Thứ tư, 03.01.2024 GMT+7

Mùa xuân về trên làng cổ Hùng Lô

Làng cổ Hùng Lô nay thuộc xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ là một vùng đất cổ giàu truyền thống văn hóa, có rất nhiều di tích gắn liền với thời kỳ Hùng Vương. Đây là miền đất trù phú, giao lưu buôn bán phát triển một thời của các vùng đất lân cận ven dòng sông Lô. Trải qua bao biến thiên, thăng trầm lịch sử, nơi đây vẫn bảo tồn được gần như nguyên vẹn kiến trúc ngôi đình cổ, di tích lịch sử cấp Quốc gia đã được công nhận từ năm 1990 và gần 50 ngôi nhà cổ có tuổi đời từ 100 đến 200 năm cùng những nghề truyền thống cổ truyền nổi tiếng.

     

Đ/c Hoàng Tiến Điệp - Phó Hiệu trưởng và đại diện các thầy, cô giáo chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể lớp Trung cấp LLCT tập trung A23.03 tại Đình Hùng Lô

     Khi những cơn gió mùa đi qua mang hơi thở của mùa xuân về làng cổ Hùng Lô vào dịp đầu Xuân 2024, mọi người sẽ cảm nhận được không khí sôi nổi của ngày hội Xoan, cùng nhau thưởng thức những làn điệu hát Xoan - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại tại đình Hùng Lô, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì. Như lịch công tác thường niên giữa nhà Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ và xã Hùng Lô, Làng cổ Hùng Lô là một trong những địa chỉ đỏ để học viên các lớp trung cấp lý luận chính trị của nhà trường đi thực tế, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử truyền thống của quê hương Phú Thọ. Ngược dòng lịch sử, theo cuốn “An lão thần tích” và truyền thuyết để lại, vua Hùng cùng công chúa cưỡi ngựa hồng và các quần thần đi tuần du ngoại cảnh và săn thú đã được các bô lão và thần dân tại Trang Khả Lãm (tên địa danh xưa của Hùng Lô) nghênh tiếp khi dừng chân nghỉ tại nơi đây. Vua thấy đất ở đây màu mỡ, cây mọc xanh tươi lại có huyệt thiên tạo hướng giáp canh, có khí thiêng từ lòng đất bốc lên. Vua cho đây là chốn địa linh. Và quả thực, nhân dân nơi đây làm ăn rất phát đạt, vậy nên đã quần cư đông đúc như bây giờ. Từ đó, nhân dân đã lập miếu thờ vua Hùng để đời đời nhớ ơn Vương Tổ.

     Theo dư địa chí làng xã thời Hùng Vương, làng Cổ Hùng Lô có tên là Khả Lãm Trang, sau đổi thành An Lão thôn, sau đó là kẻ Xốm và giờ là xã Hùng Lô như ngày nay. Hiện nay, cả làng có khoảng 2.000 hộ với hơn 6.000 khẩu trên diện tích 1,2 km2.. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, các thế hệ người dân trong xã đã đoàn kết, cùng nhau khai phá đồng hoang, bãi rậm, tạo dựng xóm làng và đắp xây nên những truyền thống tốt đẹp đó là cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất; thuỷ chung trong cuộc sống đời thường; dũng cảm trong đấu tranh với thiên tai và giặc ngoại xâm để bảo vệ quê hương. Ngày nay, những nét đẹp văn hóa ấy vẫn là điểm tựa tinh thần, nét đẹp riêng của người dân làng cổ Hùng Lô. 

Đoàn nghiên cứu thực tế được đ/c Lã Thị Hồng Thùy, cán bộ văn hóa xã Hùng Lô giới thiệu, thuyết minh về truyền thống làng cổ tại Đình Hùng Lô

