Thứ sáu, 10.10.2014 GMT+7

TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌ SAU 5 NĂM THỰC HIỆN SẮP XẾP TỔ CHỨC BỘ MÁY THEO TINH THẦN QUYẾT ĐỊNH 184 CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG

Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ tiền thân là Trường Đảng tỉnh ra đời năm 1957. Đến ngày 19/11/1992, trên cơ sở hợp nhất Trường Đảng tỉnh, Trường Hành chính tỉnh và Trường Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành Trường Đào tạo bồi dưỡng (ĐTBD) cán bộ. Ngày 04/5/1995, Trường được đổi tên thành Trường Chính trị tỉnh, tổ chức bộ máy của Trường gồm có 3 khoa chuyên môn và 2 phòng, với số lượng biên chế là 53 người, trong đó 35 giảng viên. Trong quá trình xây dựng và phát triển, để hoàn thành chức năng nhiệm vụ ĐTBD cán bộ và nghiên cứu khoa học (NCKH), Trường đã hai lần sắp xếp lại tổ chức bộ máy (Lần đầu vào tháng 5 năm 1998 gồm 5 khoa, 3 phòng, tổng biên chế là 53 người; lần thứ hai vào tháng 10 năm 2003 gồm 4 khoa, 3 phòng với tổng biên chế 54 người).

  Bước vào thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước và chủ động hội nhập quốc tế. Trước yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp ĐTBD cán bộ, đòi hỏi tổ chức bộ máy Trường Chính trị tỉnh phải được kiện toàn cho phù hợp. Mặt khác, bộ máy của Nhà trường trong quá trình hoạt động đã dần bộc lộ những hạn chế, bất cập. Việc phân công chức năng, nhiệm vụ ở một số đơn vị, bộ phận không còn phù hợp với điều kiện thực tế. Do đó, quá trình hoạt động chức năng, nhiệm vụ của một số khoa, phòng bị chồng chéo, kém hiệu quả.

Xuất phát từ những vấn đề thực tế và để khắc phục những hạn chế nêu trên, việc sắp xếp tổ chức bộ máy khoa, phòng của Nhà trường cho phù hợp với điều kiện cụ thể là một yêu cầu khách quan và cấp thiết trong giai đoạn mới.

Thực hiện Quyết định 184-QĐ/TW ngày 03/9/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu nhà trường đã xây dựng Đề án sắp xếp lại tổ chức bộ máy của trường trên cơ sở trình độ được đào tạo, kết hợp với năng lực, sở trường và kết quả công tác thực tế của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lao động (CB, CCVC, LĐ); trên nguyên tắc khách quan, công khai, dân chủ, “Vì việc xếp người” nhằm tạo ra một cơ cấu tổ chức bộ máy hợp lý. Qua nhiều lần thảo luận, trình Thường trực Tỉnh ủy xin ý kiến, ngày 07/8/2009 Thường trực Tỉnh ủy Phú Thọ thông báo Kết luận số 711-TB/TU về phê duyệt “Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy khoa, phòng Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ”.

Thực hiện Kết luận trên, ngày 14/9/2009, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ đã ban hành Quyết định số 344/QĐ-HT: “về sắp xếp tổ chức bộ máy của trường” với 4 khoa, 3 phòng chức năng. Theo đó, có 22 CB, CCVC, LĐ (trong đó có 05 Lãnh đạo khoa, phòng) được điều động, luân chuyển cho phù hợp với trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chính trị. Các tổ chức Đảng, đoàn thể cũng được sắp xếp lại tổ chức theo cơ cấu bộ máy mới.

Việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế các đơn vị khoa, phòng ổn định theo tinh thần Quyết định 184 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã điều chỉnh bổ sung chức năng, nhiệm vụ từng đơn vị đảm bảo cụ thể, đầy đủ, không chồng chéo. Đây thực sự là bước chuyển đổi rất quan trọng, là khâu đột phá nhằm phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp từ năng lực, sở trường và trình độ của từng cán bộ, giảng viên; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của nhà trường và nâng cao chất lượng ĐTBD cán bộ trong thời kỳ mới.

Trong quá trình hoạt động 5 năm qua, để hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ, Nhà trường đã thực hiện công tác tổ chức cán bộ đảm bảo kịp thời, công khai, đúng quy trình, quy định của tỉnh, của Nhà nước: nhà trường đã làm thủ tục đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ thực hiện quy trình và bổ nhiệm lại chức danh Hiệu trưởng, 02 Phó Hiệu trưởng, bổ nhiệm mới 01 Phó Hiệu trưởng; tiếp tục điều động, luân chuyển 07 cán bộ, giảng viên giữa các đơn vị khoa, phòng; tuyển dụng 07 giảng viên; tiếp nhận 07 cán bộ, giảng viên; thực hiện quy trình và bổ nhiệm 12 cán bộ lãnh đạo các đơn vị khoa, phòng. Hiện nay, trường có 72 CB, CCVC, LĐ (trong đó 11 lao động hợp đồng). Đểnâng cao chất lượng đội ngũ, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã quan tâm xây dựng kế hoạch và tạo điều kiện thuận lợi cho hàng chục CB, CCVC, LĐ đi ĐTBD về chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị. Do đó, chất lượng đội ngũ cán bộ đã có sự thay đổi căn bản về cơ cấu trình độ. Đặc biệt trong 5 năm qua, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu đã đổi mới phương thức lãnh đạo, phương pháp quản lý. Hàng loạt các nội quy, quy định (quy chế chuyên môn, quy định định mức giờ giảng, chế độ làm việc, thi đua khen thưởng, quản lý đào tạo, chi tiêu nội bộ...) trong cơ quan được ban hành và bổ sung, cùng với việc kiện toàn tổ chức của các Hội đồng tư vấn, việc công khai hoá các mặt hoạt động của Nhà trường từ công tác tổ chức, tài chính, quản lý,… cho đến việc đổi mới quy trình, phương pháp đánh giá về công tác thi đua khen thưởng, đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy - học tập, NCKH… đã tạo nên một diện mạo mới. Với phương pháp quản lý chặt chẽ, công khai, dân chủ, đã tạo nên một bầu không khí chính trị cởi mở, dân chủ được mở rộng, đời sống CB, CCVC, LĐ được cải thiện rõ rệt, mọi người rất phấn khởi, yên tâm công tác.

