Thứ ba, 02.01.2024 GMT+7

Đề xuất một số giải pháp ứng dụng các báo cáo chuyên đề chương trình bồi dưỡng chuyên viên và tương đương vào quá trình bồi dưỡng cán bộ, công chức tại Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ

Tài liệu bồi dưỡng có vai trò quan trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, kiến thức cho hệ thống chính trị nước ta. Tuy nhiên, bộ tài liệu chuyên viên được ban hành kèm theo Quyết định số 420/QĐ-BNV ngày 02/06/2022 của Bộ Nội vụ chưa cung cấp các kiến thức cho các chuyên đề báo cáo. Để giải quyết khó khăn trong quá trình soạn giảng và học tập chương trình bồi dưỡng chuyên viên tại Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ, 02 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở do khoa Nhà nước và pháp luật chủ trì có mục tiêu xây dựng 08 chuyên đề báo cáo trong chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên và tương đương đã được thực hiện và nghiệm thu năm 2023, đều đạt loại xuất sắc. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của các đề tài, bài viết đề xuất một số giải pháp ứng dụng các báo cáo chuyên đề chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên và tương đương vào quá trình bồi dưỡng cán bộ, công chức tại trường Chính trị tỉnh Phú Thọ

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan, đơn vị, góp phần thực hiện thành công khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị nước ta bởi lẽ chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả của việc hoạch định, thực thi chính sách phát triển kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam giai đoạn hiện nay. Trong thời gian qua, việc nâng cao chất lượng bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và đạt được nhiều thành tựu đáng kể: Nhiều văn bản quy định về cán bộ, công chức, viên chức nói chung và về công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên viên nói riêng được ban hành như Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Viên chức năm 2010 (Sửa đổi, bổ sung năm 2019), Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Chỉ thị số 28/CT-TTg, ngày 18/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý (Được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 89/2021/NĐ-CP, ngày 18/10/2021 của Chính phủ), Công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên được tăng cường; Chương trình bồi dưỡng chuyên viên ngày càng được hoàn thiện gắn với vị trí việc làm giúp học viên đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi từ thực tiễn; Đặc biệt, Quyết định số 420/QĐ-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Chương trình bồi dưỡng đối với ngạch chuyên viên và tương đương đã đề cập đến các chuyên đề báo cáo có mục tiêu cung cấp cho người học về thực tiễn hoạt động của chính quyền địa phương, cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu quả, phòng chống tham nhũng trong quản lý nhà nước…; các chuyên đề được thiết kế theo cấu trúc “mở” giúp giảng viên và học viên cập nhật kiến thức, kỹ năng hiện đại, phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn và tính chất công việc của ngạch chuyên viên và tương đương. 

Chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên và tương đương theo quy định hiện hành đã phần nào đáp ứng được yêu cầu xây dựng đội ngũ công chức có phẩm chất, năng lực trong tình hình mới, tuy nhiên việc chưa cung cấp kiến thức cụ thể về 08 chuyên đề báo cáo đã gây khó khăn không nhỏ cho việc soạn, giảng trên lớp của giảng viên và việc nghiên cứu, học tập của học viên. Điều này cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức.

Đứng trước yêu cầu đó, với nhiệm vụ tham mưu cho Ban Giám hiệu và trực tiếp giảng dạy các chương trình bồi dưỡng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên và tương đương, năm 2023, khoa Nhà nước và pháp luật, trường Chính trị tỉnh Phú Thọ đã thực hiện các đề tài nghiên cứu nhằm nghiên cứu, biên soạn các báo cáo chuyên đề chương trình bồi dưỡng chuyên viên và tương đương phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đổi mới công tác bồi dưỡng của trường, thời gian tiến hành từ tháng 02 đến tháng 11 năm 2023.

Với thành viên các nhóm nghiên cứu là lãnh đạo, giảng viên được đào tạo bài bản, có kiến thức, kinh nghiệm trong giảng dạy quản lý nhà nước, các đề tài đã xây dựng được các chuyên đề báo cáo, được hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về chất lượng nội dung đảm bảo tính khoa học, chính xác, cập nhật và có căn cứ. Các chuyên đề báo cáo lần đầu tiên được nghiên cứu, tổng hợp, biên tập trong nội dung bồi dưỡng chương trình chuyên viên và tương đương giúp cho học viên nhận thức sâu sắc hơn lý luận và thực tiễn, là tài liệu hữu ích tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, soạn giảng của giảng viên và quá trình tự học, tự đào tạo của học viên nhà trường, nâng cao năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giảng viên, qua đó góp phần nâng cao chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của nhà trường. Không những thế, nếu sản phẩm này được nhà trường triển khai biên soạn thành Bộ Tài liệu thì sẽ là tư liệu bổ ích đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh để tham khảo, vận dụng vào quá trình công tác tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

Do đó, việc ứng dụng kết quả của các đề tài nghiên cứu khoa học do khoa nhà nước và pháp luật chủ trì thực hiện vào giảng dạy chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên và tương đương là cần thiết nhằm khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giảng dạy, học tập và đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường, góp phần hình thành đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, có đủ năng lực xây dựng nền hành chính tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.

