QUÁN TRIỆT, THỰC HIỆN CHỨC TRÁCH, NHIỆM VỤ, MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CƠ QUAN
Thứ sáu, 17.07.2020 09:41Nguyễn Văn Nhạ
Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cơ quan
Ngày 10/3/2020, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 29/2020/TT-BQP “Quy định mối quan hệ công tác của Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn và Ban Chỉ huy quân sự cơ quan tổ chức; chức trách, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của các chức vụ chỉ huy dân quân tự vệ”. Thông tư số 29/2020/TT-BQP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 và thay thế Thông tư số 79/2016/TT-BQP ngày 16/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “Quy định mối quan hệ công tác của cán bộ ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn, ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở; chức trách, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của cán bộ ban chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương, ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn, ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ”. Theo quy định tại Thông tư số 29/2020/TT-BQP:
1. Mối quan hệ công tác của Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức được xác định như sau:
(1) Quan hệ với Đảng ủy (chi bộ) cùng cấp là quan hệ phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác quốc phòng, quân sự ở cơ quan, tổ chức.
(2) Quan hệ với người đứng đầu cơ quan, tổ chức (trường hợp Chỉ huy trưởng là cấp phó của người đứng đầu) là quan hệ phục tùng sự chỉ đạo, quản lý, điều hành về công tác quốc phòng, quân sự theo thẩm quyền.
(3) Quan hệ với Bộ Tư lệnh quân khu, cơ quan quân sự địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, ban chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương thuộc ngành, lĩnh vực quản lý, ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ngành dọc cấp trên là quan hệ phục tùng sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác quốc phòng, quân sự theo thẩm quyền.
(4) Quan hệ giữa Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức do cấp tỉnh quản lý đứng chân hoặc hoạt động trên địa bàn cấp huyện, cấp xã với Ban chỉ huy quân sự cấp huyện, Ban chỉ huy quân sự cấp xã và cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan là quan hệ phối hợp, hiệp đồng công tác.
(5) Quan hệ giữa Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức do cấp huyện quản lý đứng chân hoặc hoạt động trên địa bàn cấp xã với Ban chỉ huy quân sự cấp xã là quan hệ phối hợp, hiệp đồng công tác.
2. Chức trách, nhiệm vụ và mối quan hệ công tác của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ uy quân sự cơ quan, tổ chức được xác định như sau:
(1) Chức trách: Tham mưu cho Đảng ủy (chi bộ) và người đứng đầu cơ quan, tổ chức cùng cấp (trường hợp Chỉ huy trưởng là cấp phó của người đứng đầu) về công tác quốc phòng, quân sự theo thẩm quyền.
(2) Nhiệm vụ:
a. Chủ trì thực hiện nhiệm vụ quy định tại Khoản 4 Điều 21 Luật Dân quân tự vệ năm 2019 (Tham mưu cho cấp ủy Đảng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo công tác quốc phòng; Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch công tác quốc phòng, công tác tự vệ và kế hoạch khác có liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của cơ quan, tổ chức; phối hợp thực hiện chính sách hậu phương quân đội, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; Tổ chức huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, pháp luật, hội thi, hội thao, diễn tập cho tự vệ; chỉ huy tự vệ thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan và quyết định của cấp có thẩm quyền; Đăng ký, quản lý, bảo quản và sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật của các đơn vị tự vệ thuộc quyền theo quy định của pháp luật; Tham mưu cho cấp ủy Đảng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng về công tác quốc phòng);
b. Phối hợp với Chính trị viên tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị trong lực lượng tự vệ, dự bị động viên và thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở cơ quan, tổ chức mình.
(3) Mối quan hệ công tác:
a. Quan hệ với Đảng ủy (chi bộ) cùng cấp là quan hệ phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác quốc phòng, quân sự theo thẩm quyền;
b. Quan hệ với người đứng đầu cơ quan, tổ chức cùng cấp (trường hợp Chỉ huy trưởng là cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức) là quan hệ cấp dưới với cấp trên về công tác quốc phòng, quân sự;
c. Quan hệ với Chỉ huy trưởng, chính ủy (chính trị viên) cơ quan quân sự địa phương cấp tỉnh, cấp huyện là quan hệ chịu sự chỉ đạo, chỉ huy về công tác quốc phòng, quân sự;
d. Quan hệ với Bộ Tư lệnh quân khu, cơ quan quân sự địa phương cấp tỉnh, cấp huyện nơi Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức đứng chân hoặc hoạt động trên địa bàn, Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương, Ban chỉ huy quân sự ngành dọc thuộc ngành, lĩnh vực quản lý là quan hệ phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn về công tác quốc phòng, quân sự theo thẩm quyền;
đ. Quan hệ với Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức cùng cấp là quan hệ phối hợp công tác;
e. Quan hệ với Phó chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức cùng cấp là quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới;
g. Quan hệ với người chỉ huy đơn vị tự vệ ở địa phương thuộc lĩnh vực quản lý là quan hệ chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự liên quan;
h. Quan hệ với người chỉ huy đơn vị tự vệ thuộc cơ quan, tổ chức mình là quan hệ chỉ đạo, chỉ huy.
3. Chức trách, nhiệm vụ và mối quan hệ công tác của Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức được xác định như sau:
(1) Chức trách: Tham mưu và chịu trách nhiệm trước cấp trên, Đảng ủy (chi bộ), người đứng đầu cơ quan, tổ chức cùng cấp về công tác Đảng, công tác chính trị trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự. Chủ trì về chính trị trong lực lượng tự vệ, dự bị động viên; trực tiếp tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị trong lực lượng tự vệ, dự bị động viên và trong nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở cơ quan, tổ chức; cùng với Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức đề xuất nội dung, biện pháp lãnh đạo công tác quốc phòng, quân sự để Đảng ủy (chi bộ) cơ quan, tổ chức quyết định.
(2) Nhiệm vụ:
a. Tham mưu, đề xuất với Đảng ủy (chi bộ) cùng cấp quyết định chủ trương, biện pháp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở cơ quan, tổ chức đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên. Xây dựng kế hoạch và trực tiếp tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị trong lực lượng tự vệ, dự bị động viên và nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở cơ quan, tổ chức;
b. Tiến hành công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; xây dựng lực lượng tự vệ, dự bị động viên của cơ quan, tổ chức tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân; có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; phối hợp thực hiện công tác giáo dục quốc phòng và an ninh; động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, củng cố nền quốc phòng toàn dân;
c. Xây dựng lực lượng nòng cốt chính trị, phát triển đảng viên, đoàn viên trong lực lượng tự vệ, dự bị động viên của cơ quan, tổ chức;
d. Đề xuất việc xây dựng các chức vụ chỉ huy đơn vị tự vệ, đội ngũ cán bộ dự bị động viên đủ số lượng, có chất lượng cao, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở cơ quan, tổ chức trong mọi tình huống; phối hợp với các đơn vị dự bị động viên nhận nguồn tại cơ quan, tổ chức để sắp xếp, quản lý và tổ chức bồi dưỡng sĩ quan dự bị;
đ. Tiến hành công tác bảo vệ chính trị nội bộ, xây dựng lực lượng tự vệ, dự bị động viên trong sạch về chính trị, an toàn về mọi mặt; tuyên truyền, giáo dục lực lượng tự vệ, dự bị động viên và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nâng cao cảnh giác cách mạng, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững an ninh chính trị ở cơ quan, tổ chức;
e. Hướng dẫn lực lượng tự vệ, dự bị động viên tiến hành công tác vận động quần chúng, tham gia thực hiện các phong trào, cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quân đội và địa phương phát động, góp phần xây dựng cơ quan, tổ chức vững mạnh, xây dựng địa bàn an toàn;
g. Tổ chức thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng tự vệ, dự bị động viên và chính sách hậu phương Quân đội; nghiên cứu, đề xuất với cấp trên hoàn thiện chế độ, chính sách đối với lực lượng Dân quân tự vệ, dự bị động viên, chính sách hậu phương quân đội và nhiệm vụ quốc phòng, quân sự;
h. Tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị trong xây dựng, huấn luyện, hoạt động của lực lượng tự vệ, dự bị động viên; chuẩn bị và gọi công dân nhập ngũ, thực hiện nhiệm vụ động viên; hoạt động bảo vệ cơ quan, tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, quân sự khác được cấp có thẩm quyền giao;
i. Tiến hành sơ kết, tổng kết công tác Đảng, công tác chính trị đối với lực lượng tự vệ, dự bị động viên trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở cơ quan, tổ chức.
