Thứ sáu, 22.05.2015 GMT+7

Giới thiệu sách “Xây dựng nông thôn mới - Những vấn dề lý luận và thực tiễn”

Ngày 5-8-2008, Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) đã thông qua Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó đề ra mục tiêu mới xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường. Xây dựng nông thôn mới được xác định là một nhiệm vụ chiến lược.

Chỉ sau một thời gian ngắn, Nghị quyết Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, trở thành phong trào rộng khắp. Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đều đã hoàn thành việc đánh giá sơ bộ thực trạng nông thôn mới theo 19 tiêu chí. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết nói trên, ngày 4-6-2010, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020. Đây là chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh, quốc phòng. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai rộng khắp trên cả nước đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của toàn dân.

Công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới cũng được đẩy mạnh. Nhiều tỉnh đã giao cho mỗi sở, ngành trực tiếp phụ trách một huyện hoặc một xã cụ thể, đỡ đầu giúp các đơn vị này xây dựng và triển khai đề án xây dựng nông thôn mới. Công tác đào tạo cho cán bộ xây dựng nông thôn mới cũng được chú trọng. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm hơn trước. Công tác xây dựng cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh, trong đó chủ yếu tập trung cho xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như: các trường học đạt chuẩn kiên cố hoá đường giao thông, hệ thống kênh mương, xây dựng trụ sở xã, củng cố hệ thống điện, xoá nhà tạm…Đặc biệt, tại 11 xã điểm, qua quá trình thực hiện đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực, góp phần nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị và người dân. Với những kết quả đạt được, diện mạo nông thôn mới từng bước thay đổi. Các xã điểm là những mô hình tốt để các địa phương khác đến thăm quan, học tập.

Bên cạnh đó, việc triển khai xây dựng nông thôn mới cũng còn không ít khó khăn và tồn tại như: Công tác quy hoạch còn chậm, còn yếu; đội ngũ tư vấn xây dựng nông thôn mới còn thiếu; ở một số địa phương việc đánh giá thực trạng theo tiêu chí chưa chính xác. Việc tổ chức thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới theo đề án đã phê duyệt còn chậm, lúng túng và bị động do thiếu nguồn lực; còn ỷ lại, trông chờ vào vốn ngân sách hỗ trợ từ Nhà nước…Trong quá trình xây dựng nông thôn mới cũng bộc lộ nhiều tồn tại, vướng mắc như sự phối hợp giữa các bộ, ngành ở một số mặt còn bất cập, hướng dẫn còn thiếu, không phù hợp và chưa đáp ứng được yêu cầu về tiến độ; lãnh đạo nhiều địa phương còn đáp ứng được yêu cầu về tiến độ; lãnh đạo nhiều địa phương còn chưa tập trung chỉ đạo, trình độ cán bộ địa phương, nhất là cấp cơ sở còn hạn chế so với yêu cầu; công tác tuyên truyền còn yếu, chưa đủ mạnh nên nhận thức của cán bộ, người dân về chương trình chưa đầy đủ, chưa phát huy được vai trò tổng thể của dân cư. Ngoài ra, do tư tưởng trông chờ vào Trung ương nên việc huy động các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới còn thấp, một số tiêu chí như thu nhập bình quân đầu người, cơ cấu lao động, chợ nông thôn, nhà ở dân cư, kiên cố hoá kênh mương, nghĩa trang nhân dân và hợp tác xã hoạt động có hiệu quả cần được sửa đổi cho phù hợp thực tế nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng núi và Tây Nguyên.

Để giúp bạn đọc, nhất là các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách có thêm tài liệu để nghiên cứu về vấn đề xây dựng nông thôn mới, Nhà xuất bàn Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách:

Xây dựng nông thôn mới - Những vấn dề lý luận và thực tiễn do PGS.TS Vũ Văn Phúc chủ biên.

Cuốn sách gồm các bài viết của các nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các địa phương, các ngành, các cấp về xây dựng nông thôn mới, với những nội dung sau:

- Những vấn đề lý luận chung và kinh nghiệm quốc tế về xây dựng nông thôn mới.

- Thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc!

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=gioi-thieu-sach-xay-dung-nong-thon-moi-nhung-van-de-ly-luan-va-thuc-tien
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com