Thứ tư, 06.01.2016 GMT+7

NGHIÊN CỨU, BỒI ĐẮP KIẾN THỨC THỰC TIỄN CƠ SỞ LÀ VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM CỦA GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HIỆN NAY

Từ nhiều năm nay vấn đề đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy trong các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thường xuyên được đặt ra bàn thảo, nhất là từ khi thực hiện Quyết định 184-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X, về chức năng, nhiệm vụ của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ban Giám hiệu các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường bộ, ngành đã tập trung chỉ đạo quyết liệt việc đổi mới phương pháp giảng dạy kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, bước đầu đã thu được kết quả tích cực, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở.

Những chuyển biến tích cực và kết quả đạt được đã thể hiện khá rõ nét trong cuộc thi giảng viên giảng dạy giỏi các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường bộ, ngành lần thứ V do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tháng 10/2014. Toàn bộ các thí sinh dự thi đều sử dụng thuần thục giáo án điện tử, kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp giảng dạy tích cực, chính vì vậy đã làm cho giờ giảng sinh động hơn, hấp dẫn hơn, thu hút được học viên tham gia vào bài giảng, qua đó phát huy tính tích cực của học viên trong quá trình học tập. Điều này cho thấy đội ngũ giảng viên các trường chính trị cấp tỉnh, trường bộ, ngành Trung ương hiện nay được đào tạo bài bản về chuyên môn từ các trường đại học, các học viện danh tiếng của quốc gia đảm bảo chuẩn và trên chuẩn về kiến thức cơ bản theo các chuyên ngành giảng dạy, đồng thời hầu hết giảng viên đều được đào tạo về lý luận chính trị từ bậc Trung cấp, Cao cấp lý luận, Cử nhân chính trị.

ThS. Đỗ Đức Lương - Phó Hiệu trưởng phát biểu tại Lễ khai giảng lớp Cao cấp lý luận chính trị K66.B20 khóa học 2015 - 2017

Tuy nhiên, qua dự giờ của các giảng viên dạy giỏi các trường chính trị cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tháng 10/2014 và qua thực tế chỉ đạo chuyên môn tại Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ, chúng tôi nhận thấy sự thiếu hụt kiến thức thực tiễn từ cơ sở của các giảng viên giảng dạy lý luận chính trị. Mặc dù với lợi thế được đào tạo cơ bản, bài bản có khả năng, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp, vận dụng phương pháp giảng dạy tích cực vào giảng dạy. Nhưng những lợi thế đó chưa thể giúp họ lấp đầy sự thiếu hụt kiến thức thực tiễn. Các bài giảng thực hiện đều đảm bảo chuẩn xác kiến thức lý luận theo giáo trình và các thông tin thực tiễn thiếu được cập nhật thông qua báo chí và các phương tiện thông tin khác, hoặc qua các bài thu hoạch từ các đợt đi thực tế ngắn ngày ở cơ sở, hoặc thông qua liên hệ thực tiễn của học viên thể hiện trong các bài thi, các bài tiểu luận. Do vậy, nhiều bài giảng còn nặng về lý thuyết mà chưa thể hiện được “hơi thở” của cuộc sống sinh động đang từng ngày, từng giờ đổi mới liên tục, không ngừng. Hơn nữa đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị cấp tỉnh, cấp huyện kể cả cấp cơ sở hiện nay đã được chuẩn hóa về chuyên môn, được trải nghiệm trong cuộc sống, có kinh nghiệm trong thực tiễn lãnh đạo quản lý. Khi họ đi học lý luận chính trị - hành chính đều mong đợi ở người giảng viên luận giải những vấn đề thực tiễn đang đặt ra và hướng dẫn họ biết vận dụng sáng tạo kiến thức lý luận chính trị, kỹ năng hành chính, phương pháp luận khoa học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn. Có thể thấy giữa mong đợi của người học và sự thiếu hụt bất cập kiến thức thực tế ở cơ sở của người thầy đang là vấn đề cần phải được quan tâm giải quyết, đồng bộ với đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình và phương pháp giảng dạy, chỉ có như vậy mới có thể khắc phục được những mặt hạn chế trong giảng dạy của giảng viên trường chính trị tỉnh hiện nay, đồng thời mới khắc phục được tình trạng ngại học lý luận chính trị, hoặc tình trạng học để lấy bằng chứ không phải học để lấy kiến thức phục vụ cho công tác lãnh đạo, quản lý ở cơ sở của một bộ phận không nhỏ học viên.

Để không ngừng bồi đắp, nâng cao kiến thức thực tiễn cho giảng viên giảng dạy trong các trường chính trị tỉnh, thành phố, trong đó có đội ngũ giảng viên của Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, cần tiếp tục tổ chức cho giảng viên đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở một cách nghiêm túc theo đúng quy chế giảng viên, sau mỗi đợt đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở về trường phải viết báo cáo thu hoạch, báo cáo Ban Giám hiệu.

Hai là, thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học cấp khoa, cấp trường, tùy thuộc vào nội dung mà các khoa tham gia nhóm nghiên cứu để tạo điều kiện cho giảng viên có dịp được nghiên cứu thực tế theo mục tiêu, yêu cầu đề tài khoa học đặt ra, khuyến khích cá nhân, nhóm nghiên cứu triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học theo các lĩnh vực đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh mà địa phương đặt ra.

Ba là, lãnh đạo các khoa chuyên môn cần chỉ đạo, tổ chức cho giảng viên nghiên cứu, tập hợp những nội dung kiến nghị, đề xuất của học viên thông qua các bài thi, các bài tiểu luận tốt nghiệp, trên cơ sở đó biên tập hoàn chỉnh để giảng viên tham khảo, nghiên cứu, vận dụng vào giảng dạy.

Bốn là, Đảng ủy, Ban Giám hiệu các trường chính trị từng bước kiến nghị, đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh để có những giải pháp hợp lý, có cơ chế chính sách phù hợp để đưa đội ngũ giảng viên trường chính trị tỉnh về cơ sở công tác từ 6 tháng đến một năm để giúp họ thâm nhập sâu hoạt động thực tiễn trong lãnh đạo, quản lý điều hành ở cơ sở.

Năm là, các trường chính trị tỉnh cần chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh có cơ chế thu hút những cán bộ có trình độ chuyên môn cao, có khả năng sư phạm, trải nghiệm thực tiễn đưa về giảng dạy ở các trường chính trị.

Sáu là, không ngừng quan tâm, chăm lo từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ giảng viên trường chính trị, nhất là giảng viên trẻ để giúp họ vượt qua khó khăn, toàn tâm, toàn trí nghiên cứu tự bồi đắp kiến thức lý luận và thực tiễn nâng cao chất lượng giảng dạy. Thông qua đó nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế đặt ra.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=nghien-cuu-boi-dap-kien-thuc-thuc-tien-co-so-la-van-de-can-quan-tam-cua-giang-vien-truong-chinh-tri-hien-nay
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com