Thứ sáu, 12.01.2024 GMT+7

Phong trào Đồng Khởi - Bước chuyển mình của cách mạng miền Nam

Đồng Khởi là cuộc nổi dậy đấu tranh của quần chúng miền Nam diễn ra vào cuối những năm 1959 - 1960, đánh dấu một bước ngoặt vô cùng quan trọng của cách mạng miền Nam trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đưa cách mạng miền Nam chuyển từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (21/7/1954), đất nước ta tạm thời chia thành hai miền. Ở miền Nam, quân đội Mỹ ra sức phá hoại hiệp định, lập nên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, tiến hành nhiều cuộc thảm sát đẫm máu ở Cam Lộ, Củ Chi, Mỏ Cày; đồng thời tăng cường các cuộc càn quét “tố cộng”, “diệt cộng” nhằm loại bỏ dần những người Việt Nam yêu nước. Tháng 5/1959, chính quyền sài Gòn thông qua đạo luật 10/59 với tư tưởng “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”, lê máy chém đi khắp miền Nam. Cách mạng miền Nam tổn thất nghiêm trọng, chỉ trong vòng 4 năm (1955-1959), ở Nam Bộ chỉ còn 5000 đảng viên so với 60.000 đảng viên trước đó, nhiều nơi không còn tổ chức đảng. Trong bối cảnh đầy khó khăn, tháng 1/ 1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 15 quyết định con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng đúng yêu cầu bức thiết của nhân dân, mở đường cho cách mạng miền Nam tiến lên. Dưới ánh sáng của Nghị quyết Hội nghị trung ương lần thứ 15, nhân dân miền Nam đã vùng dậy tổ chức đấu tranh du kích. Nhiều cuộc đấu tranh vũ trang, bán vũ trang của nhân dân nổ ra nhiều nơi như: Bình Định, Bác Ái, Trà Bồng... trong đó, tiêu biểu nhất là phong trào Đồng Khởi – Bến Tre.

Đêm 2/1/1960, đồng chí Nguyễn Thị Định chủ trì Hội nghị thường vụ tỉnh ủy Bến Tre để truyền đạt Nghị quyết Trung ương lần thứ 15 và phát động quần chúng nổi dậy phá kìm kẹp, trừng trị bọn tay sai, phản động. Ngày 17/1/1960, cuộc đồng khởi nổi ra ở 3 xã Định Thủy, Bình Khánh, Phước Hiệp huyện Mỏ Cày với hình thức tổ chức mít tinh đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang đập tan bộ máy chính quyền Mỹ - Diệm ở cơ sở. Phong trào Đồng Khởi đã nhanh chóng lan rộng ra các tỉnh Tây Ninh, Cần thơ, Kiến Phong, Long Xuyên..., vùng giải phóng ngày càng rộng lớn, liên hoàn với nhau. 

Thiếu tướng Nguyễn Thị Định – lãnh đạo phong trào Đồng Khởi, Bến Tre (Ảnh tư liệu)

Tính đến cuối năm 1960, phong trào Đồng Khởi đã làm tan rã về cơ bản bộ máy chính quyền của địch ở cơ sở nông thôn toàn miền Nam. Kế hoạch lập khu trù mật và cải cách điền địa của Mỹ diệm bị phá sản. Kế hoạch “bình định ổn định miền Nam để Bắc tiến” của Mỹ buộc phải dừng, tập trung quân chống đỡ, phòng thủ ở Nam Bộ và Tây Nguyên. Cùng với đấu tranh vũ trang giành chính quyền, phong trào đấu tranh chính trị ở các đô thị, nhà máy cũng ngày càng phát triển mạnh mẽ. Cả năm 1960 có 10 triệu lượt quần chúng tham gia biểu tình, mít tinh làm rung chuyển chính quyền Ngụy, buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược đối phó với cách mạng miền Nam.

Phong trào Đồng Khởi đã chuyển cách mạng từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, từ đấu tranh chính trị là chủ yếu sang đấu tranh vũ trang, sử dụng bạo lực cách mạng kết hợp với đấu tranh chính trị của quần chúng. Thắng lợi của phong trào Đồng Khởi đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của cách mạng miền Nam. Sau thắng lợi của Đồng Khởi, ngày 20/12/1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Đầu năm 1961, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam cũng được thành lập. Từ đây, cách mạng miền Nam đã có tổ chức chính trị để tập hợp quần chúng nhân dân đoàn kết đấu tranh, đã có lực lượng vũ trang hợp nhất từ du kích và giải phóng quân, thu hút đông đảo thanh niên tham gia vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. 

64 năm đã qua đi, nhưng những giá trị to lớn của phong trào Đồng Khởi năm xưa vẫn vẹn nguyên trong dòng chảy của lịch sử dân tộc,trở thành một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa yêu nước, nhắc nhở thế hệ hôm nay về một giai đoạn đầy đau thương nhưng cũng rất hào hùng của dân tộc Việt Nam. Phát huy tinh thần Đồng khởi, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tiếp tục phấn đấu, huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc thực hiện thắng lợi mục tiêu “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN” như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. 

ThS Hoàng Thị Phương Thảo 

GV Khoa Xây dựng Đảng

 
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=phong-trao-dong-khoi-buoc-chuyen-minh-cua-cach-mang-mien-nam
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com