(3) Mối quan hệ công tác:
a. Quan hệ với Đảng ủy (chi bộ) cùng cấp là quan hệ phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác quốc phòng, quân sự theo thẩm quyền;
b. Quan hệ với Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức cùng cấp là quan hệ phối hợp công tác;
c. Quan hệ với Chỉ huy trưởng, chính ủy (chính trị viên) cơ quan quân sự địa phương cấp tỉnh, cấp huyện là quan hệ chịu sự chỉ đạo, chỉ huy về công tác quốc phòng, quân sự;
d. Quan hệ với Phó chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức cùng cấp là quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới;
đ. Quan hệ với Đảng ủy (chi bộ), chính quyền địa phương cấp xã nơi đứng chân hoặc hoạt động là quan hệ phối hợp, hiệp đồng công tác.
4. Chức trách, nhiệm vụ và mối quan hệ công tác của Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức được xác định như sau:
(1) Chức trách: Chịu trách nhiệm trước Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức cùng cấp về nhiệm vụ được phân công; thay thế Chỉ huy trưởng khi được cấp có thẩm quyền giao.
(2) Nhiệm vụ:
a. Tham mưu, đề xuất với Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức cùng cấp về kế hoạch, nội dung, biện pháp chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được phân công;
b. Tổng hợp kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, báo cáo với Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức cùng cấp theo quy định.
(3) Mối quan hệ công tác
a. Quan hệ với Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức cùng cấp là quan hệ giữa cấp dưới và cấp trên;
b. Quan hệ với Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức cùng cấp là quan hệ phối hợp công tác.
5. Chức trách, nhiệm vụ và mối quan hệ công tác của Chính trị viên phó Ban Chỉ uy quân sự cơ quan, tổ chức được xác định như sau:
(1) Chức trách: Chịu trách nhiệm trước Chính trị viên, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức cùng cấp về nhiệm vụ được phân công; thay thế Chính trị viên khi được cấp có thẩm quyền giao.
(2) Nhiệm vụ: Tham mưu, đề xuất và giúp Chính trị viên, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức cùng cấp lập kế hoạch công tác Đảng, công tác chính trị trong thực hiện công tác quốc phòng, quân sự theo thẩm quyền.
(3) Mối quan hệ công tác:
a. Quan hệ với Chính trị viên, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức cùng cấp là quan hệ giữa cấp dưới và cấp trên;
b. Quan hệ với Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức cùng cấp là quan hệ phối hợp công tác.
Những quy định trên đã được Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ kịp thời quán triệt tới Ban Chỉ huy quân sự cơ quan để triển khai thực hiện. Đồng thời với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hằng năm Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ giáo dục kiến thức quốc phòng an ninh, kiến thức pháp luật và huấn luyện lực lượng tự vệ cơ quan theo quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ và cơ quan quân sự cấp trên. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng an ninh được giao đối với Trường Chính trị tỉnh - đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy, cần sự nỗ lực phấn đấu thường xuyên của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ lực lượng tự vệ cơ quan nhà trường, trước hết là trách nhiệm nêu gương của Ban Chỉ huy quân sự và cá nhân từng đồng chí giữ chức vụ trong Ban Chỉ huy quân sự cơ quan trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ và mối quan hệ công tác theo quy định và hướng dẫn của cơ quan quân sự cấp trên.
• THỰC HIỆN TỐT CHÍNH SÁCH NGƯỜI CÓ CÔNG THEO LỜI DẠY CỦA BÁC
• PHÚ THỌ BAN HÀNH KẾ HOẠCH TUYÊN TRUYỀN, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 47/2020/NĐ-CP VỀ QUẢN LÝ, KẾT NỐI VÀ CHIA SẺ DỮ LIỆU SỐ CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC
• VẬN DỤNG PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TRONG XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ LÃNH ĐẠO QUẢN LÝ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌ TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
• MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ NHIỆM VỤ VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN TỰ VỆ
• CHẾ ĐỘ PHÁP LÝ CÁC VÙNG BIỂN CỦA QUỐC GIA VEN BIỂN THEO QUY ĐỊNH CÔNG ƯỚC LIÊN HỢP QUỐC VỀ LUẬT BIỂN NĂM 1982
• CẬP NHẬT MỘT SỐ QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 30/2020/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ, BỔ SUNG VÀO NỘI DUNG BÀI GIẢNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TRUNG CẤP LLCT-HC VÀ CHƯƠNG TRÌNH BỒI DƯỠNG NGẠCH CHUYÊN VIÊN
• NỘI DUNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC QUỐC PHÒNG, AN NINH Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌ
• XÂY DỰNG MÔ HÌNH CÔNG DÂN HỌC TẬP TRONG THỜI KỲ CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0
• GIẢI PHÁP TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌ HIỆN NAY