CHỦ TRƯƠNG CỦA VIỆT NAM TRONG VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG
Thứ năm, 06.08.2020 16:18ThS. Nguyễn Văn Nhạ
Phó Hiệu trưởng
Biển Đông là một biển nửa kín, có diện tích khoảng 3,5 triệu km2, trải rộng từ vĩ độ 3ᴼ đến vĩ độ 26ᴼ Bắc và từ kinh độ 100ᴼ đến kinh độ 121ᴼ Đông. Biển Đông được bao bọc bởi 9 nước là Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Brunei, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Campuchia và vùng lãnh thổ là Đài Loan (Trung Quốc). Biển Đông có tầm quan trọng về chiến lược đối với các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và các quốc gia khác trên thế giới. Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, Châu Âu – Châu Á, Trung Đông – Châu Á và là đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới (nhiều nước và vùng lãnh thổ ở khu vực Đông Á có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào con đường biển này, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Trung quốc). Là con đường thiết yếu vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung quốc. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông. Khu vực Biển Đông có những eo biển quan trọng đối với nhiều nước, trong đó có eo biển Malacca (là eo biển nhộn nhịp thứ hai trên thế giới). Vùng biển này hết sức quan trọng đối với tất cả các nước trong và ngoài khu vực đối với địa - chiến lược, an ninh, giao thông hàng hải và kinh tế. Các đảo và quần đảo ở Biển Đông có ý nghĩa phòng thủ chiến lược quan trọng đối với nhiều nước. Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở trung tâm Biển Đông, thuận lợi cho việc đặt các trạm thông tin, xây dựng các trạm dừng chân và tiếp nhiên liệu cho tàu biển và phục vụ tuyến đường hàng hải trên Biển Đông. Biển Đông còn là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên biển (cả tài nguyên sinh vật và tài nguyên phi sinh vật) quan trọng cho đời sống và sự phát triển kinh tế của các nước xung quanh.
Đối với Việt Nam, Biển Đông không chỉ là một khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên, một khu vực có vị trí địa chính trị vô cùng quan trọng, là cửa ngõ chính để kết nối với khu vực và thế giới mà còn là nơi có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa - một phần lãnh thổ thiêng liêng, máu thịt của dân tộc Việt Nam. Biển Đông đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (cả trong lịch sử, hiện tại và tương lai). Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km từ Bắc xuống Nam và hơn 3.000 hòn đảo (trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa); trong 63 tỉnh, thành phố của nước ta có 28 tỉnh, thành phố giáp biển. Biển Đông cung cấp nguồn thủy hải sản cho người dân ven bờ từ hàng nghìn năm, là cửa ngõ để Việt Nam phát triển các ngành kinh tế có quan hệ trực tiếp tới các miền của đất nước, giao thương với khu vực và quốc tế, là nơi trao đổi và hội nhập của nhiều nền văn hóa. Xét về khía cạnh kinh tế: Biển Đông đã tạo điều kiện để Việt Nam phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn như thủy sản, dầu khí, giao thông hàng hải, đóng tàu, du lịch…. Điều kiện tự nhiên của bờ biển Việt Nam đã tạo ra tiềm năng to lớn cho ngành giao thông hàng hải, xây dựng các cảng nước sâu của Việt Nam. Biển Đông cung cấp nguồn lợi hải sản rất quan trọng, phong phú (theo điều tra về nguồn lợi hải sản, tính đa dạng sinh học trong vùng biển nước ta đã phát hiện 11.000 loài sinh vật cư trú, trong đó có 6.000 loài động vật đáy biển, 2.400 loài cá (có 130 loài cá kinh tế), 653 loài rong biển, 657 loài động vật phù du, 537 loài thực vật phù du, 225 loài tôm biển… Nguồn lợi hải sản phong phú đã góp phần đưa ngành thủy sản trở thành một trong những ngành kinh tế chủ đạo với giá trị xuất khẩu trong các ngành kinh tế cả nước. Dầu khí là nguồn tài nguyên lớn nhất ở thềm lục địa nước ta, có tầm chiến lược quan trọng cho phát triển kinh tế Việt Nam. Biển Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển du lịch – ngành công nghiệp không khói - hiện đang có những đóng góp ngày càng quan trọng vào nền kinh tế đất nước. Do đặc điểm kiến tạo khu vực, các dãy núi đá vôi vươn ra sát bờ biển đã tạo nhiều cảnh quan thiên nhiên sơn thủy rất đa dạng (nhiều vũng, vịnh, bãi cát trắng, hang động, các bán đảo và các đảo lớn, nhỏ liên kết với nhau thành quần thể du lịch hiếm có trên thế giới, như Di sản thiên nhiên Hạ Long được UNESCO xếp hạng di sản thiên nhiên thế giới). Tiềm năng là điều kiện để Việt Nam phát triển các loại hình du lịch hiện đại, như nghỉ dưỡng, tắm biển; du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học vùng ven bờ, hải đảo, ngầm dưới nước; du lịch thể thao, bơi lặn sâu; lướt ván, nhảy sóng, đua thuyền; có thể tổ chức các giải thi đấu thể thao quốc gia, quốc tế; dịch vụ tổ chức hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế. Xét về khía cạnh quốc phòng an ninh, Biển Đông đóng vai trò quan trọng là tuyến phòng thủ hướng Đông của đất nước. Các đảo và quần đảo trên Biển Đông, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vừa có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm soát các tuyến đường biển qua lại Biển Đông, vừa có ý nghĩa phòng thủ chiến lược quan trọng đối với Việt Nam.
