| ||
Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ - Một hướng đi đúng đắn nhằm thực hiện khâu đột phá của tỉnh Phú Thọ | ||
Phú Thọ mảnh đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam, nơi các vua Hùng lựa chọn là nơi đóng đô của nhà nước Văn Lang - nhà nước đầu tiên trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, nơi hội tụ các giá trị văn hóa Văn Lang - Âu Lạc gắn với thời đại Hùng Vương, một địa chỉ du lịch tâm linh mà bất cứ người Việt Nam nào, ở bất cứ đâu đều hướng về với mong muốn được đến tham quan và tri ân những người đã có công dựng nước, trở thành truyền thống của dân tộc Việt Nam, thể hiện qua câu ca đã có hàng ngàn năm “ Dù ai đi ngược về xuôi nhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng Ba”. Là tỉnh trung du, miền núi, nằm ở vị trí trung tâm vùng, nơi chuyển tiếp giữa miền núi phía Bắc và đồng bằng Bắc Bộ, nơi hợp lưu của ba con sông: Sông Thao, sông Lô, sông Đà, được bao bọc giữa hai dãy núi Tam Đảo và Ba Vì, tựa lưng vào vùng đồi núi san sát như bát úp phần cuối của dãy Hoàng Liên Sơn. Với nhiều cảnh quan được thiên nhiên ban tặng đã làm nên một Phú Thọ ở vị trí đắc địa với nhiều danh lam thắng cảnh như: Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Ngã ba Bạch Hạc, Ao Giời Suối Tiên, Đầm Ao Châu, Đầm Vân Hội, mỏ nước khoáng nóng Thanh Thủy, đặc biệt là Vườn Quốc gia Xuân Sơn, vườn Quốc gia duy nhất có rừng nguyên sinh trên núi đá vôi (2.432 ha) được đánh giá là rừng có đa dạng sinh thái phong phú, đa dạng sinh học cao, đa dạng địa hình kiến tạo nên đa dạng cảnh quan. là tài nguyên du lịch tự nhiên vô cùng quý báu để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và khám phá. Để phát huy những tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ khóa XIX đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là: Đa dạng các loại hình dịch vụ chất lượng cao, phát triển du lịch theo chiều sâu từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tân Sơn là một huyện miền núi thuộc tỉnh Phú Thọ, được thành lập theo Nghị định số 61/2007/NĐ-CP ngày 09/04/2007 của Chính phủ, dân số chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, điều kiện phát triển kinh tế- xã hội còn nhiều khó khăn, tuy nhiên trên địa bàn huyện có rất nhiều xã có tiềm năng phát triển du lịch, trong đó có xã Xuân Sơn là một xã vùng sâu, vùng xa được bao bọc bởi Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Vườn Quốc Gia Xuân Sơn có tổng diện tích gần 33.700 ha, trong đó vùng lõi hơn 15.000 ha, đứng thứ 12 trong số 15 vườn Quốc gia lớn nhất Việt Nam. Trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh Phú Thọ, Xuân Sơn được xác định là điểm du lịch hấp dẫn không chỉ của riêng tỉnh Phú Thọ mà còn của cả vùng Tây Bắc với nhiều giá trị về cảnh quan, địa chất, hệ sinh thái đa dạng và sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú với diện tích rừng đặc dụng rộng hàng nghìn ha với nhiều hang động, thác nước và nhiều cảnh quan đẹp. Trên địa bàn xã Xuân Sơn hiện có 319 hộ dân sinh sống, với 1.274 nhân khẩu, được chia thành 4 khu dân cư: Lạng, Dù, Lấp, Cỏi, trong đó dân tộc Dao chiếm 50,3%, dân tộc Mường chiếm 48,4%; còn 1,3% là các dân tộc khác. Đây chính là nơi lưu trữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Dao, Mường. Với những tiềm năng này, Xuân Sơn được xác định là điểm đến phù hợp để phát triển về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá và nghiên cứu khoa học. Thực hiện những định hướng phát triển kinh tế- xã hội của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và huyện. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Xuân Sơn lần thứ V, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng kết cấu hạ tầng then chốt; phát triển du lịch cộng đồng, phát triển nông sản phục vụ du lịch và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong 3 nhiệm vụ trên, phát triển du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái là một giải pháp góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo cho người dân trên địa bàn. Trên cơ sở các nhiệm vụ trong tâm, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Xuân Sơn đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân tích cực đầu tư các nguồn lực để phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền từ tỉnh đến huyện, với lãnh đạo Vườn Quốc gia Xuân Sơn, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư, đầu tư nâng cấp các dịch vụ và các hoạt động du lịch, cải tạo, sửa sang các hạng mục công trình như: Đường giao thông, điểm dừng chân, xây dựng biểu tượng cổng chào làng du lịch cộng đồng; xây dựng hệ thống biển tên, biển chỉ dẫn phục vụ hoạt động du lịch; xây dựng nhà văn hóa cộng đồng người Dao, người Mường gắn với trung tâm đón tiếp, quản lý điều phối hoạt động du lịch cộng đồng, tổ chức sự kiện. Cùng với chính sách thu hút đầu tư, chính quyền xã Xuân Sơn còn phối hợp chặt chẽ với hệ thống các ngân hàng tạo điều kiện cho người dân của xã được vay các nguồn vốn ưu đãi, đặc biệt là nguồn vốn từ ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nhà nghỉ Homestay, mở rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi các vật nuôi, cây trồng và các sản phẩm truyền thống của địa phương phục vụ nhu cầu của khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Xuân Sơn. Vượt qua những ảnh hưởng do dịch Covid-19, với quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân xã Xuân Sơn đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong phát triển du lịch. Đến nay trên địa bàn xã có 11 nhà nghỉ Homestay đã đi vào hoạt động với 45 phòng khép kín và 12 phòng cộng đồng, có khả năng phục vụ được khoảng gần 700 lượt khách qua đêm ăn ngủ nghỉ tại các Homestay với các sản phẩm mang đậm nét văn hoá truyền thống của đồng bào như: Rượu men lá, vịt suối Tân Sơn, xôi ngũ sắc.... Riêng trong năm 2023 trên địa bàn có gần 10.000 lượt khách đến thăm quan, trong đó khách lưu trú qua đêm là hơn 2.000 lượt. Kết quả đạt được trong phát triển du lịch đã góp phần thực hiện thắng lợi và vượt các mục tiêu kinh tế -xã hội của xã Xuân Sơn, nâng cao đời sống mọi mặt các tầng lớp nhân dân. Cụ thể như sau: - Thu nhập bình quân trên đầu người ước đạt 24 triệu/người/năm, đạt kế hoạch; - Tổng số vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt hơn 35 tỷ đồng; vượt 05 tỷ và ước đạt 111,7% kế hoạch; - Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 117.465.307 đồng, (dự toán giao 16.000.000 đồng); - Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 01 ha đất canh tác và nuôi thủy sản đạt 105 triệu đồng, đạt kế hoạch; - Tỷ lệ đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa duy trì ở mức 95,6%; đạt kế hoạch; - Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 3,02%, đạt 100%; mức giảm tỷ lệ hộ cận nghèo đạt 5,5%, vượt 3,0% (kế hoạch 2,5%); - Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 60%, giảm 2% so với năm 2022; - Tỷ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề ước đạt 60%, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ, chứng nhận đạt 27%, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022. Những kết quả trên đã cho thấy định hướng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái của xã Xuân Sơn là một hướng đi đúng đắn, đem lại nhiều lợi ích kinh tế, là nguồn sinh kế đối với đa số người dân trên địa bàn xã Xuân Sơn. Những thành tựu đạt được trong phát triển du dịch của Xuân Sơn chính là cơ sở, tiền đề để huyện Tân sơn và tỉnh Phú Thọ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút đầu tư phát triển các loại hình du lịch để du lịch thực sự là khâu đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Phú Thọ , đưa Phú Thọ hoàn thành mục tiêu trở thành tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
* Tài liệu tham khảo: Báo cáo số: 54/BC-UBND ngày 06/12/2023 của Uỷ ban nhân dân xã Xuân Sơn về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023. Phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. ThS. Cao Trần Hải GVC khoa NN&PL | ||
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=phat-trien-du-lich-cong-dong-du-lich-sinh-thai-tai-xa-xuan-son-huyen-tan-son-tinh-phu-tho-mot-huong-di-dung-dan-nham-thuc-hien-khau-dot-pha-cua-tinh-phu-tho | ||
|