Thứ sáu, 05.04.2024 GMT+7

CUỐN SÁCH PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC, XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC TA NGÀY CÀNG GIÀU MẠNH, VĂN MINH, HẠNH PHÚC CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG LÀ TÀI LIỆU QUÝ TRONG SOẠN, GIẢNG

Cuốn sách Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã minh chứng thuyết phục về sự chỉ đạo rất sâu sát, cụ thể của người đứng đầu Đảng ta đối với từng giai cấp, tầng lớp, các tổ chức, với nhân dân Việt Nam trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài. Cuốn sách là cẩm nang giá trị về xây dựng và phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc và là tài liệu quý trong soạn, giảng bài Công tác dân vận của tổ chức cơ sở đảng thuộc học phần Xây dựng Đảng (chương trình Trung cấp lý luận chính trị).

Từ khoá: Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Công tác dân vận; Trung cấp lý luận chính trị.

Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”1, có được những thành tựu đó, một phần quan trọng là Đảng đã làm tốt công tác dân vận để quy tụ, đoàn kết, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, gắn liền với từng bước trưởng thành của Đảng, công tác dân vận về thực chất là xây dựng, củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, giữa nhân dân với Đảng và đã trở thành một truyền thống cực kỳ quý báu, tốt đẹp của Đảng ta. Đối với các tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ), công tác dân vận vừa là nội dung, nhiệm vụ, vừa là một phương thức lãnh đạo không thể thiếu.

Trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị, bài Công tác dân vận của tổ chức cơ sở đảng thuộc phần học Xây dựng Đảng. Qua nội dung bài học, học viên được trang bị những vấn đề chung về công tác dân vận, về thực trạng công tác dân vận của tổ chức cơ sở đảng hiện nay và quan điểm công tác dân vận của Đảng và nhiệm vụ, giải pháp tăng cường, đổi mới công tác dân vận của TCCSĐ. Tuy nhiên, như tiêu đề trong phần nội dung thứ nhất của bài "Những vấn đề chung về công tác dân vận", trong khuôn khổ nội dung bài học đề cập những vấn đề về khái niệm, nội dung, phương thức và vai trò công tác dân vận của TCCSĐ, chưa đề cập và đi sâu những vấn đề cụ thể: từng chủ thể, từng đối tượng công tác dân vận của TCCSĐ. Khi đánh giá thực trạng, Đảng cũng đã thẳng thắn thừa nhận một trong những hạn chế, khuyết điểm công tác dân vận của TCCSĐ những năm qua, đó là "phương pháp vận động, tập hợp nhân dân chưa phù hợp với từng đối tượng, nhất là đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, thanh niên, đồng bào có tôn giáo; việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tập hợp, phát triển đoàn viên, hội viên còn đơn điệu, chưa thu hút được đông đảo nhân dân; xây dựng củng cố khối đại đoàn kết dân tộc chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới"2. Điều này đặt ra yêu cầu về việc nghiên cứu thêm những vấn đề về chủ thể, đối tượng cụ thể của công tác dân vận, giúp mở rộng hơn, sâu hơn nội dung bài học và giúp ích hữu hiệu trong việc tìm hiểu và thực hành công tác dân vận của TCCSĐ. Cuốn sách Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tài liệu quý, giúp giải quyết được vấn đề trên.

Xuyên suốt 3 phần nội dung cuốn sách là sự tiếp nối tư duy nhất quán của người đứng đầu Đảng ta về xây dựng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, được minh chứng qua việc thực hiện phong phú, với sự chỉ đạo rất sâu sát, cụ thể của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với từng giai cấp, tầng lớp, với các tổ chức, với nhân dân Việt Nam trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Điểm tương đồng để quy tụ, khơi dậy và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chính là mục tiêu “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại… phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa"3 làm điểm tương đồng, để động viên, cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân, huy động mọi nguồn lực, tranh thủ mọi thời cơ, sự đóng góp của nhân dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong công tác dân vận cần xác định đây là mục tiêu lớn nhất, là điểm tương đồng lớn nhất của toàn dân, nếu biết khơi dậy đúng cách sẽ có sức cuốn hút, lay động lòng người, là lời hiệu triệu toàn dân, nhân lên lòng tự hào, tự tôn, ý chí của cả dân tộc.

