Thực tế, từ cuối năm 1978, Trung Quốc đã âm thầm lựa chọn, xây dựng và điều động binh lực áp sát trên toàn tuyến biên giới Việt Nam. Đồng thời với việc chuẩn bị về binh lực, Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động ngoại giao con thoi ở khu vực và thế giới nhằm tuyên truyền quan điểm đánh Việt Nam chỉ là “phản kích, tự vệ” vì “Việt Nam đưa quân sang đánh một số điểm trong nội địa Trung Quốc”. Cuộc chiến xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam bùng nổ vào rạng sáng ngày 17/2/1979 là kết quả của quá trình chuẩn bị, tính toán từ trước của Trung Quốc mà ta không ngờ tới. Mở cuộc tiến công xâm lược Việt Nam, Trung Quốc hy vọng sẽ đạt được 5 mục tiêu cơ bản sau:
Một là, nhanh chóng chiếm một số khu vực đất đai của Việt Nam ở gần biên giới trên cơ sở đó, ép buộc ta phải đàm phán rút quân khỏi Campuchia.
Hai là, chiến tranh chống Việt Nam để hy vọng Mỹ và các nước đồng minh sẽ giúp Trung Quốc thực hiện “Bốn hiện đại hóa”.
Ba là, phá hoại tiềm lực kinh tế và quốc phòng của Việt Nam, hạ uy thế của Việt Nam sau khi thắng Mỹ năm 1975.
Bốn là, uy hiếp Lào từ phía Bắc, buộc Lào phải trung lập hoặc theo họ chống lại Việt Nam, uy hiếp Việt Nam từ phía Tây; gỡ thể diện trước các nước Đông Nam Á sau thất bại ở Campuchia.
Năm là, thăm dò phản ứng của Liên Xô và dư luận quốc tế để chuẩn bị cho những bước phiêu lưu tiếp theo.
Để đạt được mục tiêu, Trung Quốc đã huy động 600.000 quân, hơn 500 xe tăng, xe bọc thép, hàng nghìn khẩu pháo tấn công dọc tuyến biên giới Việt Nam dài hơn 1.400km với chiến lược chia làm 4 hướng tấn công: hướng tấn công chủ yếu là Lạng Sơn và Cao Bằng; hướng quan trọng là Lào Cai (dãy Hoàng Liên Sơn); hướng phối hợp là Lai Châu; hướng nghi binh, thu hút lực lượng Việt Nam là Quảng Ninh và Hà Tuyên. Đối mặt với tình cảnh Tổ quốc lâm nguy, thêm một lần nữa quân dân Việt Nam nêu cao tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” anh dũng cầm súng chiến đấu để bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Đây là thử thách khắc nghiệt với Việt Nam lúc bấy giờ bởi quân chủ lực Việt Nam vẫn đang ở mặt trận phía Tây Nam, tại thời điểm bắt đầu chiến tranh, chỉ có lực lượng công an vũ trang, dân quân địa phương và 7 sư đoàn với tổng số quân không quá 70.000 người. Sự chênh lệch là quá lớn. Thế nhưng, quân dân biên giới đã chiến đấu ngoan cường, anh dũng chặn đứng từng bước tiến của quân địch, khoảng 6 vạn quân Trung Quốc bị thương vong, hàng trăm tù binh bị bắt sống. Thiệt hại nặng nề trên chiến trường, bị dư luận thế giới lên án, Trung Quốc buộc phải rút quân khỏi nước ta vào ngày 18/3/1979
Hình ảnh người chiến sĩ cầm súng B41 hướng về phía quân xâm lược, bên cạnh là cột mốc số 0 Lạng Sơn,
rạng sáng 17/2/1979 mang tính biểu tượng về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979.
(Ảnh: Tư liệu/TTXVN)
Sau chiến trận toàn tuyến biên giới đầu năm 1979, phía Trung Quốc tiếp tục thực hiện chiến tranh phá hoại nhiều mặt chống lại Việt Nam bằng các hoạt động vũ trang như phục kích, tập kích, tấn công lấn chiếm... Đặc biệt, trong giai đoạn 1984 - 1989, Trung Quốc quay lại và duy trì trận chiến Vị Xuyên (Hà Giang) với cường độ cao, mật độ dày tạo ra tình trạng căng thẳng, bất ổn ở khu vực biên giới Việt - Trung, gây ra nhiều tổn thất và hậu quả nghiêm trọng cho quân dân Việt Nam, dẫn đến mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc “đóng băng”, phải tới năm 1991, sau cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo hai nước tại Thành Đô (Trung Quốc) mối quan hệ hai nước mới thực sự bình thường hóa trở lại.
Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đã để lại cho Đảng và Nhà nước ta những bài học hết sức sâu sắc, đặc biệt là bài học nâng cao cảnh giác cách mạng, không để bị động, bất ngờ trước những âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch hay những chiêu bài núp dưới danh nghĩa chủ nghĩa dân tộc. Trước khi tổ chức tấn công Việt Nam, Trung Quốc đã có những cuộc gặp gỡ riêng với Mỹ và trao đổi về mặt lợi ích, trong đó tấn công Việt Nam là hành động tỏ rõ thiện chí của Trung Quốc với Mỹ. Đồng thời, từ tháng 1 năm 1979, Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động trinh sát vũ trang thám thính đồng thời tiến hành hàng trăm vụ xâm phạm vũ trang vào lãnh thổ Việt Nam, từ gây hấn đến tập kích, bắn phá các đồn biên phòng và trạm gác, bắt cóc người đưa về Trung Quốc... Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, ta chưa kịp thời đánh giá đúng âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù nên thời gian đầu Việt Nam đã lúng túng, bị động và gặp nhiều khó khăn trước các đợt tấn công của Trung Quốc. Đây là bài học đắt giá, phải trả bằng xương máu trong công tác đối ngoại và quốc phòng của Việt Nam lúc đó.
Trong giai đoạn hiện nay, các nước lớn có sự điều chỉnh quan trọng theo hướng đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên trên hết, đặc biệt là hai nước Trung Quốc và Mỹ. Quan hệ giữa các nước lớn trở thành nhân tố có vai trò quan trọng tác động đến hòa bình, an ninh và sự phát triển của thế giới đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải luôn tỉnh táo, nêu cao hơn nữa tinh thần cảnh giác cách mạng; xác định, đánh giá đúng đối tượng và đối tác trong từng thời điểm; chủ động chuẩn bị về tư tưởng, chính trị, lực lượng và thế trận, sẵn sàng đánh bại bất kỳ cuộc chiến tranh xâm lược nào. Đặc biệt, phải nắm bắt, dự báo được các xu hướng trong quan hệ quốc tế, khu vực cũng như mục tiêu, lợi ích, ý đồ chiến lược của từng nước, nhất là các nước lớn để có chiến lược, sách lược ngoại giao phù hợp, tránh trở thành “khí cụ trong tay kẻ mạnh” đồng thời tiếp tục giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước.
ThS. Hoàng Thị Phương Thảo
Khoa Xây dựng Đảng