH này sẽ dựa theo hợp đồng lao động đã ký nhưng tuân theo nguyên tắc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất.
2. Mức hưởng chế độ ốm đau
* Đối với trường hợp người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày (Sửa đổi điểm b khoản 2 Điều 6): Bổ sung quy định mức hưởng chế độ ốm đau của những ngày lẻ không trọn tháng tối đa bằng mức trợ cấp ốm đau một tháng (hiện nay không quy định mức tối đa).
Trong đó:
- Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại điểm a khoản này.
- Số ngày nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần.
*Đối với trường hợp Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải tai nạn lao độn (Bổ sung vào cuối khoản 3 Điều 6):
Người lao động thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản bị ốm đau, tai nạn mà không phải tai nạn lao động hoặc phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau mà thời gian nghỉ việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng (bao gồm cả trường hợp nghỉ việc không hưởng tiền lương) thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Trường hợp các tháng liền kề tiếp theo người lao động vẫn tiếp tục bị ốm và phải nghỉ việc thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
3. Trường hợp hưởng trợ cấp một lần của người chồng có vợ sinh con nhưng chỗ người chồng tham gia bảo hiểm xã hội
Khoản 5 Điều 1 Thông tư 06/2021, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 9 Thông tư 59/2015 như sau:
Trường hợp người mẹ tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con mà người cha đủ điều kiện quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9 Thông tư 59/2015 thì người cha được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con theo Điều 38 Luật BHXH. Việc bổ sung quy định này nhằm làm rõ quy định về trợ cấp một lần khi sinh con tại Điều 38 Luật BHXH.
“Điều 38. Trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi
...Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con”
Như vậy, trường hợp cả hai vợ chồng cùng tham gia BHXH mà người vợ không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì người chồng đóng BHXH đủ 06 tháng trong 12 tháng trước khi sinh con sẽ được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con bằng 02 tháng lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.
4. Về thời gian hưởng chế độ thai sản
- Trường hợp lao động nữ mang thai đôi trở lên mà khi sinh nếu có con bị chết hoặc chết lưu thì thời gian hưởng, trợ cấp thai sản khi sinh con và trợ cấp một lần khi sinh con được tính theo số con được sinh ra, bao gồm cả con bị chết hoặc chết lưu. (Sửa đổi khoản 3 Điều 10)
- Lao động nam đang đóng BHXH bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định tại khoản 2 Điều 34 của Luật BHXH, trường hợp nghỉ nhiều lần thì thời gian bắt đầu nghỉ việc của lần cuối cùng vẫn phải trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con và tổng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không quá thời gian quy định. (Quy định mới bổ sung vào Điều 10)
- Bổ sung quy định: Trường hợp thời gian hưởng chế độ thai sản trùng với thời gian nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương không được tính hưởng chế độ đối với các trường hợp:
+ Nghỉ chế độ đi khám thai.
+ Nghỉ chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý.
+ Nghỉ chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai.
+ Nghỉ chế độ của lao động nam có vợ sinh con.
5. Về chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản
Bổ sung quy định đối với lao động nữ trong một năm vừa nghỉ việc hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý; vừa nghỉ việc hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thời gian hưởng chế độ thai sản khi sinh con thì thời gian nghỉ việc hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong năm đối với mỗi trường hợp không quá thời gian tối đa sau đây:
+ Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;
+ Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;
+ Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.
• HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH TỔ CHỨC LỚP “BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ THÔNG TIN - THƯ VIỆN” NĂM 2021
• QUAN ĐIỂM VỀ PHÁT HUY SỨC MẠNH ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC TRONG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG
• MỘT SỐ VĂN BẢN MỚI CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 9/2021
• TINH THẦN NGÀY QUỐC KHÁNH 2 – 9 BẤT DIỆT CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM
• MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG GẶP KHÓ KHĂN DO ĐẠI DỊCH COVID-19
• CÁCH MẠNG THÁNG TÁM – GIÁ TRỊ LỊCH SỬ KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN
• HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TRIỂN KHAI QUY ĐỊNH SỐ 11-QĐ/TW CỦA BAN BÍ THƯ VỀ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ CHUẨN
• TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌ VỚI MỤC TIÊU THỰC HIỆN QUY ĐỊNH 11-QĐi/TW CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VỀ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ CHUẨN
• TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌ PHÁT ĐỘNG ỦNG HỘ PHÒNG, CHỐNG ĐẠI DỊCH COVID-19