Thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, buộc phải rút về nước từ tháng 1 năm 1973 nhưng Mỹ vẫn không từ bỏ âm mưu đối với Việt Nam bằng cách tiếp tục viện trợ cho chính quyền Ngụy Sài Gòn. Ngay sau khi trúng cử tổng thống Mỹ năm 1974, tổng thống Mỹ Ford đã đề nghị viện trợ gấp cho Sài Gòn, nếu không Sài Gòn sẽ thất thủ số tiền hơn 700 triệu USD nhưng bị bác bỏ. Sự suy giảm nguồn viện trợ đã khiến chính quyền Ngụy lâm vào khó khăn, đây là những thời cơ vô cùng thuận lợi cho cách mạng Việt Nam tiến công giành quyền chủ động trên chiến trường.
Tháng 3 năm 1974, Quân ủy Trung ương họp hội nghị quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng với chủ trương xoay chuyển nhanh chóng tình thế cách mạng ở miền Nam, làm thay đổi hẳn cục diện chiến trường ở miền Nam có lợi cho ta. Đảng nhận định: thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến và quyết định đẩy nhanh thực hiện kế hoạch đã đề ra.
Ban Quân ủy Trung ương theo dõi diễn biến của chiến dịch Tây Nguyên
giải phóng Tây Nguyên, tháng 3-1975 (ảnh: TTXVN)
Với nhãn quan chính trị nhạy bén, xác định chính xác những địa điểm trọng yếu của chính quyền Ngụy nhưng lại có nhiều sơ hở, Đảng đã quyết định lựa chọn hướng chiến lược mở màn cho kế hoạch giải phóng miền Nam là Tây Nguyên và “trước hết đánh Buôn Ma Thuột vì đây là thị xã lớn nhất. là nơi hiểm yếu và cũng là nơi sơ sở nhất”. Bộ tư lệnh chiến dịch tây Nguyên đã chỉ đạo chi các đơn vị thực một chiến dịch nghi binh tuyệt đối bí mật và chỉ đạo cho một số đơn vị lực lượng vũ trang chủ đạo ăn Tết trước, sau đó bí mật hành quân vào vị trí tập kết chiến dịch, đồng thời cho quân đánh mạnh vào Pleiku và Kontum nhằm đánh lạc hướng theo dõi của tình báo phía Việt Nam cộng hòa. Để thực hiện thành công kế hoạch nghi binh và tấn công của mình. Quân giải phóng đã huy động được sự hỗ trợ lớn lao từ đồng bào dân tộc Tây Nguyên, từ hỗ trợ làm đường, cung cấp vật lực đến tuyên truyền các tin đồn không đúng khiến mật thám của Mỹ và chính quyền sài Gòn không phán đoán được kế hoạch tác chiến của ta. 14h ngày 28/2/1975, trận đánh nghi binh lừa Ngụy mở màn chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu. Những hoạt động nghi binh của quân giải phóng thời gian qua đã khiến chính quyền Ngụy tin rằng sẽ có trận chiến ác liệt ở thị xã Pleiku, Kontum nên tập trung dồn lực lượng tập trung tại đây ứng chiến. Trong khi đó, 2 giờ sáng ngày 10/3/1975 quân giải phóng bất ngờ đánh úp thị xã Buôn Ma Thuột, chính quyền Ngụy bị kìm kẹp ở hai mặt trận Pleiku, Kontum, không thể ứng cứu. Ngày 11/3/1975, Buôn Ma Thuột đã hoàn toàn giải phóng. Việc Buôn Ma Thuột thất thủ đã làm chấn động toàn miền nam, lan tới nhà Trắng và Lầu Năm góc Mỹ, tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn văn Thiệu đã vội ký lệnh “tử thủ Buôn Ma Thuột” và yêu cầu phải nhanh chóng tái chiếm Buôn Ma Thuột nhằm lấy lại niềm tin của Mỹ, kéo dài sự viện trợ Mỹ với chính quyền Ngụy. Tuy nhiên, với khí thế cách mạng dâng cao, quần giải phóng Việt Nam đã nhanh chóng, ồ ạt tấn công các cứ điểm tiếp theo. Đến ngày 26/3/1975, toàn bộ quân Việt Nam Cộng hòa đã rút chạy khỏi Tây Nguyên. Tây Nguyên được hoàn toàn giải phóng.
Kết thúc chiến dịch Tây Nguyên, quân, dân miền Nam đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng rút chạy trên đường số 7, tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 2, Quân khu II quân đội Sài Gòn, loại khỏi vòng chiến đấu trên 28.000 tên địch, thu và phá hủy 154 máy bay, 1.096 xe quân sự, giải phóng năm tỉnh (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Phú Bổn, Quảng Đức) và một số tỉnh ở duyên hải Nam Trung Bộ, khiến thế lực của chính quyền Việt Nam cộng hòa bị suy yếu. Chiến dịch Tây Nguyên kết thúc thắng lợi, mở ra bước đột phá mới về mặt chiến lược. Ngày 24/3/1975, Bộ Chính trị họp nhận định: cuộc tổng tiến công chiến lược của ta đã bắt đầu với chiến dịch tây Nguyên, ta cần nắm bắt thời cơ ra quyết định quan trọng, tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí, kỹ thuật và vật chất, giải quyết Sài Gòn trước mùa mưa.
Có thể nói, thắng lợi to lớn của Chiến dịch Tây Nguyên đã tạo ra sự thay đổi căn bản về so sánh lực lượng, ta hoàn toàn giành thế chủ động chiến lược, còn địch bị suy sụp và tan rã về chiến lược, dẫn đến co cụm và bị động đối phó trên các chiến trường. Chiến thắng Tây Nguyên đã mở ra thời cơ tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam để quân và dân ta tiếp tục thực hiện các đòn tiến công quân sự lớn trên các mặt trận Huế - Đà Nẵng, sau này là chiến dịch Hồ Chí Minh đi đến thắng lợi, kết thúc hoàn toàn 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đưa nước ta bước vào thời kỳ độc lập, thống nhất, hòa bình và phát triển.
Th.S Hoàng Thị Phương Thảo
Khoa Xây dựng Đảng