Nhiều năm liên tục, Trường hoàn thành toàn diện vượt mức chỉ tiêu kế hoạch ĐTBD cán bộ tăng bình quân từ 7-10% về số lớp, 10-15% số học viên/năm. Công tác NCKH được chú trọng và tăng cường, ngoài hàng chục đề tài cấp khoa, cấp trường, có 05 đề tài khoa học cấp tỉnh được thực hiện và nghiệm thu đạt loại Xuất sắc đã được ứng dụng có hiệu quả vào thực tiễn. Đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện làm việc của đội ngũ CB, CCVC, LĐ được quan tâm, cải thiện và từng bước nâng lên đáng kể.

Ghi nhận những kết quả đạt được, nhiều năm liên tục Nhà trường được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND tỉnh công nhận cơ quan văn hóa; Đảng bộ Nhà trường được công nhận Đảng bộ trong sạch vững mạnh và Xuất sắc, các đoàn thể được công nhận vững mạnh Xuất sắc. Hàng năm, Nhà trường được Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tặng Bằng khen; năm 2010, nhà trường được Chủ tịch UBND tỉnh và năm 2011 được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua cho đơn vị Xuất sắc; nhiều tập thể và cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh và Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn có một số hạn chế và bất cập trong tổ chức bộ máy và thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị khoa, phòng:

Một là, biên chế có thời điểm chưa tuyển đủ so với chỉ tiêu được giao và so với khối lượng công việc thực tế đảm nhiệm. Do đó, áp lực công việc lớn ở nhiều bộ phận công tác phần nào ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả chuyên môn.

Hai là,chưa bổ sung đủ số lượng cán bộ lãnh đạo của một số đơn vị khoa, phòng; vì vậy, phần nào đã ảnh hưởng tới hiệu quả quản lý, điều hành công việc.

Ba là,tính kế hoạch, chủ động, sáng tạo phối hợp trong công tác, năng lực của một số CB, CCVC, LĐ còn hạn chế.

Bốn là,khả năng nghiên cứu, tổng hợp, trình độ chuyên sâu, thành thạo về nghiệp vụ của một số cán bộ, giảng viên còn hạn chế.

Năm là,cơ sở vật chất, thiết bị trường học, mặc dù đã được quan tâm đầu tư đáng kể, song chưa thực sự đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp ĐTBD cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

Để tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng công tác của các đơn vị khoa, phòng, CB, CCVC, LĐ, trong thời gian tới, nhà trường cần tiếp tục thực hiện một số nội dung sau:

Một là,tuyển đủ số lượng biên chế, đảm bảo chất lượng, quy trình theo quy định của tỉnh, phù hợp theo cơ cấu chuyên ngành, giới tính.

Hai là,xem xét điều chỉnh, điều chuyển một số vị trí công tác phù hợp. Phân công, bố trí, sử dụng lao động phục vụ hợp lý, phân công trách nhiệm rõ ràng.

Ba là,tiếp tục làm tốt hơn nữa quy trình bổ nhiệm bổ sung cán bộ, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý của các khoa, phòng, đoàn thể.

Bốn là, thực hiện ĐTBD, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên đảm bảo cân đối giữa tăng tỷ lệ cán bộ trình độ cao ở các đơn vị, đồng thời có đủ lực lượng để thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường.

Năm là, duy trì nền nếp sinh hoạt, nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ. Giáo dục ý thức trách nhiệm, tác phong khoa học, tinh thần đoàn kết, kỷ luật lao động và thái độ nghiêm túc với công việc của đội ngũ CB, CCVC, LĐ.

Sáu là, tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học, cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho CB, CCVC, LĐ.

Sau 5 năm thực hiện việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo Quyết định 184, bộ máy tổ chức của Nhà trường đã ổn định, đi vào nền nếp. Hiện nay, từng đơn vị khoa, phòng trong Nhà trường hoạt động theo hướng chuyên môn hóa. CB, CCVC, LĐ rất phấn khởi, yên tâm công tác. Không khí dân chủ trong cơ quan được mở rộng và tăng cường. Tin tưởng rằng, với sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Phú Thọ; sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao, sáng tạo của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu; sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các đoàn thể; đặc biệt là với truyền thống đoàn kết, gắn bó, đồng sức, đồng lòng và tinh thần trách nhiệm của mỗi CB, CCVC, LĐ chắc chắn mỗi người sẽ phát huy tốt vai trò của mình trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng “bộ phận”, từng “ốc vít” trong một “cỗ máy”,  nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Nhà trường./.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=truong-chinh-tri-tinh-phu-tho-sau-5-nam-thuc-hien-sap-xep-to-chuc-bo-may-theo-tinh-than-quyet-dinh-184-cua-ban-bi-thu-trung-uong-dang
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com