Thứ hai, 01.04.2024 GMT+7

Nghiên cứu, vận dụng Nghị quyết số 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới

Chính sách xã hội là bộ phận của hệ thống chính sách phát triển quốc gia về mọi mặt của đời sống xã hội; được cụ thể hóa theo chủ trương, đường lối của Đảng và được đặt trong khuôn khổ hiến pháp, pháp luật của Nhà nước. Từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội; coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững đất nước, đảm bảo ổn định chính trị - xã hội.

     Trong hơn 10 năm qua, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thể hiện ngày càng rõ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Tuy nhiên, chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội vẫn còn một số hạn chế, yếu kém, chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, yếu kém, ngày 24/11/2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới”. Nghị quyết đã tập trung làm rõ quan điểm, mục tiêu và đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Để nghị quyết đi vào cuộc sống, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân ta cần nghiên cứu, vận dụng và triển khai thực hiện hiệu quả nội dung nghị quyết này. Đối với giảng viên khoa Lý luận cơ sở Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ nói chung, đội ngũ giảng viên đang trực tiếp giảng dạy phần học “Nội dung cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa học, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” nói riêng, việc nghiên cứu, vận dụng nghị quyết số 42-NQ/TW vào trong quá trình giảng dạy là hết sức cần thiết.

     Phần học Chủ nghĩa xã hội khoa học trong Chương trình Trung cấp lý luận chính trị gồm 04 bài, cụ thể gồm: Bài 18. Một số quy luật, phạm trù cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa học đã tập trung làm rõ từ phạm trù trung tâm “Sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân” và các quy luật chính trị - xã hội để hiện thực hóa nó. Bài 19. Cách mạng xã hội chủ nghĩa, nội dung bài học cho chúng ta thấy rõ về những lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về cách mạng xã hội chủ nghĩa và sự vận dụng sáng tạo của Đảng cộng sản Việt Nam cùng những triển vọng của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Bài 20. Chủ nghĩa xã hội hiện thực từ năm 1919 đến 1991, cho thấy quá trình ra đời, phát triển của chủ nghĩa xã hội hiện thực; những thành tựu hạn chế chủ yếu và nguyên nhân khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội hiện thực; từ đó, rút ra bài học đối với Việt Nam trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay. Bài 21. Cải cách, đổi mới chủ nghĩa xã hội từ năm 1991 đến nay, đã chỉ rõ được tính tất yếu cuộc cải cách, đổi mới trong xây dựng chủ nghĩa xã hội thế giới và Việt Nam từ những thập kỷ cuối của thế kỷ XX đến nay.  

     Trong quá trình giảng dạy phần học này, giảng viên cần nghiên cứu, vận dụng các quan điểm, nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam vào các bài giảng, tiết giảng tăng tính khoa học, tính hiệu quả và tính thực tiễn của bài học. Trong đó, có thể vận dụng nội dung Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 24/11/2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới” vào một số nội dung của phần học như:

     Nghị quyết đã xác định quan điểm thứ nhất: “Chính sách xã hội là chính sách chăm lo cho con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển bền vững đất nước; là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn xã hội; thể hiện đặc trưng, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa; tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm chính sách xã hội; tạo điều kiện để nhân dân được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Giảng viên vận dụng nội dung quan điểm này khi giảng dạy nội dung mục 1.2.3. Nội dung cách mạng xã hội chủ nghĩa ở bài 19 để làm rõ hơn việc xây dựng con người xã hội chủ nghĩa theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn còn nguyên giá trị. Vấn đề xây dựng con người xã hội chủ nghĩa được Đảng ta đặc biệt coi trọng, ngay trong quan điểm đầu tiên của Nghị quyết Đảng ta nhấn mạnh “Chính sách xã hội là chính sách chăm lo cho con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển bền vững đất nước” xây dựng con người là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn xã hội.

     Đồng thời, quan điểm này cũng có thể vận dụng vào mục 1.1. Quan niệm chủ nghĩa xã hội hiện thực, đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội hiện thực thuộc bài 20. Chủ nghĩa xã hội hiện thực từ năm 1919 đến 1991, về xây dựng con người trong xã hội chủ nghĩa theo những nguyên tắc, phương thức mới. Con người có đầy đủ tố chất về năng lực, phẩm chất, lối sống cao đẹp để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trong bài 22. Đặc trưng của xã hội, xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, có thể vận dụng nghị quyết số 42-NQ/TW vào mục 2.1. Đặc trưng của xã hội, xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam với nội dung nêu trong nghị quyết là “thể hiện đặc trưng, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa”, qua đó cho thấy đặc trưng của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được Đảng ta khẳng định thêm một lần nữa để có thể tránh được nhưng sai lầm khi xây dựng con người xã hội xã hội chủ nghĩa.

     Quan điểm thứ 2 trong nghị quyết cũng đã đánh giá tính cấp thiết phải đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội trong giai đoạn hiện nay; xuất phát từ cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn. Cần vận dụng nội dung này vào phần “2. Thành tựu, hạn chế, khủng hoảng và bài học kinh nghiệm của chủ nghĩa xã hội hiện thực từ 1917 - 1991 - thuộc nội dung bài 20 chủ nghĩa xã hội hiện thực từ 1917 - 1991”. Với nội dung cụ thể được đề cập như sau: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các Nghị quyết đều đặt ra các yêu cầu hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng hệ thống luật pháp, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là chính sách xã hội; yêu cầu lấy người dân làm trung tâm, tất cả vì lợi ích của người dân. Qua sự liên hệ vận dụng đó chúng ta có thể nhận thấy rõ hơn, cụ thể hơn về sự cần thiết của việc đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội trong xây dựng chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn mà nhân loại đang chuyển mình bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của nền công nghiệp 5.0.

     Quan điểm thứ ba đã chỉ rõ: “Đầu tư cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển. Chú trọng huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực đúng mục tiêu, phù hợp với khả năng của nền kinh tế, thu nhập của nhân dân, trong đó nguồn lực nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nguồn lực của xã hội là quan trọng; kết hợp nguồn lực trong nước và ngoài nước. Đổi mới công tác quản lý nhà nước; tăng cường phân cấp, phân quyền; phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Nhà nước, tư nhân, tổ chức xã hội, cộng đồng và nhân dân trong quản lý phát triển xã hội bền vững”.

     Nội dung này giảng viên có thể vận dụng vào giảng dạy ở bài 18, khi phân tích về khối liên minh công - nông - trí thức trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở vận dụng quan điểm của nghị quyết, giảng viên giúp người học thấy được sự cần thiết khi thực hiện khối liên minh, cũng như việc thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.

     Việc vận dụng Nghị quyết số 42-NQ/TW vào soạn giảng phần học Chủ nghĩa xã hội khoa học đòi hỏi mỗi giảng viên phải nâng cao ý thức trách nhiệm; tích cực, chủ động nghiên cứu toàn diện, nắm bắt đúng đắn và đầy đủ tinh thần, nội dung của Nghị quyết và vận dụng vào từng nội dung cụ thể trong bài giảng một cách linh hoạt và phù hợp.

     Có thể khẳng định rằng, việc vận dụng các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII vào giảng dạy lý luận chính trị là một yêu cầu cần thiết và nhiệm vụ thường xuyên của giảng viên khoa Lý luận cơ sở nói riêng và giảng viên Trường Chính trị tỉnh nói chung; đảm bảo gắn lý luận với thực tiễn và góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của nhà trường.

ThS. Phạm Thị Hiền

Khoa Lý luận cơ sở

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=nghien-cuu-van-dung-nghi-quyet-so-42-nqtw-ve-tiep-tuc-doi-moi-nang-cao-chat-luong-chinh-sach-xa-hoi-dap-ung-yeu-cau-xay-dung-va-bao-ve-to-quoc-trong-giai-doan-moi
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com