Vai trò công tác tuyên giáo trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế
Thứ hai, 19.08.2024 01:15Tóm tắt:Công tác tuyên giáo đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình xây dựng Đảng, cũng như sự nghiệp phát triển chung của đất nước và sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Đảng ta luôn khẳng định: Con người là chủ thể, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới. Vì vậy, Đảng ta luôn chú trọng và xác định đẩy mạnh công tác tuyên giáo, nhằm tuyên truyền, giáo dục, phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa con người Việt Nam, đặc biệt là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Từ khóa: tuyên giáo; văn hóa; công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hội nhập.
1. Nhận thức của Đảng ta về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam
Chúng tađang sống trong một thế giới toàn cầu hóa, với nền kinh tế tri thức và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có nhiều thuận lợi và những khó khăn đan xen. Sau gần 40 năm đổi mới, nhận thức về văn hóa, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Tư tưởng, đạo đức và lối sống văn hóa đã có những chuyển biến tích cực; hệ thống chính sách pháp luật về văn hóa tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hoá; công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa tiếp tục được quan tâm.... Thực tiễn lịch sử đã chứng minh những lúc khó khăn các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ, lòng yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái, sống có nghĩa, có tình, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, cả dân tộc kết thành một khối thống nhất về ý chí và hành động. Văn hoá đã có những đóng góp tích cực, quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Đồng thời khẳng định: Con người là chủ thể, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc khẳng định “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”. Theo tinh thần các nghị quyết của Đảng, chúng ta phải nhận thức sâu sắc, đúng đắn, đầy đủ khái niệm văn hóa và vai trò, sứ mệnh của văn hóa đối với sự phát triển bền vững. Sự phát triển của đất nước đều có dấu ấn và sự khai sáng của văn hóa, nhận thức những yếu tố bản chất của văn hóa gắn với con người, phản ánh những mặt cốt lõi về tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách, tâm hồn, cách ứng xử. Văn hóa còn thì chế độ còn, văn hóa mất thì chế độ mất; không gì đáng sợ bằng văn hóa lâm nguy. Phát triển nền văn hóa toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển. Bởi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, mọi việc thành công hay thất bại của cá nhân, tổ chức, cộng đồng, đất nước đều do có văn hóa hay tha hóa về văn hóa.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội khẳng định “con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”. Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của BCH TW khóa XI, “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Kết luận số 76-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW nhấn mạnh: “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của văn hoá trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định vai trò, ý nghĩa đặc biệt của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, xác định một trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030…
Tuy nhiên, trước sự phát triển của xã hội, vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém: Việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế chưa đạt được mục tiêu đề ra. Đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt hiệu quả chưa cao. Hệ thống thiết chế văn hóa chậm chuyển đổi sang phương thức tự chủ, xã hội hóa. Việc chỉ đạo phát triển công nghiệp văn hóa còn chậm. Các đặc trưng cơ bản của nền văn hóa là “dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học” cùng quan điểm xây dựng con người có nhân cách, lối sống đẹp chưa được quán triệt thường xuyên; có dấu hiệu buông lỏng cả ba môi trường: Gia đình, nhà trường và xã hội. Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục… Đại hội XIII của Đảng đánh giá: Văn hoá chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hoá trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng coi trọng chức năng giải trí đơn thuần. Những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật rất hạn chế về số lượng. Môi trường văn hoá, xã hội tiếp tục bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Chênh lệch về hưởng thụ văn hoá giữa các vùng, miền còn lớn; đời sống văn hoá ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn... Chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp nghiêm trọng về một số mặt văn hoá, đạo đức, lối sống, gây bức xúc xã hội...
2. Vai trò của công tác tuyên giáo trong xây dựng, phát triển con người Việt Nam
Công tác tuyên giáo với chức năng tham mưu giúp cấp ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác xây dựng Đảng thuộc các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, lý luận chính trị, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, khoa giáo, dư luận xã hội, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương…Trong những năm qua, Ban Tuyên giáo từ Trung ương đến cơ sở luôn xác định xây dựng và phát triển văn hóa, con người là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng và thường xuyên. Để phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ, nhất là trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong giai đoạn hiện nay, công tác tuyên giáo cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xác định rõ xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Làm tốt công tác giáo dục truyền thống; bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống, nhân cách, nâng cao lòng tự hào dân tộc, tôn vinh những giá trị lịch sử văn hóa dân tộc.
Tập trung thực hiện các giải pháp xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Phối hợp tham mưu hoàn thiện việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tăng cường giáo dục thẩm mỹ, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng xã hội cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên.
Coi trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy nhà nước, đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương, đặc biệt đưa Quy định 144 của Đảng về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới vào thực tiễn. Chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống chính trị và xã hội.
Phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm con người. Bảo đảm quyền hưởng thụ văn hóa và sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật của mỗi cá nhân. Đổi mới, khuyến khích đội ngũ văn nghệ sỹ phát huy khả năng sáng tác, quảng bá các tác phẩm giàu chất nghệ thuật.
Tôn vinh, nhân rộng các giá trị tốt đẹp, nhân văn. Chấn chỉnh kịp thời việc lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để truyền bá tư tưởng duy tâm thần bí, thực hành mê tín dị đoan, gây mất an ninh trật tự. Đấu tranh loại trừ các sản phẩm văn hóa độc hại, các hành vi tiêu cực, cơ hội, vi phạm phát luật, truyền bá tư tưởng sai trái, lối sống thực dụng, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc, ảnh hưởng xấu đến xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Mở rộng giao lưu, hợp tác văn hóa với các nước; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và truyền bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Chọn lọc, tiếp thu kinh nghiệm tốt, phù hợp của các nước trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, khắc phục ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa về văn hóa.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta từng bước hoàn thiện tư duy lý luận và đường lối lãnh đạo về phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện. Từ đó, khai thác và phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và sức mạnh của con người Việt Nam, tạo động lực, sức mạnh nội sinh quan trọng để thúc đẩy quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước trong giai đoạn hiện nay.
ThS. Mai Xuân Dũng
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
• Đổi mới nội dung, phương pháp, chương trình, giáo trình học tập, nghiên cứu lý luận chính trị
• Từ “ngọn cờ gió đại phong” đến huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh
• Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua Ái Quốc
• Khái lược sự chống phá của các thế lực thù địch trong lịch sử và bài học cho giai đoạn hiện nay
• Lớp Bồi dưỡng ngạch chuyên viên khóa 5 năm 2024 huyện Thanh Ba đi nghiên cứu thực tế
• Thực hiện Quy định 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, trong giai đoạn mới
• Hội nghị Ban chỉ đạo thực hiện Đề án xây dựng Trường Chính trị đạt chuẩn
• Hội nghị Giao ban tháng 8 năm 2023
• THỰC HIỆN KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