| ||
Vận dụng các quy định của Luật Đất đai 2024 về thu hồi đất vào giảng dạy học phần Quản lý hành chính nhà nước trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị | ||
Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, tạo cơ sở pháp lý cho quá trình quản lý và sử dụng đất khoa học, tiết kiệm và hiệu quả, ngày 18 tháng 01 năm 2024, Luật Đất đai số 31/2024/QH14 được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Các quy định về thu hồi đất trong Luật Đất đai 2024 có nhiều điểm mới so với Luật Đất đai 2013. Bài viết đề cập đến nội dung và cách thức vận dụng các quy định mới của Luật Đất đai 2024 về thu hồi đất vào giảng dạy các học phần do Khoa Nhà nước và pháp luật đảm nhiệm. Khoa Nhà nước và pháp luật – Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ đảm nhiệm các học phần trong chương trình trung cấp lý luận chính trị trong đó có học phần Quản lý hành chính nhà nước. Việc nghiên cứu, cập nhật, vận dụng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào giảng dạy sẽ giúp cho giảng viên củng cố kiến thức lý luận, mở rộng kiến thức thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong quá trình soạn, giảng các bài học trong chương trình trung cấp lý luận chính trị, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của trường Chính trị tỉnh Phú Thọ. Học phần Quản lý hành chính nhà nước trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản về quản lý hành chính nhà nước nói chung và quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, ngân sách nhà nước, đất đai … Do vậy kết quả nghiên cứu những quy định của Luật Đất đai 2024 có thể được sử dụng vào giảng dạy nhiều bài giảng: Quản lý cán bộ, công chức ở cơ sở, Quản lý hoạt động kinh tế ở cơ sở, … nhưng chủ yếu sẽ được sử dụng vào giảng dạy bài 4. Quản lý nhà nước đối với đất đai, địa giới hành chính và xây dựng ở cơ sở. Để nâng cao chất lượng các bài giảng trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị, giảng viên chú ý vận dụng các quy định của Luật Đất đai 2024 về thu hồi đất vào giảng dạy học phần Quản lý hành chính nhà nước, cụ thể là: Trong quá trình soạn giảng bài 4. Quản lý nhà nước đối với đất đai, địa giới hành chính và xây dựng ở cơ sở, đặc biệt là mục 1. Quản lý nhà nước đối với đất đai, giảng viên cần cập nhật những điểm mới trong quy định của Luật Đất đai 2024 nói chung và những quy định của Luật này về thu hồi đất, cụ thể là: vận dụng vào soạn, giảng mục 1.1.4. Nội dung quản lý nhà nước đối với đất đai và soạn giảng mục 1.1.5. Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước đối với đất đai. Khi soạn giảng hai mục này, giảng viên cần giới thiệu các nội dung quản lý nhà nước đối với đất đai được quy định trong Luật Đất đai 2024. Bên cạnh đó cũng cần nhấn mạnh: Kể từ ngày 01/01/2025, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý đối với đất đai sẽ thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước về đất đai bao gồm: “Ban hành, tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai; Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hợp tác quốc tế trong quản lý, sử dụng đất đai; Xác định địa giới đơn vị hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính; Đo đạc, chỉnh lý, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ quy hoạch sử dụng đất và các bản đồ chuyên ngành về quản lý, sử dụng đất; Điều tra, đánh giá và bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đai; Lập, điều chỉnh, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, công nhận quyền sử dụng đất, trưng dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Điều tra, xây dựng bảng giá đất, giá đất cụ thể, quản lý giá đất; Quản lý tài chính về đất đai; Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, trưng dụng đất; Phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất; Đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính; cấp, đính chính, thu hồi, hủy giấy chứng nhận; Thống kê, kiểm kê đất đai; Xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai; Quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; Giải quyết tranh chấp đất đai; giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai; Cung cấp, quản lý hoạt động dịch vụ công về đất đai; Thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai”(1). Trên cơ sở giới thiệu những hoạt động thuộc nội dung quản lý nhà nước đối với đất đai, lồng ghép giới thiệu về hệ thống cơ quan quản lý nhà nước đối với đất đai, giảng viên phân tích những nội dung về thu hồi đất và trưng dụng đất và theo quy định mới trong Luật Đất đai 2024 như sau: Một là, về các trường hợp thu hồi đất: Khi soạn, giảng các trường hợp thu hồi đất, giảng viên cần nhấn mạnh: Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được phép thu hồi đất khi thuộc các trường hợp được pháp luật quy định, đồng thời giới thiệu các trường hợp thu hồi đất theo Luật Đất đai năm 2024 bao gồm: Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh” (10 trường hợp) (2); “Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” (bao gồm 31 trường hợp) (3). Trong khi Luật Đất đai 2013 chỉ quy định ba trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích công cộng(4) và ba căn cứ thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (5), Luật Đất đai 2024, bên cạnh việc quy định rõ các trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, cũng đã quy định rõ 04 căn cứ, điều kiện thu hồi đất chung với trường hợp phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích công cộng và vì mục đích quốc phòng, an ninh (6). Thu hồi đất trong trường hợp vi phạm pháp luật: việc quy định thu hồi đất trong trường hợp này là hết sức cần thiết làm cơ sở cho một hoạt động quan trọng trong quản lý nhà nước về đất đai, đó là kiểm tra, xử phạt và cưỡng chế. Luật Đất đai 2024 đã quy định rõ hơn các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai với 8 trường hợp (7) để làm cơ sở pháp lý cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người, không còn khả năng tiếp tục sử dụng (8), mỗi trường hợp đó đều dựa trên các căn cứ thu hồi đất (9), đặc biệt, Luật cũng bổ sung “Trường hợp thu hồi đất do có nguy cơ đe dọa tính mạng con người hoặc không còn khả năng tiếp tục sử dụng”. Hai là, về thẩm quyền thu hồi đất và xử lý trường hợp thu hồi đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản công: Khi phân tích nội dung quản lý nhà nước đối với đất đai, giảng viên cần phân tích để học viên nắm rõ: Việc thu hồi đất chỉ được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước được trao quyền theo quy định của Luật Đất đai 2024. Thẩm quyền thu hồi đất cũng như xử lý trong trường hợp thu hồi đất và các tài sản gắn liền với đất là tài sản công thuộc về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định (10). Sau đó cần nêu cụ thể các trường hợp thu hồi đất thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân mỗi cấp. Ngoài ra, cần lưu ý học viên: Trong trường hợp thu hồi đất liên quan đến quốc phòng, an ninh, còn có sự phối hợp của các cơ quan có liên quan như: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (đối với đất quốc phòng), Bộ trưởng Bộ Công an (đối với đất an ninh), Bộ Tài nguyên Môi trường… và phải tuân thủ quy định của Luật (11). Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trước khi ban hành quyết định thu hồi đất, phải gửi thông báo thu hồi đất cho người có đất bị thu hồi theo quy định pháp luật. Người có đất bị thu hồi có trách nhiệm chấp hành quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (12). Ba là, về việc thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quản lý, khai thác, sử dụng quỹ đất đã thu hồi: Khi soạn giảng nội dung này, những vấn đề giảng viên cần xác định rõ bao gồm: Trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quản lý, khai thác, sử dụng quỹ đất đã thu hồi thuộc về Uỷ ban nhân dân cấp huyện, các đơn vị, tổ chức có liên quan (13) Trình tự, thủ tục thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng gồm: Tổ chức họp với người có đất trong khu vực thu hồi để phổ biến, tiếp nhận ý kiến về các nội dung(14); Thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm(15); Lập, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư(16); Phổ biến, niêm yết, gửi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đến từng người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; Thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Thực hiện các hoạt động theo quy định trong trường hợp người có đất thu hồi không đồng ý hoặc không phối hợp(17); Thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong trường hợp người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không bàn giao đất cho đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư(18); Ban hành quyết định thu hồi đất; Quản lý đất đã được thu hồi trong khi chưa giao đất, cho thuê đất. Bốn là, về việc cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất: Khi soạn, giảng về nội dung này, giảng viên cần phân tích về các nguyên tắc cần bảo đảm(19); điều kiện cưỡng chế(20); thẩm quyền; trình tự, thủ tục, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm điểm bắt buộc(21) và việc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất(22). Trên đây là nội dung và cách thức vận dụng các quy định của Luật Đất đai 2024 về thu hồi đất vào giảng dạy học phần Quản lý hành chính nhà nước. Để giảng dạy hiệu quả học phần Quản lý hành chính nhà nước, mỗi giảng viên Khoa Nhà nước và pháp luật cần thống nhất nhận thức: Nghiên cứu, cập nhật các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước là nhiệm vụ thường xuyên của đội ngũ giảng viên trường Chính trị tỉnh, do vậy, cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc vận dụng các quy định pháp luật mới vào giảng dạy các bài học trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị nhằm nâng cao trình độ chuyên môn của bản thân, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường trong những năm tới. Th.S Trần Thu Thuỷ Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật Tài liệu tham khảo: (1): Điều 20 Luật Đất đai 2024. (2),(3),(4),(5),(6),(7),(8),(9),(10),(11),(12),(13),(14),(15),(16),(17),(18), (19),(20),(21), (22): Luật Đất đai 2024, từ Điều 78 đến Điều 90 Luật Đất đai 2024. | ||
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=van-dung-cac-quy-dinh-cua-luat-dat-dai-2024-ve-thu-hoi-dat-vao-giang-day-hoc-phan-quan-ly-hanh-chinh-nha-nuoc-trong-chuong-trinh-trung-cap-ly-luan-chinh-tri | ||
|