Thứ hai, 11.01.2016 GMT+7

ĐẢNG ỦY LÃNH ĐẠO ĐỔI MỚI CÔNG TÁC THI, KIỂM TRA NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG

Năm học 2014-2015, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ đã hoàn thành toàn diện các mặt công tác, đặc biệt là thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Nhà trường đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch về số lớp và số học viên trong điều kiện có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. Để có được những thành tích nổi bật đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu thường xuyên quan tâm chỉ đạo các khoa, phòng nghiêm túc thực hiện, đồng thời đề ra những biện pháp phù hợp để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, trong đó, rất quan tâm đến chất lượng, hiệu quả công tác giảng dạy và học tập nhằm đạt được mục tiêu sau đào tạo là cung cấp cho tỉnh một đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kỹ năng lãnh đạo, quản lý tốt, biết vận dụng sáng tạo lý luận vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cơ sở đặt ra.

Để thực hiện được mục tiêu đó, trong những năm học vừa qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường xác định: Phải lập lại trật tự, kỷ cương trong giảng dạy và học tập lý luận chính trị, đổi mới công tác đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng thông qua việc đổi mới công tác thi, kiểm tra bằng nhiều biện pháp.

Về phía nhà trường: Đảng ủy đã có chủ trương và được Ban Giám hiệu cụ thể hóa bằng các quy định quản lý chuyên môn mà cụ thể là trong việc tổ chức thi, kiểm tra đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng như: Nội quy thi, kiểm tra hết môn và thi tốt nghiệp; thanh tra, kiểm tradạy và học,... Các văn bản đó là sự cụ thể hóa các quy định trong quy chế, các văn bản hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh kết hợp với những quy định của nhà trường phù hợp với đối tượnghọc viên. Có thể nói, việc ban hành các văn bản đó đã thể hiện được sự tập trung thống nhất ý chí của Đảng ủy, Ban Giám hiệu và toàn thể cán bộ, giảng viên của nhà trường trên cơ sở bàn bạc dân chủ, thấu đáo, kỹ lưỡng tại các kỳ họp giao ban, các hội nghị chuyên môn. Tuy nhiên, khi triển khai các quy định đó, nhà trường cũng gặp không ít khó khăn-đó là sự phản ứng từ phía học viên (nhất là những học viên lười học, có thói quen ỷ lại, dựa dẫm vào người khác, động cơ, thái độ học tập thiếu nghiêm túc), thậm chí một số cán bộ, giảng viên, lãnh đạo các đơn vị liên kết đào tạo cũng chưa thực sự hợp tác bởi vì họ cho rằng học lý luận chính trị không thể thuộc lòng, khi thi không cho học viên sử dựng bất kỳ tài liệu gì thì rất khó khăn cho học viên, kết quả đào tạo sẽ không cao. Trước tình hình đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, một mặt vẫn quyết tâm chỉ đạo thực hiện những quy định đã ban hành một cách nghiêm túc, mặt khác chỉ đạo các khoa chuyên môn phải đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới cách ra đề theo hướng đảm bảo đúng, đủ, cơ bản, trọng tâm của nội dung chương trình, tăng cường liên hệ thực tiễn, tính lại cơ cấu điểm các phần… để giảm bớt áp lực cho học viên. Đồng thời lãnh đạo trường cũng thường xuyên nhắc nhở đội ngũ cán bộ làm thi phải thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế nhưng với thái độ mềm dẻo, kiên trì giáo dục, thuyết phục, tôn trọng học viên, tránh gây căng thẳng, bức xúc cho học viên trong quá trình làm thi.

