| ||
Nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn hướng tới Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ đạt chuẩn mức 1 vào năm 2024 | ||
Tóm tắt:Xây dựng Trường Chính trị đạt chuẩn là một tất yếu khách quan xuất phát từ thực tiễn, đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng. Để đạt được mục tiêu đạt chuẩn mức 1, trường chính trị phải đạt các chỉ tiêu của 6 nhóm tiêu chí. Bám sát Quy định số 11-QĐ/TW,những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực vượt khó, đạt được nhiều thành công nổi bật, trong đó, công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn được quan tâm phát triển toàn diện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị địa phương, cơ sở vững mạnh, đồng thời để phục vụ trực tiếp nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường hướng tới đạt chuẩn mức 1 vào năm 2024. Từ khóa:Trường Chính trị đạt chuẩn;nghiên cứu khoa học; tổng kết thực tiễn. 1. Thực trạng công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn những năm qua Nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường luôn quan tâm, đẩy mạnh chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả. Từ năm 2020 đến nay, Nhà trường đã triển khai nghiên cứu và đưa vào ứng dụng 25 đề tài, sáng kiến kinh nghiệm cấp trường, cấp khoa. Các đề tài khoa học luôn có sự đổi mới về nội dung, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị về những vấn đề như:Nghiên cứu, đề xuất xử lý một số tình huống điển hình về quản lý nhà nước ở cơ sở trong quá trình xây dựng nông thôn mới...giải pháp thực hiện văn hóa trường Đảng; nghiên cứu các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn huyện Yên Lập; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh trên địa bàn thành phố Việt Trì…, Hiện nay, trường đã và đang thực hiện 04 đề tài khoa học cấp tỉnh (03 đề tài hiện đang triển khai thực hiện: biên soạn bộ tài liệu Bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp xã trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu;giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn Trường chính trị tỉnh Phú Thọ theo hướng đạt chuẩn). Ngoài ra, có nhiều giảng viên được mời tham gia vào Hội đồng phản biện đề tài khoa học cấp tỉnh, hội đồng thi tuyển công chức, thi nâng ngạch; nhiều đồng chí có viết bài tham luận hội thảo ở Học viện Chính trị quốc gia, một số cơ quan, ban ngành của tỉnh và ở các Trường Chính trị tỉnh. Nhiều bài viết đã được đăng tải trên các bản tin, kỷ yếu hội thảo khoa học và trên tạp chí có sức lan tỏa, là cơ sở để cán bộ, giảng viên các trường tham khảo, nghiên cứu, học tập. Trong 5 năm, nhà trường đã tổ chức được 06 hội thảo khoa học cấp tỉnh và 31 hội thảo khoa học cấp trường. Thông qua các Hội thảo khoa học, với từng chủ đề nhà trường tổng kết thực tiễn và đề xuất với tỉnh về chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh. Nhà trường đã nghiên cứu biên soạn, xuất bản các đầu sách như: “Tập bài giảng Thực tiễn, kinh nghiệm xây dựng và phát triển tỉnh Phú Thọ” trong chương trình Trung cấp lý luận; tài liệu bồi dưỡng lý luận và nghiệp vụ cho Trưởng khu dân cư; cẩm nang xử lý tình huống dành cho tài liệu Trưởng khu dân cư; biên tập và xuất bản tài liệu phục vụ giảng dạy các lớp bồi dưỡng. Mỗi năm ra 03 - 04 sốBản tin Thông tin lý luận và thực tiễn. Nội dung cuốn Bản tin đăng tải các bài viết thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về các lĩnh vực liên quan đến nhiệm vụ chính trị nhà trường; thông tin chỉ đạo của Học viện Chính trị quốc gia đối với trường chính trị; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về chuyên môn giảng dạy; tổng kết các mô hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương..., đặc biệt là chuyên trang các bài viết về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Để phục vụ tốt cho việc NCKH, tổng kết thực tiễn Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường có kế hoạch đưa các giảng viên thâm nhập, nghiên cứu thực tế tại cơ sở, mỗi năm có khoảng 100 lượt giảng viên, viên chức nhà trường đi thực tế ở các tỉnh, địa phương, cơ sở. Thông qua nghiên cứu thực tế giảng viên đã thu thập được nhiều kiến thức thực tiễn sinh động từ cơ sở để phục vụ cho hoạt động NCKH, tổng kết thực tiễn và giảng dạy lý luận gắn với thực tiễn. Với những kết quả đạt được cho thấy hoạt động NCKH, tổng kết thực tiễn của Nhà trường đã đóng góp tích cực vào kết quả thưc hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường trong những năm qua và được Học viện Chính trị quốc gia, Tỉnh ủy đánh giá cao. Chính trị tỉnh Phú Thọ vẫn còn những hạn chế: Mặc dù tổng kết thực tiễn và nghiên cứu khoa học được xem là hai yêu cầu và nhiệm vụ rất quan trọng của giảng viên trường chính trị, nhưng mới chỉ chú trọng về nghiên cứu khoa học mà chưa thực sự thực hiện các hoạt động về tổng kết thực tiễn, còn khó khăn trong việc tiếp cận các thông tin, tài liệu phục vụ tổng kết thực tiễn. Bên cạnh đó, một số đề tài nghiên cứu về hiệu quả và tính ứng dụng chưa cao; số đề tài cấp tỉnh mà giảng viên nhà trường được làm chủ nhiệm nghiên cứu còn ít;một số giảng viên còn chưa thực sự tận tâm trong nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.