| ||
Vận dụng Nghị quyết số 42-NQ/TW vào giảng dạy bài 6 “Chính sách xã hội, an sinh xã hội và quản lý phát triển xã hội” thuộc học phần Đường lối, chính ách của Đảng, nhà nước Việt Nam | ||
Chính sách xã hội là bộ phận của hệ thống chính sách phát triển quốc gia về mọi mặt của đời sống xã hội; được cụ thể hóa theo chủ trương, đường lối của Đảng và được đặt trong khuôn khổ hiến pháp, pháp luật của Nhà nước. Từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội; coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững đất nước, đảm bảo ổn định chính trị - xã hội. Ngày 24/11/2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới”. Nghị quyết số 42 là sự tiếp nối của Nghị quyết 15-NQ/TW của Trung ương “Về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020”; đề cập đến các yếu tố nền tảng làm cơ sở và tính cấp thiết phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội trong giai đoạn hiện nay, quan điểm, mục tiêu tầm nhìn và những nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu đề ra. Những nội dung cơ bản trong Nghị quyết số 42-NQ/TW nhất là những vấn đề mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và thiết thực đối với giảng viên khoa Xây dựng Đảng trong quá trình giảng dạy Chương trình Trung cấp lý luận chính trị nói chung và phần học “Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam” nói riêng. Phần học “Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam” trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị gồm 12 bài. Các chuyên đề của phần học tập trung nghiên cứu những quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về các lĩnh vực cụ thể: Kinh tế; văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, an sinh xã hội; dân tộc - tôn giáo; đảm bảo quyền con người; thi đua, khen thưởng và quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Bài 6 trong phần học đề cập đến hai nội dung cơ bản: Chính sách xã hội, an sinh xã hội, quản lý phát triển xã hội và Chính sách xã hội, an sinh xã hội quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam. Khi soạn giảng những vấn đề chung về chính sách xã hội, an sinh xã hội, quản lý phát triển xã hội; giảng viên cần cập nhật những điểm mới trong Nghị quyết số 42- NQ/TW, cụ thể như sau: Thứ nhất: Tính cấp thiết phải đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội trong giai đoạn hiện nay; xuất phát từ cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các Nghị quyết đều đặt ra các yêu cầu hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng hệ thống luật pháp, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là chính sách xã hội; yêu cầu lấy người dân làm trung tâm, tất cả vì lợi ích của người dân. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW (Hội nghị Trung ương 5 khóa XI), ngày 01/6/2012; công tác chính sách xã hội của nước ta đạt được những kết quả nhất định, bên cạnh đó cũng còn một số hạn chế. Đây là những cơ sở quan trọng để tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng chính sách xã hội. Thứ hai: Cách tiếp cận và phạm vi chính sách xã hội Về cách tiếp cận: So với Nghị quyết 15-NQ/TW, Nghị quyết 42-NQ/TW có sự điều chỉnh về tiếp cận, từ “bảo đảm và ổn định” sang “ổn định và phát triển”; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội. Về phạm vi: Nghị quyết 42-NQ/TW mở rộng phạm vi ra toàn bộ các nhóm chính sách xã hội cho tất cả các đối tượng trên nguyên tắc bảo đảm tính toàn dân, toàn diện, bao gồm: Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; Chính sách lao động, việc làm, phát triển nguồn nhân lực; Chính sách đảm bảo an sinh xã hội (trụ cột là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ giúp xã hội, giảm nghèo; Chính sách về nâng cao phúc lợi xã hội và đảm bảo tiếp cận dịch vụ xã hội (về y tế, giáo dục, nhà ở, văn hóa, nước sạch, vệ sinh môi trường, thông tin); Chính sách đối với nhóm yếu thế, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa. Thứ ba: Quan điểm; mục tiêu và tầm nhìn Về quan điểm: Nghị quyết 42-NQ/TW đưa ra 4 nhóm quan điểm vừa có tính kế thừa, phát huy, vừa có tính bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Về mục tiêu: Nghị quyết 42-NQ/TW xác định rõ mục tiêu tổng quát đến năm 2030: Xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng; hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hội nhập quốc tế. Nghị quyết đưa ra 37 chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030. Về tầm nhìn: Nghị quyết xác định tầm nhìn đến năm 2045: Hệ thống chính sách xã hội phát triển toàn diện, bền vững, tiến bộ và công bằng, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân; nằm trong nhóm quốc gia có chỉ số phát triển con người (HDI) cao trên thế giới. Khi soạn giảng phần chính sách xã hội, an sinh xã hội quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam; giảng viên cần cập nhật 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mang tính tổng thể, hệ thống, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực về chính sách xã hội trong Nghị quyết số 42- NQ/TW. Cụ thể: Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của chính sách xã hội; Nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước về chính sách xã hội; Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; Phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững cho người lao động; Xây dựng hệ thống an sinh xã hội bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, không để ai bị bỏ lại phía sau; Nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng; Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ xã hội; Đẩy mạnh hợp tác và tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm quốc tế trong thực hiện chính sách xã hội; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng trong thực hiện chính sách xã hội. Việc vận dụng Nghị quyết số 42-NQ/TW vào soạn giảng Bài 6 “Chính sách xã hội, an sinh xã hội và quản lý phát triển xã hội” đòi hỏi mỗi giảng viên phải nâng cao ý thức trách nhiệm; tích cực, chủ động nghiên cứu toàn diện, nắm bắt đúng đắn và đầy đủ tinh thần, nội dung của Nghị quyết và vận dụng vào từng nội dung cụ thể trong bài giảng một cách linh hoạt và phù hợp. Có thể khẳng định rằng, việc vận dụng các Nghị quyết hội nghị Trung ương 8, khóa XIII vào giảng dạy lý luận chính trị là một yêu cầu cần thiết và nhiệm vụ thường xuyên của giảng viên khoa Xây dựng Đảng nói riêng và Trường Chính trị tỉnh nói chung; đảm bảo gắn lý luận với thực tiễn và góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của nhà trường./.
ThS. Nguyễn Mạnh Dũng | ||
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=van-dung-nghi-quyet-so-42-nqtw-vao-giang-day-bai-6-chinh-sach-xa-hoi-an-sinh-xa-hoi-va-quan-ly-phat-trien-xa-hoi-thuoc-hoc-phan-duong-loi-chinh-ach-cua-dang-nha-nuoc-viet-nam | ||
|