Đổi mới nội dung, phương pháp, chương trình, giáo trình học tập, nghiên cứu lý luận chính trị
Thứ hai, 19.08.2024 00:49Tóm tắt:Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy, có chức năng, nhiệm vụ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở. Trong những năm qua, Ban Giám hiệu nhà trường luôn chú trọng việc đổi mới nội dung, phương pháp, chương trình, giáo trình học tập, nghiên cứu lý luận chính trịvà coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.
Từ khoá: Lý luận chính trị,đổi mới, nội dung, chương trình.
Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy, có chức năng, nhiệm vụ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở. Những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường luôn xác định nghiên cứu, giáo dục lý luận chính trị là một trọng những nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường để góp phần vào việc hình thành, phát triển và hoàn thiện đường lối chính trị và đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội. Đồng thời, thông qua giảng dạy lý luận chính trị truyền thụ hệ thống tri thức lý luận chính trị; củng cố thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa cho cán bộ, đảng viên ở địa phương. Vì thế, sau khicó Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 09/10/2014 của Bộ Chính trị“về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030”, Hướng dẫn số 20 - HD/BTGTU, ngày 20/4/2015 "Về việc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 09/10/2014 của Bộ Chính trị khóa XI "Về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030"; thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đổi mới công tác nghiên cứu, giảng dạy, bồi dưỡng lý luận theo phương châm lý luận đi đôi với thực tiễn, học đi đôi với hành, nghiên cứu khoa học phải gắn với ứng dụng hiệu quả.Nhờ đó, công tác giáo dục lý luận chính trị ở Trường chính trị tỉnh Phú Thọ đã đạt nhiều kết quả đáng kể; một trong những kết quả nổi bật đó là đổi mới nội dung, phương pháp, chương trình, giáo trình học tập, nghiên cứu lý luận.
Nhà trường luôn chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị bảo đảm đúng nội dung, mục đích, yêu cầucủa các chương trình đã được Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các cơ quan bộ ngành Trung ương biên soạn; chỉ đạo các giảng viên chủ động bổ sung, cập nhật kiến thức theo quan điểm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các nội dung Hội nghị Trung ương khóa XIII và các chính sách, pháp luật của nhà nước mới ban hành nhất là chú trọng những vấn đề đặt ra đối với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mớinhằm đảm bảo tính cập nhật, thời sự; đồng thời gắn nội dung bài giảng với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương thiết thực, hiệu quả. Luôn coi trọng việc đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương pháp học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh theo hướng phù hợp với từng đối tượng, phát huy tính tự giác, tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tự học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị và phương pháp công tác của cán bộ, đảng viên, nhất là giảng viên trẻ. Quan tâm đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng theo hướng linh hoạt, vừa đảm bảo chỉ tiêu đào tạo tập trung, vừa đáp ứng nhu cầu “vừa học, vừa làm” của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, địa phương trong tỉnh. Công tác quản lý giảng viên từ việc chuẩn bị đề cương bài giảng, giáo án lên lớp đến chất lượng giảng dạy được tiến hành nghiêm túc, tạo được nề nếp, nâng cao trách nhiệm của các giảng viên trực tiếp đứng lớp. Chú trọng bố trí giảng viên, báo cáo viên có kinh nghiệm thực tiễn, chuyên ngành được đào tạo để phân công chuyên đề phù hợp, nhằm phát huy năng lực cá nhân, tạo hứng khởi cho học viên tham gia học tập lý luận chính trị. Chú trọng đổi mới phương pháp dạy học lý luận chính trị theo “phương châm khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại” theo từng đối tượng, mục tiêu đào tạo đối với từng phần học, bài học cụ thể, trên cơ sở kết hợp giữa các phương pháp dạy học truyền thống với các phương pháp dạy học tích cực, ứng dụng công nghệ hiện đại vào trong giảng dạy nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của người học, gắn lý luận với thực tiễn, tăng tương tác, đối thoại giữa giảng viên và học viên, tạo khả năng thu hút, hấp dẫn người học… Nhà trường đã chú trọng cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, giảng viên; quan tâm, động viên, khích lệ cán bộ, giảng viên nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy...; xây dựng đội ngũ giảng viên từng bước đảm bảo số lượng, chất lượng, tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm; đáp ứng về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị theo quy định, lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức và uy tín trong công tác giảng dạy.
