| ||
ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌ THEO HƯỚNG HIỆN ĐẠI | ||
Th.Sỹ HOÀNG THỊ NGUYỆT NGA Phó Trưởng phòng NCKH - TT - TL Đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng hiện đại, xây dựng một nền giáo dục mở, thực học, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt là một vấn đề đã được đặt ra từ khá lâu đối với ngành Giáo dục - Đào tạo ở nước ta nói chung, với hệ thống Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nói riêng. Trong những năm qua, Học viện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về phương pháp giảng dạy hiện đại cho giảng viên thuộc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phương pháp dạy học hiện đại (phương pháp dạy học tích cực) là một thuật ngữ rút gọn, được dùng ở nhiều nước để chỉ những phương pháp giáo dục, dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Phương pháp giảng dạy hiện đại có ý nghĩa rất lớn đối với giảng dạy lý luận chính trị. Khi áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại, giảng viên đóng vai trò là người tổ chức, hướng dẫn quá trình học tập nên rút ngắn được thời gian giảng bài, giảng viên có nhiều thời gian đầu tư cho nghiên cứu khoa học, nghiên cứu các vấn đề có tính lý luận và thực tiễn, mở rộng kiến thức phục vụ cho việc giảng dạy. Đối với học viên sẽ chủ động, sáng tạo hơn trong tiếp thu và xử lý các tri thức. Học viên vừa nắm được kiến thức, vừa nắm được cách tiếp cận kiến thức để từ đó tự rèn luyện và phát triển cách tư duy và hành động độc lập, sáng tạo. Bản chất của phương pháp giảng dạy hiện đại là mọi người cùng tham gia, cùng chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau trên tinh thần phân công và hợp tác chặt chẽ. Làm việc với phương pháp này còn có ý nghĩa là sự chuẩn bị năng lực thích ứng với công việc, với đời sống xã hội (phát hiện kịp thời và giải quyết hợp lý các vấn đề…). Có thể nói, phương pháp giảng dạy hiện đại là cơ sở để phát huy tinh thần tự học và từng bước thực hiện chủ trương biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo. Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ trong những năm vừa qua đã có kế hoạch cụ thể trong việc trang bị kiến thức, phương pháp dạy học hiện đại cho đội ngũ giảng viên. Trường đã cử giảng viên đi tập huấn phương pháp giảng dạy tích cực và phối hợp với tổ bộ môn phương pháp dạy học của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh mở lớp hướng dẫn các phương pháp dạy học tích cực tại trường. Qua các lớp bồi dưỡng đã giúp giảng viên nắm vững các phương pháp từ đó có kế hoạch trong việc nghiên cứu soạn giảng để nâng cao chất lượng dạy và học, gắn giữa lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành ngay trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Mỗi giảng viên Trường Chính trị tỉnh đã nhận thức đúng yêu cầu của việc đổi mới phương pháp dạy và học, không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy. Lãnh đạo nhà trường, các tổ chức đoàn thể đã tổ chức thao giảng, dự giờ, động viên các giảng viên áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại như là: Bài tập tình huống, sàng lọc, làm việc nhóm, nêu ý kiến ghi lên bảng, bể cá vàng…vào bài giảng, làm phong phú nội dung giảng dạy, phát huy tính tích cực học tập của học viên.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng đội ngũ giảng viên của Trường đã từng bước đưa phương pháp giảng dạy hiện đại vào bài giảng của mình theo hướng kết hợp phương pháp giảng dạy truyền thống với phương pháp giảng dạy hiện đại. Trong mỗi bài giảng của giảng viên đều có sự vận dụng một số phương pháp hiện đại. Chính sự đổi mới phương pháp này đã và đang góp phần vào việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường trong những năm gần đây. Tuy nhiên, việc áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại ở Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ cũng không thể tránh khỏi những hạn chế. Một thực tế ở Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ hiện nay là đối tượng học viên (trung tâm của phương pháp dạy học hiện đại) không đồng đều về lứa tuổi, trình độ học vấn và kinh nghiệm công tác, khả năng nhận thức, tâm lý vùng miền…Các đặc điểm này ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp thu bài giảng, đến sự cộng tác cùng tham gia giữa học viên và giảng viên trong quá trình thực hành phương pháp giảng dạy hiện đại. Hiện nay, do nhu cầu đào tạo của tỉnh rất lớn, nên sỹ số học viên của các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính, chuyên viên…khá đông, trung bình mỗi lớp có từ 70 đến 90 học viên, thậm chí có lớp đến trên 100 người. Với số lượng học viên như vậy, việc tổ chức giảng dạy theo phương pháp hiện đại cũng sẽ bị hạn chế. Nhà trường liên kết với các Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị trong toàn tỉnh mở rất nhiều lớp, điều kiện cơ sở vật chất của các trung tâm cũng còn nhiều khó khăn, do vậy các lớp đào tạo ở các Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị cấp huyện sẽ gặp khó khăn hơn về phương tiện hiện đại: Máy tính, máy chiếu… hỗ trợ cho giảng viên khi áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại. Để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của