Chủ trương của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông:
1. Kiên trì chủ trương giải quyết các tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (United Nations Convention on Law of the Sea - UNCLOS) năm 1982. Trong quá trình tìm kiếm một giải pháp cơ bản, lâu dài cho các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, các bên liên quan cần kiềm chế, cùng nỗ lực duy trì ổn định, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, tuân thủ nghiêm chỉnh Hiến chương Liên hợp quốc và các chuẩn mực của luật pháp quốc tế, trong đó có các nguyên tắc chung sống hòa bình, gồm: (1) Bình đẳng về chủ quyền quốc gia, (2) Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị quốc gia, (3) Cấm đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, (4) Không can thiệp vào công việc nội bộ các nước, (5) Thực hiện các nghĩa vụ quốc tế, (6) Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình; thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC); nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông (2012); Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc kỷ niệm 10 năm tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (2012); sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
2. Tranh chấp ở Biển Đông hết sức phức tạp, có tranh chấp liên quan đến hai nước như vấn đề quần đảo Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung quốc; có tranh chấp liên quan đến nhiều bên trong khu vực như vấn đề quần đảo Trường Sa; có những vấn đề liên quan đến cả các nước ở ngoài khu vực như vấn đề hòa bình ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải. Quan điểm của Việt Nam hết sức rõ ràng là những vấn đề chỉ liên quan đến hai nước thì giải quyết song phương; những vấn đề liên quan đến nhiều bên thì bàn bạc giữa các bên liên quan. Trên tinh thần đó, Việt Nam tích cực chủ động thúc đẩy đàm phán với các nước láng giềng về các vấn đề trên biển. Trong giải quyết vấn đề biển đảo với Trung quốc, Việt Nam kiên trì thực hiện thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung quốc tháng 10 năm 2011, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. (Việt Nam thực hiện: Đàm phán về khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, giữa Việt Nam - Trung quốc; Đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa Việt Nam và Indonesia; Đàm phán phân định thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế giữa Việt Nam và Malaysia; Đàm phán phân định thềm lục địa chồng lấn giữa Việt Nam - Malaysia - Thái Lan; Đàm phán phân định các vùng biển giữa Việt Nam và Campuchia trong vùng nước lịch sử).
3. Việt Nam quyết tâm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích chính đáng của mình trên Biển Đông. Việt Nam tiếp tục tiến hành các hoạt động bình thường tại các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Đồng thời, sẵn sàng cùng Trung quốc và các nước liên quan khác tìm kiếm và triển khai các hoạt động hợp tác ở Biển Đông trong các lĩnh vực ít nhạy cảm như an toàn hàng hải; cứu nạn, cứu trợ trên biển; nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường biển; chống tội phạm trên biển.
4. Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải và nỗ lực cùng các bên liên quan đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải cho tàu thuyền các nước qua lại Biển Đông phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và hoan nghênh nỗ lực và đóng góp của tất cả các nước vào việc duy trì hòa bình ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông. Là một quốc gia thành viên trong cộng đồng ASEAN, Việt Nam luôn thực hiện đầy đủ và nghiêm túc DOC, nỗ lực cùng các nước ASEAN thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), đóng góp thiết thực vào việc gìn giữ hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
5. Nhằm phát triển kinh tế biển phục vụ yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Việt Nam coi trọng việc nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước, tăng cường tiềm lực an ninh quốc phòng, nghiên cứu khoa học, thăm dò, khai thác, nuôi trồng và bảo vệ tài nguyên biển, phát triển hệ thống giao thông đường biển.
Nguồn: “Tài liệu định hướng công tác tuyên truyền về biển đảo” – Uỷ ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao.
• KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ 6 THÁNG ĐẦU NĂM CỦA TỈNH PHÚ THỌ
• KINH NGHIỆM XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH 5 NĂM LIỀN HOÀN THÀNH XUẤT SẮC NHIỆM VỤ
• QUÁN TRIỆT, THỰC HIỆN CHỨC TRÁCH, NHIỆM VỤ, MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CƠ QUAN
• TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ GIÁO DỤC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ
• THỰC HIỆN TỐT CHÍNH SÁCH NGƯỜI CÓ CÔNG THEO LỜI DẠY CỦA BÁC
• PHÚ THỌ BAN HÀNH KẾ HOẠCH TUYÊN TRUYỀN, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 47/2020/NĐ-CP VỀ QUẢN LÝ, KẾT NỐI VÀ CHIA SẺ DỮ LIỆU SỐ CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC
• VẬN DỤNG PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TRONG XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ LÃNH ĐẠO QUẢN LÝ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌ TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
• MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ NHIỆM VỤ VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN TỰ VỆ
• CHẾ ĐỘ PHÁP LÝ CÁC VÙNG BIỂN CỦA QUỐC GIA VEN BIỂN THEO QUY ĐỊNH CÔNG ƯỚC LIÊN HỢP QUỐC VỀ LUẬT BIỂN NĂM 1982