GIẢI PHÁP TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌ HIỆN NAY
Chủ nhật, 24.05.2020 09:11ThS. Nguyễn Văn Nhạ
Phó Hiệu trưởng
Trong những năm vừa qua, thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về “tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý”, Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở; cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Giai đoạn từ năm 2015 đến nay, nhà trường thực hiện 301 lớp đào tạo, bồi dưỡng với 29.369 lượt học viên.
Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của nhà trường còn một số hạn chế, bất cập, đó là: việc bổ sung nội dung, cập nhật kiến thức trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chưa được thực hiện thường xuyên; việc mở rộng quy mô đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn liền với nâng cao chất lượng; phương pháp giảng dạy – học tập vẫn còn nặng về thuyết trình, truyền đạt kiến thức của giảng viên và sự tiếp thu thụ động của học viên; chưa phát huy được tính tự giác, tích cực, sáng tạo của người học; tính thực tiễn trong một số bài giảng còn hạn chế, đã ảnh hưởng tới mục tiêu định hướng về tư tưởng chính trị, rèn luyện về tác phong lề lối làm việc và kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho học viên.
Từ những yêu cầu đặt ra đối với việc xây dựng Trường Chính trị chuẩn, bài viết này xin được trao đổi về “một số giải pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ hiện nay”:
Trước hết, cần tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Trên cơ sở nội dung, khung chương trình, giáo trình theo quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhà trường cần quán triệt và yêu cầu thực hiện tốt hơn mục tiêu “tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực, phong cách làm việc hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” (Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị). Nghiêm túc và tích cực thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư về “tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”; Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
Việc tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho các đối tượng học viên cần “chú trọng hơn về phương pháp luận, tính định hướng, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, kỹ năng công tác và phong cách lãnh đạo, quản lý”; thực hiện tốt phương châm “lý luận gắn với thực tiễn”, “học đi đôi với hành”, giúp người học vận dụng tốt các kiến thức đã học vào thực tiễn công tác. Các giảng viên cần đầu tư thời gian, nghiên cứu kỹ về tính phù hợp của từng nguyên lý (nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin) trong điều kiện thực tiễn cách mạng công nghiệp 4.0. Trong từng môn học, bài giảng cần được thực hiện theo hướng vừa đảm bảo nội dung có tính nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vừa bổ sung những vấn đề lý luận mới đã được kiểm nghiệm và đúc kết qua 34 năm đổi mới. Bổ sung, cập nhật các nội dung mới trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 vào giáo án, đề cương bài giảng tại các lớp đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường; thường xuyên cập nhật, bổ sung các quy định, chính sách mới của Đảng, Nhà nước trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hằng năm theo kế hoạch được Tỉnh ủy phê duyệt.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy – học tập (phương pháp đào tạo, bồi dưỡng) lý luận chính trị. Trên cơ sở nội dung, khung chương trình và thời gian đào tạo, bồi dưỡng, nhà trường cần kiên trì thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy – học tập theo hướng vừa lấy người dạy và vừa lấy người học làm trung tâm. Giảng viên cần áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, kết hợp với ứng dụng khoa học công nghệ và sử dụng phương tiện hiện đại để gợi mở, định hướng cho học viên tự học, tự nghiên cứu; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, mở rộng và nâng cao kiến thức, rèn luyện về phương pháp tư duy, khả năng vận dụng kiến thức lý luận để giải quyết các tình huống thực tiễn trong công tác theo quan điểm, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo tinh thần chỉ đạo của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại Văn bản số 549-CV/HVCTQG-TCT ngày 12/5/2020 về việc “triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các trường chính trị trong tình hình mới theo Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ”. Để ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy – học tập lý luận chính trị một cách hiệu quả, đảm bảo sự tương tác, trao đổi giữa giảng viên với giảng viên, giảng viên với học viên, học viên với học viên được thường xuyên, kịp thời và bảo đảm công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị được triển khai thông suốt, thì nhà trường, các cơ sở liên kết đào tạo cần tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phù hợp, hiện đại, đồng bộ để kết nối trong hoạt động quản lý đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu phương thức dạy học online, hội họp – triển khai các công việc trực tuyến …. Đồng thời, cử cán bộ, giảng viên đi đào tạo, tập huấn; tổ chức hướng dẫn về kỹ năng khai thác, sử dụng, quản lý các trang thiết bị công nghệ thông tin, nhất là công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng. Chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị được thể hiện qua kết quả thi, kiểm tra của từng phần học, môn học và sự vận dụng hiệu quả kiến thức mà học viên thu nhận được qua quá trình đào tạo, bồi dưỡng vào thực tiễn công tác lãnh đạo, quản lý và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Do đó, việc tổ chức thi, kiểm tra không chỉ để đánh giá kiến thức học viên thu nhận được, mà vấn đề cần quan tâm là phương pháp luận và các kỹ năng cần thiết (nhất là kỹ năng lãnh đạo, quản lý; kỹ năng tiếp cận công nghệ thông tin; các kỹ năng mềm) để học viên làm việc, xử lý công việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Để đánh giá kiến thức và kỹ năng về lý luận chính trị của học viên một cách toàn diện, nhà trường cần tăng cường hình thức thi vấn đáp; từng bước chuyển đổi hình thức thi, kiểm tra từ tự luận sang trắc nghiệm khách quan hoặc kết hợp trắc nghiệm với tự luận thông qua việc sử dụng các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống máy tính kết nối mạng Internet, mạng LAN, các phòng thi bằng máy vi tính (trong điều kiện cơ sở vật chất cho phép). Phải tiến tới hoạt động thi, kiểm tra trong môi trường công nghệ thông tin triệt để nhất, để đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị một cách nhanh chóng, thuận tiện nhất; đồng thời đảm bảo tính khách quan, công bằng, chính xác và thực chất, đặc biệt là trong nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng Trường Chính trị chuẩn theo quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Thứ tư, yếu tố quyết định để triển khai thực hiện có kết quả và hiệu quả các giải pháp nêu trên, đó là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường – trước hết là đội ngũ giảng viên. Giảng viên Trường Chính trị tỉnh có vai trò quan trọng là người trực tiếp giảng dạy và truyền đạt kiến thức lý luận chính trị, trực tiếp tác động tới học viên (đều là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của hệ thống chính trị) để củng cố niềm tin, bản lĩnh chính trị, thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng, phương pháp luận khoa học; định hướng về chính trị tư tưởng, các giá trị nhân văn và góp phần hoàn thiện, phát triển nhân cách, năng lực của người học. Do đó, cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh phải không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị, luôn ý thức tự giác và thực hiện nghiêm quy chế chuyên môn – yếu tố tiền đề, cũng là yếu tố tiên quyết – quyết định chất lượng giảng dạy lý luận chính trị. Đồng thời, cán bộ, giảng viên nhà trường phải thực sự làm gương mẫu cho học viên về nhận thức chính trị; thái độ, tư thế, tác phong, lề lối làm việc; nhân cách, đạo đức nghề nghiệp. Với lực lượng gần 90% giảng viên có trình độ Thạc sĩ trở lên, trên 40% giảng viên chính được đào tạo chính quy, cơ bản, yêu cầu đặt ra cho đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh là cần phát huy tốt nhất trình độ chuyên môn và năng lực giảng dạy. Đồng thời cần có quyết tâm cao hơn, nỗ lực nhiều hơn, tiếp tục rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng đạo đức lối sống, trau dồi kiến thức thực tiễn, nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ, năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Toàn thể cán bộ, giảng viên nhà trường luôn đoàn kết, phấn đấu hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với vai trò người cán bộ, giảng viên Trường Đảng – Trường Chính trị tỉnh.
• XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN MỚI CỦA ĐẤT NƯỚC
• CÔNG TÁC PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN HIỆN NAY - THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP