Liên kết website
Website Chính Phủ
Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Học viện hành chính Quốc gia
Untitled Document
Thống kê truy cập
Số người online :  9
Hôm nay :  792
Hôm qua :  2205
Lượt truy cập : 2682850
XÂY DỰNG MÔ HÌNH CÔNG DÂN HỌC TẬP TRONG THỜI KỲ CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0
9 10 883

XÂY DỰNG MÔ HÌNH CÔNG DÂN HỌC TẬP TRONG THỜI KỲ CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0

Thứ hai, 08.06.2020 06:35

ThS. Nguyễn Văn Nhạ
Phó Hiệu trưởng




Công dân là một phần của xã hội, là người dân của một nước, có quyền lợi công dân trước Nhà nước, có bổn phận xây dựng và bảo vệ đất nước. Học tập vừa là quyền, vừa là bổn phận – trách nhiệm của công dân. Công dân học tập là hạt nhân của xã hội học tập. Để có được các gia đình học tập, dòng họ học tập, cơ quan – đơn vị học tập, cộng đồng học tập thì trước hết phải có những công dân học tập. Do đó, công dân học tập là yếu tố hạt nhân - căn bản để xây dựng xã hội học tập.

Mô hình công dân học tập được thể hiện ở mối quan hệ của công dân với việc học tập của bản thân, với công việc - nghề nghiệp, với gia đình, dòng họ, với cơ quan – đơn vị công tác, nơi cư trú, với cộng đồng xã hội và với môi trường sinh sống, làm việc, học tập….. “Công dân học tập” phải có ý thức học tập thường xuyên và năng lực tự học – học tập suốt đời dưới nhiều hình thức, như: học ở trường lớp; học qua sách báo, phương tiện thông tin đại chúng, truyền hình, các trang mạng xã hội (chính thống); thông qua các hoạt động tập thể, cộng đồng, các buổi hội thảo, học tập chuyên đề, các lớp bồi dưỡng – cập nhật kiến thức; thông qua hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, câu lạc bộ quần chúng …

Là “công dân học tập”, đòi hỏi phải có những phẩm chất, năng lực, nguyên tắc tôn trọng và thực hành các chuẩn mực xã hội, như: lòng yêu nước, yêu thương con người, yêu thương, chăm sóc người thân trong gia đình, dòng họ; có lối sống lành mạnh, trách nhiệm với bản thân, gia đình và với cộng đồng; có ý thức tuân thủ pháp luật, gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân; là người lao động, có nghề, biết sử dụng tin học, ngoại ngữ; có năng lực tư duy và làm việc sáng tạo, tinh thần đoàn kết, hợp tác và sẻ chia; có tinh thần hội nhập – khả năng làm việc trong môi trường hợp tác quốc tế; có ý thức tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tôn trọng cộng đồng và thực hiện trách nhiệm với cộng đồng (bình đẳng giới, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, ý thức bảo vệ của công, bảo vệ môi trường….). 

Xây dựng, phát triển mô hình công dân học tập (hạt nhân của xã hội học tập) là trách nhiệm của cả cộng đồng, cơ quan, đơn vị, dòng họ và mọi gia đình. Đó là sự logic trong tư duy và trong mối quan hệ biện chứng giữa công dân với cộng đồng; và trên thực tế: chỉ khi có mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cơ quan – đơn vị học tập, cộng đồng học tập mới là điều kiện, môi trường tốt nhất để xây dựng mô hình công dân học tập, để công dân được học tập thường xuyên, suốt đời.

Xây dựng mô hình công dân học tập hiện nay là rất cần thiết và có ý nghĩa thiết thực trong quá trình đổi mới, phát triển và bảo vệ quê hương, đất nước; đặc biệt là trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Cách mạng công nghiệp 4.0 với hệ thống thiết bị thông minh tích hợp nhiều kỹ thuật và công nghệ đã tác động mạnh mẽ tới các nền kinh tế thế giới. Thế giới chuyển sang kinh tế tri thức – kinh tế thông minh, dựa trên nền tảng công nghệ số nhằm xây dựng thế giới siêu kết nối và tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất. Những công nghệ đột phá, tiên tiến nhất hiện nay là “trí tuệ nhân tạo” (AI), “dữ liệu lớn” (big Data), “công nghệ in 3D”, “người máy cao cấp” “Internet kết nối vạn vật” (IoT), “công nghệ nano”, “công nghệ vật liệu mới và cảm biến”, “công nghệ sinh học”…. Thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 đã được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, như: xây dựng thành phố thông minh, nhà ở thông minh; hệ thống giao thông, bệnh viện, nhà máy thông minh; tạo lập, kết nối giữa các thiết bị, máy móc với nhau và giữa máy móc với con người.

Trong điều kiện đó, xây dựng mô hình công dân học tập phù hợp với thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, bắt kịp xu hướng phát triển của thời đại là yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, đơn vị sự nghiệp, cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp …, cộng đồng xã hội và mọi người dân cần quan tâm hơn nữa tới việc xây dựng xã hội học tập, trước hết là xây dựng mô hình công dân học tập (hạt nhân của xã hội học tập), nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Từ những tiếp cận nêu trên, bài viết này đề xuất một số giải pháp (mang tính tham khảo) để “xây dựng mô hình công dân học tập trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0” – là những giải pháp không tách rời với việc xây dựng xã hội học tập:

Trước hết, đối với cá nhân công dân – với tư cách là thành viên của xã hội, không những phải thường xuyên học tập, học tập suốt đời; mà còn phải kịp thời cập nhật thành tựu khoa học, công nghệ thông tin, nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ của bản thân để có điều kiện, phương tiện học tập một cách thông minh nhất. Cơ sở của cách mạng công nghiệp 4.0 là sự kết hợp giữa hai thế giới thật - ảo thông qua hệ thống phần mềm tương ứng của các thiết bị công nghệ thông tin, kỹ thuật số với kết nối mạng. Do đó, kiến thức và kỹ năng về công nghệ thông tin, ngôn ngữ giao tiếp với máy tính và ngoại ngữ có vai trò đặc biệt quan trọng – vì đây là công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc học tập trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay. Điều này càng được minh chứng rõ ràng hơn khi đại dịch COVID – 19 đang trực tiếp ảnh hưởng tới các quốc gia trên phạm vi toàn cầu; không chỉ các trường học, các cơ sở giáo dục, mà cả xã hội, mọi người dân phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận, nếp sống – trong đó có việc phải thích ứng với môi trường học tập, làm việc trực tuyến, phương thức học tập online. 

Tất nhiên, giá trị cốt lõi của mô hình công dân học tập vẫn là yêu cầu duy trì ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi về các phẩm chất, năng lực của công dân, đó là: yêu nước, yêu thương con người; có lối sống lành mạnh, trung thực, tiết kiệm; có trách nhiệm với cộng đồng, tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật; có tư duy đổi mới, lao động sáng tạo, có ý chí vươn lên, có tinh thần đoàn kết, hợp tác – chia sẻ, ý thức bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.

Thứ hai, đối với các gia đình, dòng họ cùng với trường học, cơ sở giáo dục thực hiện tốt trách nhiệm giáo dục, hình thành nhân cách, xây dựng con người mới với những chuẩn mực đạo đức công dân, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp phù hợp với thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học – công nghệ, sự phát triển “nóng” của nền kinh tế thị trường (nếu không được định hướng và kiểm soát chặt chẽ, mặt trái của kinh tế thị trường sẽ tác động tiêu cực tới đời sống xã hội, làm cho “chủ nghĩa cá nhân”, “dục vọng” của con người được “kích hoạt” thì khi đó con người có thể tìm mọi cách để “lách luật” với rất nhiều mánh khóe, thủ đoạn với những hành vi lệch chuẩn xã hội và vi phạm pháp luật - nhất là khi được sự hậu thuẫn, hỗ trợ bởi công cụ hiện đại, công nghệ thông tin một cách rất tinh vi). Do đó, thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 càng phải đề cao vai trò của gia đình, dòng họ, nhà trường trong việc giáo dục nhân cách con người, bởi vì đạo đức, nhân cách, sự liêm khiết là yếu tố gốc để xây dựng con người mới – xây dựng mô hình công dân học tập dựa trên sự giáo dục, tự nhận thức, tự giác ngộ để từ đó đánh thức lương tâm, danh dự, trách nhiệm công dân của mỗi con người. Như vậy, để xây dựng mô hình công dân học tập, cần làm tốt việc xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, đơn vị nhà trường học tập. Ở đó, ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo và người lớn phải làm gương mẫu cho cháu con, thanh thiếu niên, nhi đồng, học sinh, sinh viên trong việc thường xuyên học tập, cập nhật kiến thức mới, tiếp thu thành tựu khoa học công nghệ để phục vụ lao động sản xuất và xây dựng cuộc sống.

