| ||
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - động lực thúc đẩy nền kinh tế ở tỉnh Phú Thọ phát triển trong giai đoạn hiện nay | ||
Trong bối cảnh hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức trở thành yếu tố đầu vào quan trọng nhất của lực lượng sản xuất hiện đại, là chìa khóa quyết định tốc độ, chất lượng phát triển của nền kinh tế đất nước. Cách đây hơn 180 năm, C. Mác đã nhận định, khoa học sẽ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Trong bộ Tư bản, C. Mác khẳng định: “Sự phát triển của tư bản cố định là chỉ số cho thấy tri thức xã hội phổ biến đã chuyển hóa đến mức độ nào đó thành lực lượng sản xuất trực tiếp”. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đã khẳng định coi khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong các đột phá chiến lược quan trọng nhất tiến tới phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Đồng thời, yêu cầu: “Có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế; lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo”. Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Phú Thọ đã đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế tri thức gắn với phát triển kinh tế của tỉnh. Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, tiếp tục duy trì vị trí nhóm tỉnh dẫn đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc. Với kết quả đạt được, tỉnh Phú Thọ đang dần hiện thực hóa khát vọng phát triển nhanh và bền vững. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,16%, đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; trong đó công nghiệp và xây dựng tăng 13,49%; dịch vụ tăng 5,73%; nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,17%. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng 14,5%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 58,5% dự toán. Trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản cơ bản duy trì ổn định. Tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; chú trọng phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi ngành hàng chủ lực; quản lý mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát tốt dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Chương trình xây dựng nông thôn mới cấp huyện, cấp xã được triển khai tích cực, đồng bộ, đảm bảo yêu cầu, kế hoạch đề ra và đạt kết quả tốt. Đến nay, toàn tỉnh đã có 6 huyện nông thôn mới, 136 xã nông thôn mới, 1.655 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 17 tiêu chí/xã, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn tiếp tục được nâng cao. Chương trình mỗi xã một sản phẩm tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo thực hiện đạt kết quả tốt, toàn tỉnh đã có 237 sản phẩm OCOP hạng 3 sao trở lên, trong đó có 182 sản phẩm hạng 3 sao, 54 sản phẩm hạng 4 sao, 01 sản phẩm hạng 5 sao. Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với phát triển kinh tế nên sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì phát triển và tăng trưởng, một số ngành hàng chủ lực chế biến, chế tạo phục hồi tốt, giá trị tăng cao. Các doanh nghiệp đã nỗ lực trong việc duy trì sản xuất, phát triển thêm các sản phẩm mới; một số dự án mới đi vào hoạt động đã bổ sung thêm năng lực sản xuất, tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của tỉnh, duy trì đà tăng trưởng sản xuất công nghiệp 14,58%, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 33,8%. Hoạt động thương mại, dịch vụ đã được các cấp ủy, chính quyền tích cực lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, hợp tác, liên kết giữa các địa phương trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản, di tích, làng nghề thông qua việc tham gia quảng bá, giới thiệu du lịch Đất Tổ tại các sự kiện văn hoá, du lịch. Doanh thu du lịch tăng 13,3%, đã đón trên 482,9 nghìn lượt khách du lịch lưu trú tăng 14,8%, trong đó có 5,5 nghìn lượt khách quốc tế. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 14,4%, trong đó doanh thu bán lẻ tăng 15,7%; xuất nhập khẩu đạt mức tăng trưởng cao, kim ngạch xuất nhập khẩu 3 ước đạt 12,9 tỷ USD, tăng 45,9%. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được việc ứng dụng khoa học công nghệ, đối mới sáng tạo gắn với phát triển kinh tế tri thức để phát triển kinh tế của tình còn một số hạn chế - Việc thúc đẩy chuyển đổi tư duy từ phát triển nền công nghiệp phụ thuộc, gia công, lắp ráp sang chủ động sáng tạo, vươn lên, làm chủ công nghệ còn hạn chế. Nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, nhất là các doanh nghiệp sản xuất truyền thống; Việc tiếp thu, ứng dụng khoa học công nghệ và sản xuất, nhất là sản xuấ nông nghiệp còn chưa mạnh dạn. - Chuyển đổi nền kinh tế công nghiệp của tỉnh sang nền kinh tế số, dựa trên nền tảng tri thức chưa nhiều nên nền kinh tế tăng trưởng chưa được như mong muốn. Ứng dụng khoa học công nghệ để thực hiến số hóa nền kinh tế của tính chưa hiệu quả. - Thúc đẩy chuyển đổi quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa sang giai đoạn mới chưa có nhiều đột phá đổi mới sáng tạo mới nên việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia còn gặp một số vướng mắc về chính sách, tỷ lệ giải ngân vốn chậm. Do đó, để khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức – là động lực thực sự thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh phát triển, thời gian tới cần chú trong thực hiện một số nội dung sau: Một là, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả hơn nữa khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Triển khai các chính sách hỗ trợ, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn; quan tâm hỗ trợ ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung (Bưởi Đoan Hùng, Hồng Gia Thanh, Nếp gà gáy, chè xanh chất lượng cao...). Hai là, tiếp tục chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp có trọng tâm, trọng điểm; thực hiện hiệu quả chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tập trung thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu về xây dựng nông thôn mới. Ba là, tập trung chỉ đạo, xử lý kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất công nghiệp. Tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất các ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi, giảm thuế, phí, lệ phí, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu. Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại, phát triển mạnh khu vực dịch vụ, nhất là dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Chỉ đạo đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, tăng cường kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm, thông tin thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và tiếp cận thị trường xuất khẩu mới. Tài liệu tham khảo (1) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 46, phần II, tr. 372 – 373 (2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, 2000, t.1, tr.15 – 16 (3) Báo cáo số 102/BC-SKHCN Báo cáo đánh giá kết quả hoạt động KH&CN năm 2023, Phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Phạm Thị Hiền Khoa Lý luận cơ sở | ||
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-dong-luc-thuc-day-nen-kinh-te-o-tinh-phu-tho-phat-trien-trong-giai-doan-hien-nay | ||
|