Thứ ba, 25.06.2024 GMT+7

Nghị quyết số 42-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 8 Khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội và sự vận dụng vào giảng dạy học phần Kinh tế chính trị Mác – Lênin


Nghị quyết 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 ra đời trên cơ sở đánh giá toàn diện kết quả thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 10/6/2012 về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020. Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, thể hiện ngày càng rõ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta; kinh tế, xã hội phát triển toàn diện và hài hòa hơn, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Nhận thức của hệ thống chính trị và Nhân dân về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của chính sách xã hội trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đầy đủ và sâu sắc hơn. Các chính sách xã hội không ngừng được hoàn thiện theo hướng tiến bộ và công bằng. Chính sách ưu đãi, tôn vinh đối với người có công với cách mạng được chú trọng, thực hiện tốt; chính sách giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả tích cực, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao; việc làm cho người lao động cơ bản được đảm bảo, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị thấp; chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng khẳng định vai trò trụ cột trong bảo đảm an sinh xã hội. Hệ thống cơ sở y tế, giáo dục, trợ giúp xã hội tiếp tục được đầu tư, mở rộng, nâng cao chất lượng góp phần bảo đảm giáo dục, y tế, nhà ở tối thiểu, nước sạch, thông tin cơ bản cho Nhân dân; người có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ kịp thời. 

Tuy nhiên, chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội vẫn còn một số hạn chế, yếu kém, chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Kết quả giảm nghèo có nơi, có lúc chưa vững chắc, nguy cơ tái nghèo còn cao, phân hoá giàu - nghèo có xu hướng gia tăng; đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên bị thiên tai; khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền còn lớn…

Trên cơ sở đánh giá thành tựu đạt được, cũng như những hạn chế, khó khăn, nhằm khắc phục những hạn chế và yếu kém của chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội, Nghị quyết số 42-NQ/TW đã đề ra những giải pháp trong giai đoạn mới để hướng tới thực hiện mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045: "Hệ thống chính sách xã hội phát triển toàn diện, bền vững, tiến bộ và công bằng, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho Nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước và xây dựng con người Việt Nam toàn diện. Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có chỉ số phát triển con người (HDI) cao trên thế giới".

Vận dụng Nghị quyết số 42-NQ/TW vào giảng dạy học phần Kinh tế chính trị Mác – Lênin, chương trình Trung cấp Lý luận chính trị

Học phần Kinh tế chính trị Mác- Lênin gồm 2 phần: Phần 1: Kinh tế chính trị về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa; Phần 2: Kinh tế chính trị về thời kỳ quá độ lên CNXH. 

Thứ nhất, trong phần 1: “Kinh tế chính trị về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa” giảng viên có thể lựa chọn nội dung trong Nghị quyết 42 – NQ/TW để vận dụng với từng nội dung phù hợp. 

Bài 12: Sản xuất hàng hóa và quy luật giá trị trong nền sản xuất hàng hóa

Trong nội dung "phần 4. Quy luật giá trị trong nền sản xuất hàng hóa" giảng viên có thể đưa những thành tựu trong thực hiện Chính sách xã hội của Việt Nam trong Nghị quyết 42 để khẳng định rõ hơn tính ưu việt của nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam trong thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, giảm sự phân hóa giàu nghèo, thực hiện các chính sách an sinh xã hội: " Trong hơn 10 năm qua, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thể hiện ngày càng rõ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta; kinh tế, xã hội phát triển toàn diện và hài hoà hơn, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Các chính sách xã hội không ngừng được hoàn thiện theo hướng tiến bộ và công bằng".

Bên cạnh đó có thể vận dụng để làm rõ hơn những ưu việt của sản xuất hàng hóa ở Việt Nam trong nội dung các bài 12, bài 13, bài 14 của phần 1. 

Thứ hai, trong phần 2: “KTCT về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” giảng viên có thể lựa chọn nội dung trong Nghị quyết 42 để vận dụng như sau:

Bài 15: Quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa từ trình độ phát triển kinh tế lạc hậu

Nội dung bài 15 khẳng định về tính tất yếu khách quan và khả năng quá độ lên chủ nghĩa xã hội từ trình độ phát triển kinh tế lạc hậu. Trong nội dung phần "1.1. Chủ nghĩa tư bản tất yếu sẽ được thay thế bằng chế độ kinh tế - xã hội mới tiến bộ hơn" có nội dung về những hạn chế của CNTB, giảng viên có thể bổ sung những thành tựu của chính sách xã hội ở Việt Nam để khẳng định tính công bằng của mô hình CNXH mà Việt Nam đã và đang xây dựng.

Bài 17: Những nhiệm vụ kinh tế cơ bản của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Bài 17 đưa ra những nhiệm vụ kinh tế cơ bản trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam bao gồm: Thực hiện phát triển lực lượng sản xuất; Từng bước xây dựng quan hệ sản xuất mới tiến bộ, phù hợp với yêu cầu phát triển trình độ lực lượng sản xuất mới; Mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc.

Trong đó, nhiệm vụ thứ hai, từng bước xây dựng quan hệ sản xuất mới tiến bộ, phù hợp với yêu cầu phát triển trình độ lực lượng sản xuất mới, Đảng ta có khẳng định nội dung qua các kỳ đại hội là: "Xây dựng và hoàn thiện một bước quan hệ sản xuất mới phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện công bằng xã hội". Giảng viên có thể vận dụng những thành tựu được đưa ra trong nghị quyết 42 để minh chứng cho việc cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện công bằng xã hội trong giai đoạn vừa qua và bổ sung những quan điểm, mục tiêu và giải pháp của Nghị quyết 42 – NQ/TW để bổ sung cho quan điểm của Đảng ta hiện nay trong thực hiện chính sách xã hội, đảm bảo hài hòa những lợi ích kinh tế và thực hiện các hình thức phân phối để hướng đến xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Việc vận dụng nội dung Nghị quyết 42-NQ/TW hội nghị TW 8 khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới" vào minh chứng cho nội dung bài giảng, giúp học viên thấy rõ hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng và phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ ở Việt Nam, đồng thời giúp học viên củng cố niềm tin vào con đường phát triển của đất nước, tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Th.S Bùi Thị Huyền

GV Khoa Lý luận cơ sở

 
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=nghi-quyet-so-42-nqtw-hoi-nghi-trung-uong-8-khoa-xiii-ve-tiep-tuc-doi-moi-nang-cao-chat-luong-chinh-sach-xa-hoi-va-su-van-dung-vao-giang-day-hoc-phan-kinh-te-chinh-tri-mac-lenin
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com