Thứ sáu, 29.05.2015 GMT+7

TẤM LÒNG CỦA MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG NGUYỄN THỊ MƯỜI

Chiến tranh đã lùi xa, những vết thương trên da thịt theo năm tháng cũng đã lành trở lại. Chiến tranh đã để lại biết bao nhiêu tổn thất và có lẽ tổn thất về mặt tinh thần là vết thương khó lành nhất, sự ra đi của những người con hiến dâng tuổi xuân của mình để bảo vệ Tổ quốc, là sự mất mát lớn lao suốt cuộc đời của những người mẹ Việt Nam anh hùng.
 

Dù vậy, trong mọi hoàn cảnh, các mẹ vẫn kiên cường bảo rằng: khi đất nước cần, mẹ sẵn sàng hy sinh. Trong chiến tranh các mẹ động viên chồng, con lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, hòa bình trở lại, các mẹ vẫn tiếp tục kiên cường để phát triển kinh tế, nuôi dạy con cháu lớn khôn.

Đoàn cán bộ, giảng viên của Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ tới thăm mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Mười tại xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ vào một ngày giữa tháng 5 – thời điểm mà cả nước đang tổ chức kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc và nhiều hoạt động nhằm tri ân những người có công với cách mạng, chúng tôi nhận thấy niềm vui ánh lên trên khuôn mặt mẹ. Năm 2014 mẹ Nguyễn Thị Mười cùng 42 bà mẹ của tỉnh Phú Thọ được Đảng và Nhà nước vinh danh, phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ vinh dự được nhận chăm sóc, phụng dưỡng mẹ Nguyễn Thị Mười. Mẹ tâm sự: “Được Đảng và Nhà nước ghi nhận thế này không chỉ tôi mà các con, cháu trong gia đình đều cảm động và vinh dự lắm. Ở vào cái tuổi như tôi thì chẳng còn mong muốn gì hơn là được sự quan tâm, thăm hỏi, động viên của các cấp chính quyền, của bà con lối xóm. Chắc giờ này ở dưới suối vàng hai con Thạch và Sơn nhà tôi cũng thấy ấm lòng…”.

Chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Mười do Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời

Dù đã bước sang tuổi 96, nhưng mẹ vẫn tinh anh, mẫn tiệp. Ký ức và những kỷ niệm của mẹ về hai người con là liệt sĩ Trần Ngọc Thạch và Trần Ngọc Sơn không hề phai nhạt. Nhắc đến gia đình và các con, đôi mắt của mẹ ngấn lệ, mẹ kể: mẹ sinh năm 1920, quê ở làng Định Công, Hà Nội trong một gia đình có truyền thống buôn bán nhỏ có cửa hàng ở phố Hàng Mã. Ngay từ lúc trẻ, các anh chị em trong gia đình mẹ đã được tuyên truyền giác ngộ về tinh thần cách mạng, trong phong trào thanh niên yêu nước lúc bấy giờ mẹ đã gặp và làm quen với anh Trần Ngọc Doanh quê ở Phủ Lý, Hà Nam làm nghề trạm khắc gỗ cùng gia đình lên phố Hàng Mã làm nghề, hai người đã bén duyên nên vợ nên chồng, năm 1946 cả gia đình tản cư từ Hà Nội lên lập nghiệp ở đất Hà Thạch. Ông bà sinh được 6 người con và một con nuôi là anh Trần Ngọc Minh từ lúc nhỏ (là con của vợ chồng anh trai trưởng đã mất trong chiến tranh). Thời buổi chiến tranh anh em 2 bên nội ngoại và chồng đều đi tham gia hoạt động cách mạng mẹ ở nhà làm ruộng và buôn bán chăm lo cho 7 người con và cả bố mẹ đẻ và bố mẹ chồng. Anh Trần Ngọc Thạch là con đầu và Trần Ngọc Sơn là con trai thứ hai của mẹ. Trong ký ức của mẹ thì anh cả Thạch rất ngoan hiền và có hiếu với mẹ. Là con trưởng trong một gia đình đông con nên ngay từ bé anh đã phải giúp bố mẹ công việc nhà cửa, đồng áng, trông nom các em,… Chính vì vậy khi lớn lên anh sớm có tính tự lập, biết quan tâm chăm lo cho công việc gia đình, mẹ những mong nương cậy vào anh lúc đau ốm tuổi già về sau, học hết lớp 7 anh Thạch đi học trung cấp chăn nuôi và về làm việc ở xã… Thế rồi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc anh tình nguyện viết đơn lên đường vào Nam chiến đấu. Mẹ vẫn nhớ anh lên đường vào năm 1966, thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn cam go, khốc liệt nhất, khi ấy các em còn nhỏ dại, đang tuổi ăn học, anh thương mẹ và gia đình lắm. Lúc ấy mẹ đã dằn lòng, gạt nước mắt động viên anh vững tâm, vững bước, cố gắng hết mình cho công cuộc giải phóng của dân tộc, mong ngày hoà bình trở lại cả gia đình sẽ được đoàn tụ. Anh vào binh chủng đặc công nước tham gia bảo vệ Trung ương cục Miền Nam và hy sinh năm 1969 tại rừng đước Cà Mau xa xôi. Nhận được tin anh trai hy sinh, em thứ hai là anh Trần Ngọc Sơn năm 1972 vừa học xong cấp 3, xin phép mẹ, chích máu ở tay mình viết lá đơn xin nhập ngũ. Anh Sơn vào bộ đội thông tin liên lạc, hy sinh ngày 30 tháng 4 năm 1974 tại mặt trận Thừa Thiên Huế. Rồi anh Trần Ngọc Minh cũng lên đường nhập ngũ để trả thù cho các em. Ngày hòa bình thống nhất, chỉ có anh Trần Ngọc Minh trở về, lập gia đình ở gần kề nhà mẹ. Ghi nhận công lao to lớn của mẹ, năm 1977, mẹ và gia đình được Chủ tịch nước tặng Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Ba vì có 3 con tòng quân chống Mỹ cứu nước.

Nhắc đến 2 người con trai của mình, đến giờ trong sâu thẳm cõi lòng mẹ vẫn còn niềm day dứt không nguôi. Hai Anh nhập ngũ khi chưa có gia đình, ngày lên đường  các anh vẫn vui vẻ nói mẹ yên tâm, hoà bình trở lại con sẽ về với mẹ, sẽ lấy vợ và sinh cho mẹ thật nhiều cháu, vậy mà… Kỷ vật của hai anh để lại chẳng có gì duy nhất có tấm ảnh của anh Sơn chụp trước lúc lên đường…Các anh hy sinh đều trong trường hợp thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, sau này nghe đồng đội của các anh kể lại máu thịt  của các anh đã hòa vào đất mẹ Việt Nam, nên mẹ và gia đình đã thống nhất lấy ngày ghi trên giấy báo tử là ngày giỗ của các anh. Không nỗi đau nào sánh bằng nỗi đau của người mẹ mất con, dẫu biết rằng chiến tranh có đau thương, mất mát, nhưng mẹ Mười chẳng thể ngờ rằng chiến tranh đã cướp của mẹ hai người con yêu quý, mẹ dường như ngã quỵ. Đôi mắt mẹ dường như mờ đi sau bao đêm dài khóc cạn nước mắt vì thương nhớ con nhưng mẹ luôn tự nhủ mình không thể gục ngã, còn đàn con thơ và bố mẹ  hai bên nội ngoại còn đang trông cậy vào mẹ … Nuốt nước mắt vào trong, mẹ lại kiên cường lao động, sản xuất để góp sức chi viện cho kháng chiến, cùng chồng nuôi dạy các con lớn khôn, nên người.