Về phía lãnh đạo các đơn vị liên kết đào tạo và học viên: Để có sự phối hợp tốt trong việc thực hiện các quy định về thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, Đảng ủy, Ban Giám hiệu chỉ đạo phòng Đào tạo sao gửi các văn bản, các quy định kịp thời đến các đơn vị liên kết đào tạo, đồng thời yêu cầu giáo viên đồng chủ nhiệm (là chuyên viên, giảng viên của phòng Đào tạo) có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm của đơn vị mở lớp để quán triệt, phổ biến cụ thể, rõ ràng đến học viên, tuyên truyền giáo dục ý thức, thái độ, trách nhiệm của học viên trong học tập lý luận chính trị, nghĩa vụ chấp hành các quy định của nhà trường. Bên cạnh đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu  cũng thường xuyên lắng nghe phản ánh tình hình, đối thoại với học viên, nắm bắt thông tin để kịp thời có những biện pháp xử lý với các trường hợp cụ thể đảm bảo thấu tình, đạt lý với mục đích rèn luyện tính tự giác trong học tập của học viên, thực hiện tốt nguyên lý “ biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo”. Với quyết tâm cao, bằng nhiều biện pháp kiên trì, nghiêm túc nhưng mềm dẻo, dần dần công tác đổi mới thi, kiểm tra của nhà trường đã có những chuyển biến tích cực: Trước mỗi kỳ thi, học viên đã có sự lo lắng hơn, có ý thức tự chuẩn bị bài vở; tự giác làm bài; đi học chuyên cần hơn; trong lớp chú ý ghi chép bài, về cơ bản không còn tình trạng cả lớp làm bài giống nhau do sử dụng cùng một đề cương, giáo trình, tài liệu… Mặc dù kết quả từng môn, kết quả cuối khóa (tỷ lệ khá, giỏi) không cao như những năm học trước nhưng đó là kết quả thực chất, phản ánh đúng trình độ, khả năng thực tế của học viên các lớp.

Việc chỉ đạo đổi mới công tác thi, kiểm tra ở Trường Chính trị tỉnh trong thời gian qua đã đạt được kết quả thành công bước đầu rất đáng ghi nhận. Điều đó khẳng định chủ trương, biện pháp, cách thức đổi mới công tác thi, kiểm tra của Đảng bộ nhà trường là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp. Tuy nhiên, công tác đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá còn gặp khó khăn, thậm chí là những cản trở trong quá trình thực hiện do nhận thức của một bộ phận cán bộ, giảng viên nhà trường, lãnh đạo các đơn vị liên kết đào tạo và học viên chưa thực sự đồng thuận, đồng bộ giữa dạy và học,        quản lý, phục vụ. Để tiếp tục thực hiện việc đổi mới công tác thi, kiểm tra nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian tới, tôi xin đề xuất kiến nghị một số giải pháp sau:

Một là, kiên trì, quyết tâm chỉ đạo thực hiện các quy định đã ban hành đồng thời tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, bổn phận, trách nhiệm của cán bộ, giảng viên, học viên trong việc thực hiện các quy định đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả, xử lý và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc.

Hai là, đổi mới đồng bộ ở tất cả các khâu: giảng dạy, ra đề, coi thi, chấm thi đảm bảo đúng quy chế và phù hợp với đối tượng học viên cả về lý luận và thực tiễn. Tăng cường tổ chức thi hết môn bằng hình thức thi vấn đáp ở loại hình đào tạo Trung cấp LLCT-HC.

Ba là, tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ giữa Ban Giám hiệu nhà trường với Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các đơn vị liên kết đào tạo, thống nhất trong nhận thức và hành động để đảm bảo các quy định được thực hiện có hiệu quả nhất, xây dựng một nề nếp học tập tự giác, kỷ cương, kỷ luật.

Bốn là, duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện, nắm bắt thông tin kịp thời, đánh giá khách quan, toàn diện, công bằng việc tổ chức thực hiện của các cá nhân, đơn vị. Xử lý nghiêm khắc các cán bộ, giảng viên, học viên vi phạm quy chế chuyên môn.

Bước vào năm học mới 2015-2016, hy vọng rằng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, đồng thời phát huy những thành tích đã đạt được trong thời gian vừa qua, kế thừa những kinh nghiệm đã có, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, lãnh đạo khoa, phòng, cán bộ, giảng viên nhà trường tiếp tục hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cả về số lượng và chất lượng, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh giao.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=dang-uy-lanh-dao-doi-moi-cong-tac-thi-kiem-tra-nham-nang-cao-chat-luong-dao-tao-boi-duong
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com