     Đoàn công tác đi nghiên cứu thực tế do đồng chí Hoàng Tiến Điệp - Phó Hiệu trưởng là Trưởng đoàn cùng các thầy, cô giáo và hơn 100 học viên lớp Trung cấp lý luận chính trị hệ tập trung của huyện Cẩm Khê và Đoan Hùng đã đến thăm làng cổ vào những ngày cuối đông đầu xuân, đoàn đã được đồng chí Lã Thị Hồng Thùy, cán bộ văn hóa xã Hùng Lô giới thiệu, thuyết minh về truyền thống làng cổ tại Đình Hùng Lô. Đình Hùng Lô là nơi tập trung những giá trị kiến trúc nổi bật nhất trong quần thể di tích làng cổ Hùng Lô. Đình được xây dựng năm 1.697, dưới thời vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa thứ 18. Khi bắt đầu xây dựng đình có kiến trúc chữ Nhị, đến năm Bảo Đại XIII (1938) phần hậu cung đã được trùng tu lại và làm thêm long đình, có lầu chuông lầu trống hai bên nên hiện nay đình có kiến trúc chữ công. Đình thờ Tam vị Đại vương: Ất Sơn Đại vương (vua hùng thứ 4), Viễn Sơn Đại vương (vua hùng thứ 5), Áp đạo quan Đại vương - tướng bảo vệ vua Hùng được phong vương. Kỹ thuật chạm ở đình Hùng Lô đạt đến trình độ cực kỳ tinh vi. Ngoài chạm trổ xung quanh tứ trụ và rồng ngậm ngọc ở các đầu bảy hiên ở tòa Đại Đình, những bức chạm đặc sắc, có giá trị nghệ thuật cao với đề tài rất phong phú, vừa mang màu sắc dân giã, vừa thể hiện dấu ấn Nho giáo rõ rệt. Đình Hùng Lô còn được coi là bảo tàng thu nhỏ với hệ thống cổ vật có niên đại 300 năm tuổi, quý giá về lịch sử, kỹ thuật và mỹ thuật cổ như: 05 cỗ kiệu, 06 cỗ ngai thờ, nhiều đồ gốm, đồ đồng quý, hệ thống 43 câu đối ca ngợi công đức vua Hùng và cảnh trí thiên nhiên. Sau khi nghe giới thiệu và thăm qua đình Hùng Lô, đoàn công tác của trường chính trị tỉnh Phú Thọ được mời nghe các nghệ nhân hát Xoan của làng trình bày những khúc hát Xoan nổi tiếng hát trước cửa đình. Đình Hùng Lô đã được UBND tỉnh Phú Thọ chọn là một trong những di tích để triển khai chương trình “Hát Xoan làng cổ” nằm trong tour hành trình du lịch tâm linh đến vùng đất Tổ. Sau 06 năm triển khai thí điểm tour “Hát Xoan làng cổ” phục vụ khách du lịch, tháng 4/2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ chính thức công bố chương trình "Hát Xoan làng cổ" là sản phẩm du lịch độc đáo và đặc trưng của vùng Đất Tổ tại đình Hùng Lô. Đoàn công tác đã được nghe các nghệ nhân trình bày các làn điệu Xoan cổ như: Hát thờ, Hát quả cách, Hát hội như, Xoan thời cách, Tứ mùa cách, Hát đúm, Mời rượu,... rồi cả đoàn ra sân đình chơi trò chơi tập thể hát Xoan với tiết mục Mó cá, tạo không khí vui tươi phấn khởi cho tất cả mọi người.

Đoàn nghiên cứu thực tế được trải nghiệm tham gia gói bánh trưng vuông cùng nghệ nhân của làng cổ

     Từ Đình Hùng Lô, cả đoàn công tác di chuyển đến khu làng cổ, vào thăm nhà cổ của nghệ nhân làng nghề truyền thống Nguyễn Văn Ninh. Ngôi nhà cổ của nghệ nhân Nguyễn Văn Ninh là một nếp nhà cổ độc đáotrong quần thể di tích làng cổ Hùng Lô, còn nguyên giá trị kiến trúc với những biểu tượng lân, ly, quy phượng, tùng, cúc, trúc mai được chạm khắc trên những bồng chồn, kẻ bảy, câu đầu của những ngôi nhà. Các thầy, cô và học viên được trải nghiệm tham gia gói bánh trưng vuông cùng nghệ nhân và ăn bánh chưng, bánh gai, bánh giầy ngon nức tiếng của làng cổ, một phần không thể thiếu trong ẩm thực tinh hoa vùng Đất Tổ, gắn bó mật thiết với đời sống người dân nơi đây. Những ngôi nhà cổ và nghề truyền thống... trở thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng mộc mạc, giản dị của làng của du khách trong và ngoài nước và vẫn mang những nét riêng của làng quê cổ vùng nông thôn Bắc Bộ Việt Nam.