Lãnh đạo nhà trường và toàn thể giảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng kết hợp phương pháp truyền thống và phương pháp hiện đại, trong những năm tiếp theo nhà trường nên thực hiện một số việc sau đây: Một là, tăng cường công tác Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra giáo dục, rút kinh nghiệm và phổ biến kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy và đổi mới phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên. Ban Giám hiệu thường xuyên theo dõi, kiểm tra, thanh tra, đánh giá chất lượng bài giảng của các khoa và giảng viên thông qua hoạt động thao giảng, dự giờ trên lớp; lấy phiếu đánh giá bài giảng đối với giảng viên đứng lớp và phiếu thăm dò ý kiến học viên về chất lượng giảng dạy của giảng viên. Trong đó, việc sử dụng phương tiện hiện đại và áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại được chú trọng. Lãnh đạo các khoa, phòng coi việc dự giờ, theo dõi, đánh giá việc đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên là việc làm thường xuyên và có trách nhiệm báo cáo với Ban Giám hiệu nhà trường về kết quả tổ chức thực hiện. Thông qua các hoạt động chuyên môn tại các khoa, phòng như là từ khâu soạn giáo án, thông qua bài giảng, bắt buộc các giảng viên phải áp dụng một hoặc một số phương pháp giảng dạy hiện đại vào bài giảng để nâng cao chất lượng và trình độ nghiên cứu giảng dạy của giảng viên. Hai là, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của giảng viên và hướng dẫn các phương pháp học tập cho phù hợp với yêu cầu của phương pháp giảng dạy hiện đại cho học viên. Giảng viên phải thực hiện nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin gắn lý luận với thực tiễn. Trau dồi kinh nghiệm và vốn sống thực tiễn phong phú thông qua việc thu thập thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng, đi nghiên cứu thực tế, nhất là học hỏi ở phong trào quần chúng, ở cơ sở nhằm có những tình huống cụ thể, sinh động đưa vào giảng dạy làm cho bài giảng phong phú, tiết học sôi nổi. Có kỹ năng, năng khiếu, nghiệp vụ sư phạm, vững vàng về chuyên môn, tinh thông về phương pháp giảng dạy hiện đại, ứng biến linh hoạt trong quá trình lên lớp. Xác định đúng đối tượng học viên, nội dung cần truyền đạt và phương pháp phù hợp; phổ biến thấu đáo về phương pháp giảng dạy và học tập, nghiên cứu trong từng môn, phần học cho học viên một cách rõ ràng, hiệu quả. Quản lý tốt giờ học tập và nghiên cứu của học viên là một việc làm cần thiết nhằm nâng cao trách nhiệm, ý thức tự giác trong học tập, nghiên cứu của học viên. Mỗi giảng viên phải có kế hoạch thường xuyên nghiên cứu, tiếp cận, tự học tập, dự giờ, học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt và vận dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại vào giảng dạy các môn học lý luận chính trị. Điều này đòi hỏi các giảng viên cần cố gắng nhiều hơn, quyết tâm hơn trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy. Coi việc đổi mới phương pháp giảng dạy chính là xây dựng và xác định uy tín, vị trí của người giảng viên. Ba là, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, trang bị và nâng cao hiệu quả sử dụng các trang thiết bị, tài liệu phục vụ giảng dạy và học tập theo hướng hiện đại hoá. Phát động phong trào thi đua học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ hiểu biết và sử dụng các trang thiết bị (máy tính, máy chiếu), tài liệu phục vụ cho phương pháp giảng dạy hiện đại. Lãnh đạo nhà trường tiếp tục xây dựng kế hoạch cho các giảng viên trẻ của nhà trường đi dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đồng thời có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên cho tất cả các giảng viên về phương pháp giảng dạy hiện đại, nhằm chuẩn hóa và nâng cao trình độ về phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên. Phương pháp giảng dạy hiện đại là đã được chứng minh là phương pháp mang lại hiệu quả cao, tạo động lực kích thích tư duy, khả năng độc lập, sáng tạo của học viên cũng như làm cho giảng viên chủ động và tránh được giáo điều trong giảng dạy lý luận. Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hiện đại đã trở thành một yêu cầu cấp bách và cần được đẩy mạnh hơn nữa để tạo được sự biến đổi về chất trong quá trình giảng dạy các môn lý luận ở Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ nói riêng và ở các trường chính trị tỉnh trong giai đoạn đổi mới. Tuy nhiên, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, hiện đại có đạt được kết quả như mong muốn hay không, không chỉ tùy thuộc vào sự trăn trở, tìm tòi, sáng tạo của những người thầy và các nhà giáo dục mà còn đòi hỏi sự nhận thức đúng mức của toàn xã hội, nhất là của các cơ quan lãnh đạo và ngành chức năng; đòi hỏi không chỉ là sự động viên, bồi dưỡng về năng lực chuyên sâu cho các thầy, cô giáo; phải tạo điều kiện cho thầy và trò tiếp tục thực hiện đồng bộ quá trình dạy- học hiện đại góp phần xứng đáng vào nỗ lực chung của toàn xã hội hiện nay. | ||
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=doi-moi-phuong-phap-giang-day-ly-luan-chinh-tri-o-truong-chinh-tri-tinh-phu-tho-theo-huong-hien-dai | ||
|