Thứ ba, đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp cần tạo điều kiện tốt nhất, môi trường tốt nhất để cho cán bộ, công nhân, viên chức của đơn vị mình được tham gia học tập nâng cao trình độ (nhất là về tin học, ngoại ngữ). Đồng thời khích lệ, động viên mọi người tích cực tham gia xây dựng mô hình công dân học tập tại cơ quan, đơn vị học tập. Từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp phải định hướng cho hoạt động học tập của cán bộ, công nhân, viên chức, đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp mà xã hội cần và khả năng thích ứng với sự biến động thường xuyên về nhu cầu việc làm trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Việc làm và thất nghiệp là vấn đề thường trực và luôn mang tính thời sự trong cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là giai đoạn đầu khi lực lượng lao động chưa thích ứng và chưa đáp ứng ngay được những điều kiện mới với yêu cầu khắt khe hơn của mỗi ngành nghề cũng như sự dịch chuyển về cơ cấu lao động giữa các ngành nghề. Thực tế cho thấy, cùng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, thì robot đã ngày càng tham gia nhiều hơn, tích cực hơn vào thị trường lao động để thực hiện những công việc phổ thông hoặc những công việc nguy hiểm thay cho con người. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp phải giúp cho “công dân của mình” (cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động) luôn có một tâm thế mở, biết biến thách thức thành cơ hội, biến ý tưởng thành hiện thực, luôn chủ động học tập, đổi mới tư duy và sáng tạo trong công việc để thích ứng với những tác động của cách mạng công nghiệp 4.0. 

Thứ tư, đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, hệ thống chính trị cần chỉ đạo, điều hành, phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập. Đồng thời có trách nhiệm củng cố niềm tin, giữ vững ổn định chính trị - tư tưởng, làm tốt công tác định hướng dư luận trước những vấn đề mới nảy sinh. Trước sự tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 đến mọi mặt của đời sống xã hội, rất nhiều vấn đề mới nảy sinh theo cả hướng tích cực và tiêu cực. Nhiều thành tựu khoa học công nghệ mới xuất hiện, nhiều ngành nghề mới ra đời, nên rất dễ làm cho người dân (kể cả cán bộ, viên chức), nhất là những người có nhận thức hạn chế, tư duy bảo thủ sẽ bị “choáng” trước sức mạnh của công nghệ, dẫn đến xu hướng hoặc là cường điệu hóa vai trò của máy móc, robot, công nghệ, chạy theo “thuyết kỹ trị” (mà không hiểu được bản chất của kỹ thuật công nghệ chỉ là công cụ để con người lao động, học tập, sinh sống và phát triển); hoặc là hoang mang dao động do “nhiễu loạn” thông tin trên không gian mạng; hoặc e dè, thiếu niềm tin bản thân, không dám tìm hiểu, nghiên cứu những công nghệ mới, nên dần đánh mất niềm tin vào khả năng của bản thân mình, không tin vào sức mạnh trí tuệ của con người; hoặc do hội chứng đám đông, tâm lý a dua, mà không tìm hiểu bản chất vấn đề, nguyên lý hoạt động để từ đó xử lý hay có sự lựa chọn đúng đắn phù hợp khi tiếp cận các thông tin trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Tất cả những hạn chế đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc xây dựng mô hình công dân học tập, xã hội học tập. Do đó, cả hệ thống chính trị phải làm tốt công tác định hướng dư luận một cách kịp thời trước những vấn đề mới nảy sinh do tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, để người dân có nhận thức đúng, tiếp cận tích cực và nỗ lực học tập để thích ứng nhanh và đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Với tất cả các giải pháp đồng bộ nêu trên, yếu tố then chốt là ý chí quyết tâm, sự kiên trì rèn luyện, nỗ lực học tập không ngừng của từng công dân, để vừa hoàn thiện nhân cách, trách nhiệm cộng đồng, vừa nâng cao năng lực của cá nhân. Đồng thời các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác xây dựng xã hội học tập (gia đình học tập, dòng họ học tập, cơ quan, đơn vị học tập) thì việc xây dựng mô hình công dân học tập trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đem lại kết quả tích cực và hiệu quả thiết thực.

 

[Trở về] [Đầu trang] In bài viết Gửi cho bạn bè

Các tin khác:
GIẢI PHÁP TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌ HIỆN NAY
CẬP NHẬT NỘI DUNG “LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TỔ CHỨC CHÍNH PHỦ VÀ LUẬT TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG” VÀO HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN GIẢNG DẠY
XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN MỚI CỦA ĐẤT NƯỚC
CÔNG TÁC PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN HIỆN NAY - THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
Vụ TCT 65 Bí thư Tỉnh ủy Bí thư Tỉnh ủy tặng hoa GS,TS Nguyễn Xuân Thắng Huân chương LĐ hạng Nhất HT Hội nghị thi đua yêu nước năm 2016 BCH Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2000 Lễ đón nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ năm 2015
  • Vụ TCT
Tin mới nhất