Để ứng dụng hiệu quả các báo cáo chuyên đề vào giảng dạy trong chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên và tương đương, trong thời gian tới, tôi đề xuất một số giải pháp sau đây:

Một là, hình thành Bộ tài liệu báo cáo chuyên đề chương trình bồi dưỡng chuyên viên và tương đương:

Được giao nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính… nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước hiện nay, trên cơ sở các báo cáo chuyên đề chương trình bồi dưỡng chuyên viên, chuyên viên chính và tương đương, nhà trường đầu tư kinh phí và tổ chức biên soạn, in ấn để hình thành Bộ tài liệu báo cáo chuyên đề chương trình bồi dưỡng chuyên viên, chuyên viên chính để đưa vào sử dụng tại các lớp bồi dưỡng của nhà trường từ năm 2024, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, soạn giảng của giảng viên và việc tự học của học viên.

Hai là, nâng cao năng lực giảng viên giảng dạy chương trình chuyên viên và tương đương:

Bồi dưỡng ngạch chuyên viên cần được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng quản lý nhà nước giúp nâng cao năng lực và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Do vậy, nhà trường cần chú trọng bố trí giảng viên giảng dạy chương trình chuyên viên theo đúng chuyên ngành được đào tạo, thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng và cử giảng viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; Chỉ đạo giảng viên tăng cường đối thoại với người học, khuyến khích học viên tích cực, chủ động trong quá trình học tập tại các lớp bồi dưỡng.

Bên cạnh đó, mỗi giảng viên cần nắm vững kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, cũng như kiến thức thực tiễn. Trong quá trình sử dụng bộ tài liệu vào giảng dạy các lớp chuyên viên và tương đương vào bài giảng, giảng viên cần thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học, sử dụng phương pháp dạy học tích cực, thực hiện nghiêm quy định đi nghiên cứu thực tế tại cơ sở để tích luỹ kiến thức thực tiễn nhằm cập nhật, bổ sung những nhận định, đánh giá và số liệu vào các báo cáo chuyên đề phục vụ cho việc giảng dạy, học tập chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên và tương đương.

Ba là, tổ chức tốt các hoạt động chuyên môn.

Khoa Nhà nước và pháp luật thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn để trao đổi, thảo luận về những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn liên quan đến các chuyên đề báo cáo chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên và tương đương, từ đó giúp cho đội ngũ giảng viên chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực chuyên môn và kịp thời kiến nghị Ban Giám hiệu nhà trường tạo điều kiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình tổ chức áp dụng các báo cáo chuyên đề phần trong giảng dạy chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên và tương đương, trên cơ sở đó nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn của Khoa và nhà trường.

Bốn là, tăng cường hỗ trợ tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Để phục vụ cho việc thực hiện quá trình dạy học theo phương pháp tích cực, vấn đề cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập là yếu tố quan trọng trong quy trình dạy học. Nhà trường cần tiếp tục hỗ trợ kinh phí, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, đầu tư, mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ cho hoạt động quản lý và giảng dạy, đồng thời trang bị các thiết bị hiện đại tại các phòng học của Trường. Bên cạnh đó, việc bổ sung hệ thống sách tham khảo về quản lý nhà nước nói chung và tài liệu liên quan đến các chuyên đề báo cáo chương trình bồi dưỡng chuyên viên, chuyên viên chính nói riêng là hết sức cần thiết.

Tiếp tục đa dạng hoá các hình thức bồi dưỡng chuyên viên và tương đương, nghiên cứu, thí điểm hình thức bồi dưỡng báo cáo chuyên đề chương trình chuyên viên và tương đương trên nền tảng số để đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường trong thời gian tới.

ThS. Trần Thu Thuỷ

 Khoa Nhà nước và pháp luật

 
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=de-xuat-mot-so-giai-phap-ung-dung-cac-bao-cao-chuyen-de-chuong-trinh-boi-duong-chuyen-vien-va-tuong-duong-vao-qua-trinh-boi-duong-can-bo-cong-chuc-tai-truong-chinh-tri-tinh-phu-tho
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com