… 2. Nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn góp phần xây dựng trường chính trị tỉnh Phú Thọ đạt chuẩn Để tiếp tục xây dựng và phát triển Trường Chính trị tỉnh vững mạnh toàn diện; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả trong công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; phấn đấu đưa Trường Chính trị tỉnh trở thành một trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trung tâm nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn có uy tín, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chính trị chuẩn mức 1 theo Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư, nhà trường cần tập trung làm tốt một số nội dung công tác sau: Thứ nhất, xây dựng chiến lược nghiên cứu khoa học, trong đó xác định trọng tâm là hướng vào tổng kết thực tiễn, tư vấn chính sách cho tỉnh Xác định nhất quán quan điểm, mục tiêu đầu tư phát triển và tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học của Nhà trường nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ tổng kết thực tiễn, tư vấn chính sách, trở thành hướng chủ đạo trong nghiên cứu khoa học, nhất là khi trường hướng tới chuẩn mức 1. Nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn cần bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; mục tiêu, định hướng, chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Đảng bộ, chính quyền trên địa bàn tỉnh Phú Thọ để chủ động tổ chức các hoạt động nghiên cứu theo hướng cung cấp các luận cứ khoa học để đề xuất, kiến nghị các giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả trên thực tiễn hoặc tư vấn hoàn thiện hệ thống chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; định hướng, mục tiêu và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thứ hai, phát huy vai trò lãnh đạocủa Đảng ủy, Ban Giám hiệu trường chính trị tỉnh, nhất là người đứng đầu trong việc nâng cao nhận thức của tập thể nhà trường về công tác tổng kết thực tiễn. Từng thành viên Ban Giám hiệu, Các Trưởng khoa, phòng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý và tích cực tham gia thực hiện tổng kết thực tiễn; phải trở thành “đầu tàu” định hướng, củng cố và phát triển nhận thức của cán bộ, giảng viên, lan tỏa nhận thức đúng đắn trong toàn nhà trường. Thứ ba, xây dựng tiềm lực nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của Nhà trường Có cơ chế khuyến khích đội ngũ cán bộ, giảng viên thực hiện các hoạt động nghiên cứu thực tiễn lãnh đạo, quản lý của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp; thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực. Tranh thủ sự quan tâm của tỉnh ủy đối với Nhà trường, trong đó có hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, tư vấn chính sách. Cần phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong xác định, lựa chọn nội dung nghiên cứu và tổng kết. Đặc biệt, sự quan tâm và hướng dẫn của Sở Khoa học và Công nghệ, là một cơ sở quan trọng để tạo điều kiện cho trường Chính trị nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác NCKH, tổng kết thực tiễn từ đó đề xuất với tỉnh hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế -xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương. Kết nối với các các cơ quan, tổ chức nghiên cứu và các trường chính trị khác, Trường Đại học Hùng Vương trong thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Thứ tư, nâng cao nhận thức của các giảng viên trong tham gia tổng kết thực tiễn địa phương, cơ sở. Để tham gia tổng kết thực tiễn đúng hướng và đạt hiệu quả, trước hết, Nhà trường cần tạo lập được ở chủ thể trung tâm của hoạt động này - đội ngũ giảng viên - nhận thức đúng đắn và ngang tầm về chức năng, nhiệm vụ tham gia tổng kết thực tiễn của Nhà trường. Một trong những nguyên nhân khiến cho tổng kết thực tiễn chưa trở thành hoạt động phổ biến, thường xuyên trong hoạt động của trường chính trị tỉnh Phú Thọ là do đội ngũ giảng viên chưa ý thức đầy đủ đó là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng của mình. Vì thế, cần tiếp tục định hướng cho đội ngũ giảng viên nhận thức đúng đắn về nội dung và hình thức tham gia tổng kết thực tiễn địa phương, cơ sở. Cần xác định rõ trong nhận thức của giảng viên, việc tổng kết thực tiễn là công việc của toàn hệ thống chính trị. Hoạt động tổng kết thực tiễn không chỉ được xem một cách giới hạn là để phục vụ cho hoạt động nội bộ nhà trường mà còn phục vụ cho hoạch định chủ trương, chính sách phát triển địa phương. Từ đó, rút ra kinh nghiệm tạo tiền đề cho việc hoạch định phương hướng, bước đi trong tương lai của tỉnh. Thứ năm, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học Công tác nghiên cứu khoa học của Nhà trường cần bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí; lấy nhiệm vụ chính trị của trường là cơ sở, chất liệu để nghiên cứu khoa học và đưa kết quả nghiên cứu khoa học vào phục vụ công tác chuyên môn; lấy giá trị ứng dụng là tiêu chí, thước đo đánh giá chất lượng các đề tài, đề án; khắc phục tình trạng nghiên cứu nhưng tính ứng dụng không cao, tính tổng kết thực tiễn không rõ ràng, hiệu quả. Việc xây dựng Trường Chính trị chuẩn nói chung, tiêu chí nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn nói riêng là một tất yếu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Để thực hiện mục tiêu này, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp với sự đổi mới sáng tạo trên nhiều phương diện để Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ đạt chuẩn mức 1, xứng đáng là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1.Quy định số 09-QĐi/TW, ngày 13-11-2018 của Ban Bí thư “Về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. 2. Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19-5-2021 của Ban Bí thư “Về trường chính trị chuẩn”. 3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb. CTQGST, H. 2021 4. Báo cáo số 40-BC/TCT ngày 24/5/2024 của Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ về tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 ThS. Nguyễn Thị Hoa Mỹ Trưởng khoa Xây dựng Đảng
| ||
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=nang-cao-hieu-qua-nghien-cuu-khoa-hoc-tong-ket-thuc-tien-huong-toi-truong-chinh-tri-tinh-phu-tho-dat-chuan-muc-1-vao-nam-2024 | ||
|