Liên kết website
Website Chính Phủ
Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Học viện hành chính Quốc gia
Untitled Document
Thống kê truy cập
Số người online :  8
Hôm nay :  1367
Hôm qua :  2228
Lượt truy cập : 2531160
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ GIÁO DỤC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ
9 10 1250

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ GIÁO DỤC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Thứ hai, 13.07.2020 09:19

ThS. Nguyễn Văn Nhạ
Phó Hiệu trưởng




Giáo dục lý luận chính trị là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm công tác giáo dục và giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Giáo dục – huấn luyện về lý luận nhằm giác ngộ lý tưởng cách mạng, nâng cao nhận thức chính trị, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cao cả của cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao vai trò của lý luận. Theo Người “lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc đấu tranh, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng, rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính”. Lý luận soi đường cho thực tiễn “lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”. Nếu không chú tâm nghiên cứu lý luận Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không vững lý luận chính trị sẽ dễ dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, đã nhận định “công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả, nội dung và phương pháp giáo dục, truyền đạt chậm đổi mới, chưa tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức về tình trạng suy thoái, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và những hậu quả gây ra”.

Việc chưa coi trọng công tác tư tưởng, chưa coi trọng công tác giáo dục lý luận chính trị bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, chủ yếu nhất là từ chính cá nhân cán bộ, đảng viên. Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về “tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý” và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ “một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đúng đắn về công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Nhiều cán bộ, đảng viên coi mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị là để có bằng cấp, chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh”, chứ chưa thực sự chú tâm học tập để nâng cao trình độ lý luận.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế trong công tác giáo dục, học tập lý luận chính trị đó là do cán bộ, đảng viên “kém lý luận”, “khinh lý luận” và “lý luận suông”. Cán bộ, đảng viên “kém lý luận” thì trình độ nhận thức không đáp ứng được yêu cầu mới của cách mạng, do đó bị lạc hậu so với sự phát triển, khi gặp những vấn đề mới phát sinh hoặc khó khăn trở ngại thì họ lúng túng không biết làm như thế nào cho đúng. Cán bộ, đảng viên “khinh lý luận” luôn cho rằng giải quyết mọi công việc thì chỉ cần có kinh nghiệm là đủ, nhưng “kinh nghiệm của họ tuy tốt nhưng cũng chẳng qua là từng bộ phận mà thôi ... Có kinh nghiệm mà không có lý luận cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”. Cán bộ, đảng viên chỉ biết “lý luận suông” cũng nguy hiểm không khác gì “kém lý luận”, “dù xem được hàng ngàn, hàng vạn quyền lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách. Xem nhiều sách để mà lòe, để làm ra ta đây thế không phải là biết lý luận”. Bởi “lý luận cũng như cái tên, thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên”. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cũng chỉ rõ một trong những biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị, đó là “nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước”.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng cần phải xác định đúng và phát huy đầy đủ vai trò của công tác giáo dục lý luận chính trị. Vì “không có lý luận cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng”, “chỉ Đảng nào được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong” (V.I.Lênin). Kế thừa luận điểm đó của V.I.Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất coi trọng công tác huấn luyện lý luận và vai trò của công tác huấn luyện lý luận cho cán bộ, đảng viên. Người luôn dạy “cán bộ là gốc của công việc. Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, vì vậy “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”, “Đảng phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”. Huấn luyện cán bộ có nhiều nội dung, trong đó huấn luyện về lý luận chính trị là nội dung căn bản và quan trọng của công tác tư tường. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu “phải sửa đổi lề lối làm việc của Đảng”, thông qua việc mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm khắc sửa chữa những khuyết điểm của mình và của đồng chí mình. Người chỉ rõ khuyết điểm có nhiều thứ, nhưng đầu tiên và nguy hiểm nhất là “khuyết điểm về tư tưởng, tức là bệnh chủ quan”, “nếu không chữa trị ngay, để nó lây ra thì có hại vô cùng. Vậy bệnh chủ quan do đâu mà có. Nguyên nhân gây ra bệnh chủ quan được chỉ rõ, đó là do “kém lý luận hoặc khinh lý luận hoặc lý luận suông”.

Về nội dung giáo dục lý luận chính trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh – lý luận phải gắn liền với thực tiễn. Cũng trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán quan điểm “lý luận phải gắn liền với thực tiễn”. Đánh giá về những hạn chế của công tác huấn luyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ “dạy chính trị thì mênh mông mà không thiết thực, học rồi không dùng được ... lý luận và thực tế không ăn khớp với nhau”. Nói về việc chữa “chứng bệnh ba hoa”, Người đặc biệt phê phán bệnh “nói mênh mông” “Nói mênh mông trời đất. Nói gì cũng có. Nhưng chỉ chừa một điều không nói là những việc thiết thực cho địa phương đó cần biết, cần hiểu, cần làm thì không nói đến” (thực tế, đây cũng chính là hạn chế trong đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị hiện nay. Nội dung, chương trình, giáo trình giảng dạy – học tập thường nặng về lý luận và những kiến thức trừu tượng, khái quát ở tầm vĩ mô. Phần nói về tình hình địa phương, cơ sở, các kỹ năng giải quyết công việc thực tế thường chiếm dung lượng, thời lượng “khiêm tốn”, thậm chí chỉ là giảng dạy “lý thuyết về kỹ năng”, có phần cứng nhắc, chưa phù hợp với thực tiễn). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ cách khắc phục những hạn chế này “học cốt để mà làm. Học mà không làm được, học mấy cũng vô ích. Vì vậy huấn luyện phải thiết thực, sao cho những người đến học, học rồi, về địa phương họ có thể thực hành ngay được”. 

       Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, công tác giáo dục lý luận chính trị cần đổi mới nội dung, chương trình theo hướng “lý luận gắn liền với thực tiễn’, có chọn lọc, thiết thực, phù hợp với từng loại chức danh cán bộ, phù hợp với vị trí việc làm. Nâng cao chất lượng, rút ngắn thời gian đào tạo phù hợp, tránh trùng lặp nội dung; chú trọng hơn về phương pháp luận, tính hướng dẫn và định hướng chính trị, hoạt động thực tiễn, kỹ năng công tác và đặc biệt là thái độ, tác phong lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên. 

Về phương pháp giáo dục lý luận chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần phê phán phương pháp giáo dục một chiều, áp đặt, “nhồi vào óc” người học “lý luận suông” khô khan, mà không hướng dẫn cán bộ cách tổ chức thực hiện trên thực tế. Người coi đó là giáo dục “lý luận suông, vô ích”. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dạy cán bộ phải tránh lối học thuộc lòng từng câu chữ, hiểu một cách máy móc lý luận Mác – Lênin. Theo Người, cách giáo dục đúng đắn là “trong lúc học lý luận, phải nghiên cứu công việc thực tế, kinh nghiệm thực tế”. Trong cách học tập, phải “lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào”. Các chỉ dẫn và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị, đó là “Đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, lấy người học làm trung tâm, người học tham gia tích cực vào quá trình đào tạo; giúp học viên tiếp tục tự học, bổ sung, mở rộng và nâng cao kiến thức, rèn luyện về phương pháp tư duy, khả năng vận dụng giải quyết tình huống thực tiễn”.

Về hình thức giáo dục lý luận chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ các lớp huấn luyện phải được tổ chức thường xuyên, chương trình, nội dung giáo trình phải có tính hệ thống theo từng mức độ từ thấp đến cao, “sắp xếp thời gian và bài học phải cho khéo, phải có mạch lạc với nhau, mà không xung đột với nhau”. Bên cạnh việc theo học tại các trường lớp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc tự học, học thường xuyên của cán bộ, đảng viên, Người luôn nhắc nhở cán bộ phải tự giác học tập “ở cơ quan, mỗi ngày ít nhất phải học tập một tiếng đồng hồ ... Những giờ học tập đều tính như những giờ làm việc. Khi cất nhắc cán bộ, phải xem kết quả học tập cũng như kết quả công tác khác mà định”. Thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định “Đa dạng hóa các hình thức, phương thức đào tạo trên cơ sở tăng cường đào tạo tập trung, từng bước giảm đào tạo tại chức, bảo đảm tốt quy mô và chất lượng đào tạo. Thực hiện chiêu sinh học lý luận chính trị đúng đối tượng và phù hợp với quy mô đào tạo; cán bộ trẻ nhất thiết phải qua đào tạo tập trung”. Đồng thời “Các cấp ủy, tổ chức Đảng phải thường xuyên chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, gắn việc xây dựng quy hoạch cán bộ với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh của từng giai đoạn. Chọn, cử cán bộ đi đào tạo đúng đối tượng, thiết thực, tránh tràn lan gây lãng phí, tốn kém”.

Giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên luôn là nhiệm vụ quan trọng của Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời, học đi đôi với hành, ý thức tự học tập, lý luận gắn liền với thực tiễn, gắn học tập với rèn luyện phẩm chất đạo đức, tư cách người cách mạng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được tổ chức Đảng, cơ quan, đoàn thể giao cho.    

--------------------------------------------------------------------------------------

Nguồn sách, tài liệu sử dụng và tham khảo:

- Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội 2011;

- Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị về “tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý”;

- V.I.Lênin toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005;

- Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”;

- Một số tài liệu, bài viết về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.

 

[Trở về] [Đầu trang] In bài viết Gửi cho bạn bè

Các tin khác:
THỰC HIỆN TỐT CHÍNH SÁCH NGƯỜI CÓ CÔNG THEO LỜI DẠY CỦA BÁC
PHÚ THỌ BAN HÀNH KẾ HOẠCH TUYÊN TRUYỀN, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 47/2020/NĐ-CP VỀ QUẢN LÝ, KẾT NỐI VÀ CHIA SẺ DỮ LIỆU SỐ CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC
VẬN DỤNG PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TRONG XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ LÃNH ĐẠO QUẢN LÝ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌ TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ NHIỆM VỤ VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN TỰ VỆ
CHẾ ĐỘ PHÁP LÝ CÁC VÙNG BIỂN CỦA QUỐC GIA VEN BIỂN THEO QUY ĐỊNH CÔNG ƯỚC LIÊN HỢP QUỐC VỀ LUẬT BIỂN NĂM 1982
CẬP NHẬT MỘT SỐ QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 30/2020/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ, BỔ SUNG VÀO NỘI DUNG BÀI GIẢNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TRUNG CẤP LLCT-HC VÀ CHƯƠNG TRÌNH BỒI DƯỠNG NGẠCH CHUYÊN VIÊN
NỘI DUNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC QUỐC PHÒNG, AN NINH Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌ
XÂY DỰNG MÔ HÌNH CÔNG DÂN HỌC TẬP TRONG THỜI KỲ CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0
GIẢI PHÁP TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌ HIỆN NAY
CẬP NHẬT NỘI DUNG “LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TỔ CHỨC CHÍNH PHỦ VÀ LUẬT TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG” VÀO HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN GIẢNG DẠY
Vụ TCT 65 Bí thư Tỉnh ủy Bí thư Tỉnh ủy tặng hoa GS,TS Nguyễn Xuân Thắng Huân chương LĐ hạng Nhất HT Hội nghị thi đua yêu nước năm 2016 BCH Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2000 Lễ đón nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ năm 2015
  • Vụ TCT
Tin mới nhất