Bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bản in Lời kêu gọi thi đua ái quốc
(ảnh: thiduakhenthuong.vn.org.vn)
Trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc để khích lệ, kêu gọi, động viên toàn thể dân tộc phát huy tổng lực tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện. Sau chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông năm 1947, đất nước rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn: thù trong, giặc ngoài, nạn đói, nạn dốt hoành hành khắp nơi,… Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền đi như lời hiệu triệu, thôi thúc đồng bào và chiến sĩ cả nước đoàn kết một lòng, phát huy ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, ra sức thi đua, đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Từ đó, phong trào thi đua yêu nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, phát động và tổ chức thực hiện ngày càng phát triển, gắn liền với lịch sử và thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Từ những phong trào thi đua trước như: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Hũ gạo kháng chiến”, “Sóng Duyên Hải”,“Gió Đại Phong”, “Cờ Ba Nhất”… đến các phong trào hiện nay “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Thanh niên tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” và “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”… đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội, động viên mọi tầng lớp nhân dân cùng thi đua yêu nước. Ngày 11 tháng 6 hàng năm, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc trở thành ngày truyền thống thi đua yêu nước ở nước ta.
Ảnh: kkt.kontum.gov.vn
Trong thời kỳ đổi mới đất nước, nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng, về tổ chức các phong trào thi đua yêu nước đã được ban hành và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu đất nước trong tình hình mới, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.
Đảng đã ban hành nhiều chỉ thị về công tác thi đua, khen thưởng, như: Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 03/6/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến; Chỉ thị số 19/CT-TW, ngày 22/12/2007, Bộ Chính trị (khóa IX) về việc kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc; Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 23/01/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 16/7/2021 về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội hằng năm và Kế hoạch 5 năm (2021-2025) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng...
Quốc hội đã ban hành Luật Thi đua, Khen thưởng (2003); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng (2013); Luật Thi đua, Khen thưởng (2022).
Chính phủ đã ban hành các văn bản về công tác thi đua, khen thưởng: Quyết định số 38/1999/QĐ-TTg ngày 06/3/1999 của Thủ tướng Chính phủ và Bản quy định về đối tượng, tiêu chuẩn Anh hùng thời kỳ đổi mới và các danh hiệu thi đua khác; Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng; Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng; Nghị định số 98/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính Phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Thi đua, Khen thưởng…
Những chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng trong thời kỳ đổi mới đã tiếp bước và góp phần phát triển mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từng bước phát huy được tài dân, sức dân trong sự nghiệp xây dựng đất nước trong thời đại toàn cầu và hội nhập quốc tế.
Suốt 76 năm qua, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta luôn nỗ lực học tập, vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thấm nhuần Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Người để thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, công tác thi đua, khen thưởng góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị và hướng tới hoàn thành mục tiêu xây dựng xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, xây dựng đất nước Việt Nam ngày một hùng cường, thịnh vượng./.
ThS. Nguyễn Việt Hà
Khoa Lý luận cơ sở