Nói về những ngày tháng vất vả năm xưa, ông Trần Ngọc Lâm là con trai út của mẹ cho biết: “Những năm tháng vất vả trong và sau chiến tranh, mẹ là nguồn động viên lớn nhất, tần tảo sớm hôm, để  nuôi chúng tôi khôn lớn, trưởng thành như ngày hôm nay…”.

Hình ảnh Mẹ giữa đời thường

Hoà bình trở lại, được sự giúp đỡ của chính quyền các cấp, mẹ tần tảo tham gia tổ công thương buôn bán gạo ở chợ Mè, thị xã Phú Thọ và làm nông nghiệp tăng gia sản xuất ở xã nhà, mãi đến năm 2010, do tuổi cao sức khỏe giảm sút mẹ mới nghỉ công việc kinh doanh gạo và về nhà chăm sóc vườn hoa, trồng rau, cây cảnh. Từ đó đến nay mẹ tiếp tục là trụ cột, là chỗ dựa tinh thần lớn của cả đại gia đình. Trong cuộc sống thường ngày, mẹ luôn răn dạy các con, cháu phải luôn phát huy truyền thống của một gia đình cách mạng, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế; trong gia đình phải kính trên, nhường dưới; đối với bạn bè, làng xóm phải hoà nhã, thân thiện,…Chính vì vậy, các con mẹ, rồi đến các cháu giờ đây đều yên bề gia thất, có công việc ổn định, mẹ luôn nhận được sự yêu quý, kính trọng của con cháu cũng như bà con lối xóm, gia đình mẹ nhiều năm là gia đình văn hoá.

Người phụ nữ Việt Nam suốt đời tảo tần, chịu đựng và hy sinh tất cả vì chồng, con nhưng khi đất nước cần, các mẹ sẵn sàng tiễn đưa những người thân yêu nhất ra tuyến đầu bảo vệ Tổ quốc, để rồi lại “khóc thầm lặng lẽ” khi các anh mãi nằm lại với núi sông. Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, người phụ nữ - những bà mẹ Việt Nam chính là biểu tượng cao đẹp, tấm gương sáng ngời về đức hy sinh, sự cống hiến quên mình cho Tổ quốc. Đảng và Nhà nước không bao giờ quên công lao to lớn của các mẹ, bởi các mẹ đã làm nên niềm tự hào quê hương, đất nước. Trân trọng, biết ơn và ghi nhận những cống hiến vô giá của những người Mẹ Việt Nam anh hùng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Có thể nói rằng, chúng tôi, những người trẻ hôm nay không biết đến đạn bom, tận mắt chứng kiến những đau thương, mất mát trong chiến tranh, nhưng chúng tôi luôn hiểu rằng, cái giá của cuộc sống hôm nay chính là sự hy sinh của thế hệ đi trước, trong đó có sự đóng góp thầm lặng nhưng vẻ vang của những bà mẹ Việt Nam anh hùng. Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Mười là một người như thế. Mẹ kể rằng, mẹ không chỉ được chăm lo từ chính sách của Đảng và Nhà nước mà những năm qua mẹ đón nhận rất nhiều tình cảm của các con, cháu là sinh viên, học sinh, các đoàn thể… ở nhiều nơi đến thăm nom, chăm sóc mẹ. Mẹ còn nhận được sự phụng dưỡng suốt đời của Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ. “Cuộc đời mẹ đã từng đi qua chiến tranh, đau thương mất mát mẹ đã từng nếm trải. Chính vì vậy, ngày 30/4/1975, ngày đất nước hoàn toàn thống nhất là ngày mà mẹ hạnh phúc nhất. Còn bây giờ, anh Thạch và anh Sơn đã đi rất xa nhưng mẹ không bao giờ cảm thấy cô đơn vì mẹ đã có thêm 71 người con là cán bộ công nhân viên chức của Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ”.

Đoàn cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ thăm và chụp ảnh lưu niệm với Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Mười

 

 

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=tam-long-cua-me-viet-nam-anh-hung-nguyen-thi-muoi
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com