Tổng Bí thư khẳng định: xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là trách nhiệm của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội là nòng cốt. Do đó, có thể hiểu, đây cũng chính là các lực lượng giữ vai trò chủ thể làm công tác dân vận. Thực hiện công tác dân vận của TCCSĐ, Mặt trận Tổ quốc các cấp, cán bộ Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp tiếp tục gắn bó sâu sát hơn nữa với cơ sở, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình hình của nhân dân. Công đoàn nỗ lực hơn nữa để xây dựng giai cấp công nhân xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, tổ chức công đoàn vững mạnh. Hội Nông dân Việt Nam tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân và xây dựng nông thôn mới. Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cần phấn đấu xây dựng một lớp thanh niên có tâm, có trí, có tài, xung kích, dũng cảm, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng trong giai đoạn mới. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam, luôn phấn đấu vươn lên, đóng góp xây dựng đất nước. Hội Cựu chiến binh động viên mỗi cựu chiến binh, cựu quân nhân phát huy truyền thống vẻ vang “Bộ đội Cụ Hồ”, tiếp tục đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Khi những tổ chức này làm tốt chức năng của mình, tức là đã làm tốt công tác dân vận, vừa giúp Đảng, Nhà nước hiểu dân, vừa giúp dân hiểu Đảng, tin Đảng, theo Đảng và ủng hộ pháp luật, chính sách của Nhà nước, hiểu cấp ủy và chính quyền địa phương; củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước, cấp ủy và chính quyền địa phương với nhân dân ở cơ sở.

Trong 34 bài nói, bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn, thư, lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với các tầng lớp nhân dân, trong các chuyến thăm, làm việc tại cơ sở, thuộc phần thứ ba của cuốn sách, đã cho thấy sự cần thiết và phương thức để phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân, các địa phương, đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc đổi mới đất nước. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc”4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc. Đồng chí Tổng Bí thư cũng dành sự quan tâm sâu sát với đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân; đồng bào các tôn giáo và với những người Việt Nam ở nước ngoài. Trong các chuyến thăm và làm việc tại địa phương, cơ sở, đồng chí Tổng Bí thư luôn dành tình cảm đến thăm các Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công với cách mạng, gặp gỡ, lắng nghe nhân dân, thăm hỏi đồng bào; động viên những người có hoàn cảnh khó khăn, gặp gỡ, trò chuyện với các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng,...với tình cảm trân quý; đồng thời kêu gọi các giai tầng xã hội luôn luôn nêu cao tinh thần yêu nước, truyền thống “con Lạc, cháu Hồng”, lòng tự hào, tự tôn dân tộc để đóng góp xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Khi tiến hành công tác dân vận của TCCSĐ đều có thể hướng đến từng đối tượng cụ thể như Tổng Bí thư đã nêu trong cuốn sách sẽ giúp huy động tập hợp nhân dân ở cơ sở thành lực lượng to lớn để thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của địa phương.

Qua nhiều bức ảnh chụp đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các giới, các tỉnh, thành phố trong cả nước... đã cho thấy sự quan tâm, ân cần, gần gũi của Người đứng đầu Đảng ta với nhân dân. Đối với giảng viên lên lớp và đối với cán bộ cơ sở, đều có thể lấy những hình ảnh này để minh hoạ, để phác hoạ hình mẫu của người cán bộ làm công tác dân vận ở cơ sở.

Cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” là tài liệu quan trọng giúp giảng viên soạn, giảng bài Công tác dân vận của TCCSĐ hiện nay. Giảng viên cần nghiêm túc nghiên cứu, vận dụng và học viên học tập, quán triệt, vận dụng hiệu quả nội dung cuốn sách vào thực tiễn công tác để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh.

Tài liệu tham khảo

1.3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, Tập 1, trang 25, 111.

2. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2021), Xây dựng Đảng (Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị), Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, trang 221.

4. Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tr.393.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=cuon-sach-phat-huy-truyen-thong-dai-doan-ket-toan-dan-toc-xay-dung-dat-nuoc-ta-ngay-cang-giau-manh-van-minh-hanh-phuc-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-la-tai-lieu-quy-trong-soan-giang
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com