     

Đoàn nghiên cứu thực tế đến thăm Hợp tác xã sản xuất Mỳ gạo Hùng Lô

     Trên cung đường liên xã mới làm rộng rãi, đoàn nghiên cứu thực tế đến thăm Hợp tác xã sản xuất Mỳ gạo Hùng Lô - mỳ gạo "sinh ra từ làng" của doanh nghiệp trẻ Cao Đăng Duy. Năm 2004, nghề làm mỳ của làng cổ Hùng Lô đã được công nhận là làng nghề truyền thống. Để chủ động trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của làng nghề, tháng 7/2016, Hợp tác xã Mỳ gạo Hùng Lô được thành lập, quyền thương hiệu cho sản phẩm mỳ, bún sạch của làng cũng được đăng ký. Trên địa bàn xã Hùng Lô hiện nay có khoảng 27 hộ gia đình đang phát triển nghề làm mì gạo này. Theo chủ nhiệm Hợp tác xã Mỳ gạo Hùng Lô, nguyên liệu làm mì phải chọn gạo sạch, ngâm khoảng 04 tiếng cho mềm. Sau khi ngâm, gạo phải rửa thật sạch rồi cho vào máy xát thành bột khô. Khi đã có thành phẩm là bột gạo khô, mịn lúc này người thợ mới trộn bột với nước theo tỷ lệ phù hợp. Bột sau khi trộn với nước theo tỉ lệ phù hợp sẽ được đổ vào máy làm bún. Từ sợi bún trắng ngần, dai dẻo từ từ được đẩy ra, lúc này người thợ sẽ cắt thành từng đoạn ước chừng khoảng một cân và đặt lên giá phơi, công việc này thường được thực hiện trong khoảng thời gian sáng sớm, vì như vậy sẽ đảm bảo mì được phơi khô trong ngày. Hiện nay, hợp tác xã sản xuất Mỳ gạo Hùng Lô đã liên tục đón các đoàn khách trong và ngoài nước tham gia học hỏi, trải nghiệm quy trình sản xuất mỳ gạo tại Hùng Lô với nhiều loại mỳ khác nhau: như mỳ rau ngót, mỳ khoai lang... Sản phẩm mỳ gạo Hùng Lô đi quảng bá rộng rãi ở nhiều tỉnh thành trong cả nước và tham gia trưng bày, bán sản phẩm ở các hội chợ thương mại. Nhờ đó hợp tác xã đã ký được hợp đồng cung cấp sản phẩm với nhiều doanh nghiệp, siêu thị lớn như: Công ty thiên nhiên xanh Việt Nam, Công ty Golden scorpio, Công ty TNHH nông nghiệp Phú Nam, Siêu thị Mường Thanh…; liên kết xây dựng được đầu mối bán buôn ở 08 tỉnh thành trong cả nước như: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Hà Nội, Nghệ An, Cà Mau… Xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản... Các thầy cô giáo và học viên trong đoàn nghiên cứu đã được trải nghiệm các công đoạn làm mì, ăn thử mì rau ngót và các sản phẩm mì rau củ quả mới của Hợp tác xã, tiếng máy, tiếng người vui vẻ hòa quyện với nhau vang xa trên những cung đường mới trải nhựa sáng đẹp của làng Hùng Lô.

Đoàn nghiên cứu thực tế được tham gia trải nghiệm những làn điệu hát Xoan tại Đình Hùng Lô

     Với hệ thống di sản cổ phong phú đa dạng, có thể cho thấy được sự trù phú giàu có của quần thể di tích làng cổ Hùng Lô. Đặc biệt hơn, những nhà cổ, đình làng, ao làng, lũy tre xanh vẫn được người dân bảo tồn, giữ gìn theo năm tháng, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng tại đây. Những hàng cây xoan, cây bàng, cây xà cừ đã thay màu lá mới búp xanh non, mùa xuân bắt đầu trải dài trên những cánh đồng mạ non, làng cổ Hùng Lô lại bước vào vụ mới. Thông qua chuyến đi thực tế trải nghiệm về làng cổ Hùng Lô, mỗi thầy cô giáo và học viên Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ tích lũy thêm được nhiều bài học kinh nghiệm thực tiễn để làm cho bài giảng phong phú, sinh động, để trau rồi vốn kiến thức bổ sung cho những bài học lý luận chính trị gắn với thực tế của tỉnh nhà.    

ThS. Hoàng Thị Nguyệt Nga

                                          Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở

(Nguồn ảnh: Kiên Cường)

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=mua-xuan-ve-tren-lang-co-hung-lo
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com