Những kết quả nêu trên, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu lý luận chính trị ở Trường chính trị tỉnh Phú Thọ; từng bước khắc phục tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị, dạy và học hình thức; góp phần nâng cao nhận thức chính trị, giác ngộ cách mạng cho cán bộ, đảng viên ở địa phương cơ sở. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc đổi mới nội dung, phương pháp, chương trình, giáo trình học tập,nghiên cứu lý luận chính trị ở Trường Chính trị vẫn còn một số hạn chế như: việc biên soạn, bổ sung, hướng dẫn một số chương trình; cập nhật kiến thức mới vào các tài liệu giảng dạy tuy đã có nhiều cố gắng nhưng còn chậm so với yêu cầu; Tính ứng dụng trong thực tiễn của các đề tài khoa học cơ sở, hội thảo vào giảng dạy các phần học trong chương trình lý luận chính trị chưa nhiều, nặng về lý luận. Năng lực và nghiệp vụ giảng dạy của một số giảng viên còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số giảng viên tuy có kinh nghiệm nhưng ngại đổi mới phương pháp giảng dạy, còn nặng về chương trình, tham nội dung lý luận, dàn trải, chưa chú ý tới sự hứng thú, thái độ của người học. Cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho việc giảng dạy và học tập, nhất là tại các trung tâm chính trị cấp huyện còn thiếu và chưa đồng bộ.
Để hướng tới xây dựng Trường Chính trị đạt chuẩn, việc đổi mới nội dung, phương pháp, chương trình, giáo trình học tập, nghiên cứu lý luận tại trường chính trị; cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là,nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên về tầm quan trọng của công tác giáo dục lý luận chính trị. Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền và giáo dục có hiệu quả trách nhiệm của cán bộ, giảng viên về vai trò của học tập lý luận chính trị, thực hiện nội dung Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về “công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030”, Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư về “tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới và Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đối với cán bộ, giảng viên. Lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, giảng viên tiếp tục nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn hoạt động ở địa phương; thường xuyên cập nhật những kiến thức, chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật mới vào giảng dạy lý luận chính trị.
Hai là,nâng cao chất lượng, năng lực giảng dạy lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ, giảng viên. Chuẩn hóa trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên đáp ứng yêu cầu tình hình mới của đất nước; nâng cao giảng dạy lý luận chính trị gắn với thực tiễn, đúc kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học; kỹ năng sư phạm, kỹ năng ứng dụng công nghệ hiện đại vào giảng dạy. Xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có đủphẩm chất, năng lực, uy tín, tâm huyết với nghề. Thực hiện nghiêm công tác quản lý, tổ chức lớp học; chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị cấp huyện, tăng cường công tác quản lý việc học tập của cán bộ, đảng viênđạt chất lượng, hiệu quả.
Khuyến khích và đầu tư thích đáng cho đội ngũ giảng viên khi tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng giảng dạy, nghiên cứu khoa học; tăng cường việc tổ chức có giảng viên đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở. Tạo điều kiện cho các khoa chuyên môn thực hiện các đề tài khoa học trên cơ sở nghiên cứu lý luận, đúc kết thực tiễn phù hợp với các phần học được phân công nhằm tăng cường tính thực tiễn cho giảng viên khi giảng dạy lý luận chính trị.
Tổ chức các đợt sinh hoạt chuyên đề gắn với nội dung chương trình đạo tạo, bồi dưỡng của nhà trường; hằng năm, mời các báo cáo viên Trung ương có kinh nghiệm trong nghiên cứu lý luận, đúc kết thực tiễn về Trường để cập nhật kiến thức mới, tư duy lý luận mới về phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; kinh nghiệm và xu hướng phát triển đất nước của các nước trên thế giới; nhận diện những âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, nhà nước và chế độ của các thế lực thù địch.
Nhà trường cần kiến nghị với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tăng cườngtổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, tư duy lý luận mới cho đội ngũ giảng viên các trường chính trị để giảng viên kịp thời cập nhật vào bài giảng và thống nhất trong giảng dạylý luận chính trị.Chuẩn hóa nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cần phải đảm bảo tính khoa học, tính chuẩn xác theo hướng cơ bản, thiết thực; phù hợp với mục tiêu, đối tượng được đào tạo, bồi dưỡng; phù hợp với thực tiễn phát triển của thế giới, đất nước, yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.
Ba là,đối với cán bộ, giảng viên. Mỗi cán bộ, giảng viên không ngừng phấn đấu, học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị, có kiến thức và hiểu biết sâu sắc về vực mình giảng dạy; nghiên cứu tài liệu, tư liệu, những tri thức lý luận mới. Trong giảng dạy, giảng viên phải luôn đảm bảo tính chính trị, tính khoa học, tính định hướng, tính thực tiễn, tính cập nhật, tính mở, bám sát sự phát triển thế giới, của đất nước và địa phương để bổ sung những kiến thức mới, thực tiễn vào bài giảng để làm cho bài giảng có tính mới, thời sự, tính thuyết phục, không bị lạc hậu so với thực tiễn. Đồng thời, thông qua giảng dạy, các giảng viên quán triệt những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật mới của nhà nước; chỉ ra những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Sử dụng linh hoạt các phương pháp, phương tiện giảng dạy; tăng cường sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, ứng dụng công nghệ hiện đại vào giảng dạy để thu hút người học, tạo sự hứng khởi trong học tập lý luận chính trị; tổ chức cho người học chủ động học tập, nghiên cứu những nội dung của bài học, rèn luyện phương pháp tự học lý luận, phát triển năng lực cá nhân.
Bốn là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác giảng dạy lý luận chính trị. Nhà trường cần nâng cấp trang bị các thiết bị kỹ thuật, đồ dùng dạy học tại các phòng học; hiện đại hóa cơ sở vật chất cho các hội trường, phòng học; tích cực bổ sung, củng cố hệ thống tài liệu, tư liệu, văn bản pháp luật, giáo trình, sách tham khảo; tăng cường các phương tiện kỹ thuật hiện đại phục vụ công tác giảng dạy, kiểm tra, đánh giá… Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cần được phát triển đồng bộ và đa dạng hóa… nhằm kích thích được sự liên hệ với thực tiễn của người học. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong số hóa tài liệu học tập lý luận chính trị trên nền tảng số dễ dàng lưu giữ và chia sẻ mọi lúc mọi nơi trên môi trường kết nối internet. Phối hợp với các huyện, thị ủy trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện hiện đại hỗ trợ cho giảng dạy lý luận tại các Trung tâm chính trị cấp huyện./.
ThS. Lê Thị Lệ Huyền
Phó Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật
• Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua Ái Quốc
• Khái lược sự chống phá của các thế lực thù địch trong lịch sử và bài học cho giai đoạn hiện nay
• Lớp Bồi dưỡng ngạch chuyên viên khóa 5 năm 2024 huyện Thanh Ba đi nghiên cứu thực tế
• Thực hiện Quy định 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, trong giai đoạn mới
• Hội nghị Ban chỉ đạo thực hiện Đề án xây dựng Trường Chính trị đạt chuẩn
• Hội nghị Giao ban tháng 8 năm 2023
• THỰC HIỆN KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ
• ĐỊNH HƯỚNG NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN THÁNG 5 NĂM 2023 ĐỐI VỚI GIẢNG VIÊN, TUYÊN TRUYỀN VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH
• ĐỊNH HƯỚNG NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN THÁNG 4 NĂM 2023 ĐỐI VỚI GIẢNG VIÊN, TUYÊN TRUYỀN VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH