Thứ tư, 24.01.2024 GMT+7

Hiệp định Paris (27/01/1971) - Cú huých quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam

Hiệp định Paris đánh dấu thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước. Trong suốt cuộc đàm phán kéo dài gần 5 năm, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị cùng bản lĩnh vững vàng của các nhà ngoại giao Việt Nam, chúng ta đã đạt được mục tiêu "đánh cho Mỹ cút" để thuận lợi tiến tới "đánh cho Ngụy nhào".

Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (gọi tắt là Hiệp định Pari) là cuộc đấu tranh ngoại giao lâu dài nhất, cam go nhất trong lịch sử của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Từ năm 1968 đến năm 1973, song hành với mặt trận quân sự và chính trị, ngoại giao Việt Nam đã mở “Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Pari”: cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 buộc đối phương phải đề nghị đàm phán, chiến dịch Xuân – Hè 1972 đưa cuộc đàm phán đi vào thực chất, chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" đi tới việc ký kết Hiệp định. Trải qua 4 năm, 8 tháng, 14 ngày với 202 phiên họp công khai và 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, bản Hiệp định được ký kết gồm 9 chương, 23 điều, nêu lên một số vấn đề cơ bản sau:

Một là, Hoa Kỳ tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Geneva 1954 đã công nhận.

Hai là, việc ngừng bắn được thực hiện ở miền Nam từ 24 giờ ngày 27-1-1973. Hoa Kỳ chấm dứt mọi hành động quân sự chống nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, sẽ tháo gỡ mìn ở các cảng, sông ngòi trên miền Bắc. Trong thời hạn 60 ngày, Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Kỳ sẽ rút toàn bộ quân đội, lực lượng bán quân sự và cảnh sát ra khỏi miền Nam Việt Nam; huỷ bỏ mọi căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam. Hoa Kỳ sẽ không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công cuộc nội bộ miền Nam Việt Nam. Việc trao trả các nhân viên quân sự của các bên bị bắt và thường dân nước ngoài bị bắt sẽ tiến hành trong thời hạn 60 ngày.

Ba là, tất cả các nước tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm; nhân dân miền Nam tự quyết định tương lai chính trị của mình thông qua tổng tuyển cử tự do và dân chủ, có giám sát quốc tế; các nước ngoài không được áp đặt bất cứ xu hướng chính trị hoặc cá nhân nào đối với nhân dân miền Nam. Vấn đề lực lượng vũ trang Việt Nam ở miền Nam sẽ do hai bên miền Nam Việt Nam giải quyết trên tinh thần hòa giải và hoà hợp dân tộc, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, không có sự can thiệp của nước ngoài.

Bốn là, vấn đề thống nhất đất nước sẽ được thực hiện từng bước bằng phương pháp hoà bình trên cơ sở bàn bạc và thoả thuận giữa miền Bắc và miền Nam. Giới tuyến quân sự giữa hai miền tại vĩ tuyến 17 chỉ là tạm thời, không phải là một ranh giới về chính trị hoặc là về lãnh thổ.

Ngoài ra, nội dung bản Hiệp định còn có những điều khoản về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, về việc thành lập Ban liên hợp quân sự bốn bên, Ban liên hợp quân sự hai bên, Uỷ ban quốc tế kiểm soát và giám sát, cùng những vấn đề Lào và Campuchia…

Đây là thành quả đấu tranh kiên cường của toàn dân tộc vì mục tiêu thiêng liêng là độc lập và thống nhất, thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng dưới ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh cùng sự hy sinh anh dũng của quân đội và nhân dân Việt Nam, là kết quả của cuộc đấu tranh ngoại giao đầy bản lĩnh và trí tuệ, kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự.

Một tháng sau Hiệp định Paris, Hội nghị quốc tế về Việt Nam được triệu tập từ ngày 27-2 đến ngày 2-3-1973, có đại diện 12 chính phủ và khách mời là Tỏng Thư ký Liên hợp quốc. Hội nghị thông qua bản Định ước ghi nhận và tán thành Hiệp định Paris về Việt Nam, bày tỏ thái độ tôn trọng các quyền cơ bản của dân tộc Việt Nam. Như vậy, "việc các nước xác nhận Hiệp định Paris đã nâng cao giá trị pháp lý quốc tế những thoả thuận giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, làm cơ sở cho việc đấu tranh đòi thi hành Hiệp định"1. Hiệp định Paris đánh dấu thắng lợi lớn của nhân dân Việt Nam, được dư luận thế giới hoan nghênh. Từ sau khi ký Hiệp định, nhiều nước đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam, như: Canada, Nhật Bản, Áchentina, Xingapo, Malaysia… Tính đến cuối năm 1974, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã có quan hệ với hơn 90 nước và tổ chức quốc tế2.

Từ khi Hiệp định có hiệu lực, về phía ta đã thực hiện nghiêm chỉnh việc ngừng bắn và trao trả tù binh. Người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam ngày 29-3-1973. Nhưng chính quyền Sài Gòn liên tục vi phạm Hiệp định, từ kế hoạch "tràn ngập lãnh thổ" đến những vụ lấn chiếm vùng giải phóng, gây khó dễ trong việc trao trả tù chính trị3. Cuối năm 1974, Bộ Chính trị họp bàn về tình hình và nhiệm vụ đấu tranh chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta nhận định: "đây là thời cơ thuận lợi nhất để nhân dân ta hoàn toàn giải phóng miền Nam, giành thắng lợi trọn vẹn cho cách mạng dân tộc dân chủ… Ngoài thời cơ này thì không còn thời cơ nào khác. Nếu để chậm mươi, mười lăm năm nữa, bọn ngụy gượng dậy được, các thế lực xâm lược được phục hồi… thì tình hình sẽ phức tạp vô cùng"4 đồng thời ta phán đoán "Mỹ không có khả năng quay lại… dù Mỹ có can thiệp trở lại trong chừng mực nào thì chúng cũng không xoay chuyển được tình thế, và ta vẫn thắng"5. Những diễn biến trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến đã chứng tỏ sự phán đoán của Đảng là chính xác.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dân tộc Việt Nam phải đối chọi với một quốc gia hùng mạnh về quân sự, kinh tế, có kinh nghiệm đối ngoại hàng đầu thế giới, nhưng với tinh thần kiên định giữ vững mục tiêu đấu tranh là độc lập dân tộc và thống nhất, kiên trì đấu lý và đấu trí trên bàn đàm phán với đối phương, kiên quyết không nhượng bộ các lợi ích có tính nguyên tắc, cuối cùng Hiệp định Paris và cuộc Tổng tiến công năm 1975 đã thực hiện đầy đủ những mục tiêu căn bản được đề ra: quân Mỹ phải rút, chính quyền Sài Gòn sụp đổ, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông nối liền một dải.

ThS. Đỗ Thị Thuý Hoa

Khoa Xây dựng Đảng

* Chú thích: 

1,2. GS. Vũ Dương Ninh (2014), Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam (1940-2010), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, trang 252, 254.

3. Xem Trần Mai Hạnh (2015), Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.1975, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4,5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2004, tập 35, tr.179.

 
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=hiep-dinh-paris-27011971-cu-huych-quyet-dinh-thang-loi-cua-cach-mang-viet-nam
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com