Thứ tư, 29.11.2023 GMT+7

Một số giải pháp phát triển du lịch Phú Thọ trong giai đoạn hiện nay

Phú Thọ là tỉnh miền núi phía Bắc, nơi được biết đến là cái nôi của nền văn hóa Lạc Việt. Hiện nay, trong quy hoạch vùng thủ đô, Phú Thọ được xác định là nơi hội tụ nhiều tiềm năng, điều kiện phát triển du lịch. Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, ngành du lịch Phú Thọ đang từng bước phục hồi và phát triển mạnh hướng tới mục tiêu là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong những năm tới.

     Hiện nay, Phú Thọ có tiềm năng về du lịch tự nhiên và du lịch tâm linh. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để Phú Thọ thúc đẩy phát triển du lịch góp phần đóng góp vào GRDP toàn tỉnh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

     Trong 02 năm trở lại đây, tỉnh Phú Thọ tích cực triển khai các giải pháp mở cửa lại và phục hồi hoạt động du lịch. Chỉ tính riêng năm 2022, tỉnh đã tổ chức các chương trình xúc tiến quảng bá, kích cầu du lịch, tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch thu hút du khách như: Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022, 2023; Đăng cai nhiều bảng bóng đá giao hữu có đội tuyển Việt Nam tham dự; đăng cai Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV năm 2022; tổ chức Tuần du lịch Thanh Thủy - mùa thu năm 2022; đưa vào khai thác Siêu thị du lịch nông nghiệp OCOP Phú Thọ tại Chợ trung tâm thành phố Việt Trì; tổ chức và tham gia hơn 10 sự kiện, hội chợ xúc tiến liên kết du lịch Phú Thọ với Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh; công bố tour du lịch học đường “Trở về nguồn cội”, tổ chức đón các đoàn khách du lịch quốc tế sau hơn 02 năm ảnh hưởng dịch bệnh Covid -19. Thông qua các hoạt động dịch vụ, du lịch, quảng bá trên đã giúp cho hoạt động dịch vụ du lịch của tỉnh phát triển mạnh. Doanh thu từ du lịch năm 2022 đạt 2.650 tỷ đồng, khách lưu trú có 685.000 lượt, khách quốc tế: 7.500 lượt [1]. Các khu, điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đã quan tâm đến công tác xây dựng và quảng bá sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, tăng cường quảng bá, liên kết để thu hút khách du lịch, tour khách du lịch quốc tế đường sông đã trở lại tham quan du lịch Phú Thọ 03 tour/tháng, tour du lịch học đường “Trở về nguồn cội” tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng được khai thác thu hút đông đảo đối tượng khách học sinh, sinh viên. Nhà hàng Sen Vàng, Siêu thị du lịch nông nghiệp OCOP Phú Thọ tại Chợ trung tâm Việt Trì đón và phục vụ hàng chục ngàn lượt khách từ các tour du lịch của các đơn vị lữ hành miền Trung và miền Nam; những ngày nghỉ cuối tuần và dịp nghỉ lễ công suất sử dụng phòng ở các khu điểm du lịch như Thanh Thủy, Vườn quốc gia Xuân Sơn đạt trên 90%...

     Tại sự kiện Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Phú Thọ, đã cóhơn 20 đơn vị là khách sạn, nhà hàng tham gia chương trình Giao lưu ẩm thực Phú Thọ giới thiệu hàng trăm món ăn đặc sắc vùng Đất Tổ, thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan mỗi ngày.

     Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động phát triển du lịch Phú Thọ cũng còn một số khó khăn như: Dịch vụ du lịch chất lượng cao chiếm tỉ lệ nhỏ trong khối ngành dịch vụ du lịch; nguồn nhân lực ngành du lịch còn thiếu và chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu; sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn để thu hút khách tham quan trải nghiệm, nhất là dịch vụ về đêm; các điểm tham quan du lịch cộng đồng quy mô còn nhỏ và chất lượng dịch vụ còn thấp…

     Để du lịch Phú Thọ phát triển bền vững, xứng đáng với vị thế của mình, trong thời gian tới cần có những giải pháp cụ thể như sau:

     Một là, cần quan tâm cải cách hành chính, hoàn thiện tổ chức của các cơ quan quản lý liên quan đến phát triển du lịch, chú trọng bổ sung và nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý văn hóa du lịch các cấp.

     Hai là, chỉ đạo tập trung tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Phú Thọ là điểm đến an toàn, thân thiện tới các đơn vị theo ngành trên toàn quốc và các đối tác trong nước và quốc tế nhằm tăng cường thu hút khách đến Phú Thọ.

     Ba là, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về việc chung tay phát triển du lịch, tại các điểm du lịch cần bán hàng đúng gia niêm yết, đảm bảo công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường đặc biệt tại các điểm lưu trú qua đêm…

     Bốn là, đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư các dự án du lịch với các nhà đầu tư lớn có uy tín, có tiềm lực, hình thành các khu điểm du lịch với các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn có sức cạnh tranh thu hút khách du lịch trong khu vực.

     Năm là, khuyến khích đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch dịch vụ có giá trị gia tăng cao: Các loại hình du lịch văn hóa, du lịch thể thao, vui chơi giải trí, loại hình du lịch trải nghiệm về đêm….

     Sáu là, nâng cao năng lực doanh nghiệp du lịch; chất lượng nguồn nhân lực du lịch; đổi mới hình thức quảng bá, xúc tiến liên kết hợp tác phát triển du lịch, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động du lịch…

     Bảy là, các cơ sở lưu trú tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bổ sung các dịch vụ gia tăng để thu hút khách du lịch. Các nhà hàng đổi mới món ăn, set up các combo, dành tặng quà tặng cho khách hàng khi tổ chức dịch vụ cưới hỏi, tiệc, hội nghị... tạo sự hấp dẫn thu hút khách sử dụng dịch vụ gia tăng.

     Với những nỗ lực của toàn ngành du lịch cùng với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, hy vọng những năm tiếp theo du lịch Phú Thọ sẽ bứt phát và là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong tỉnh.

ThS. Nguyễn Thị Thúy Hằng

Khoa Lý luận cơ sở

     Tài liệu tham khảo:

     1. Báo cáo kết quả hoạt động du lịch của Hiệp hội Du lịch tỉnh Phú Thọ năm 20222, phương hướng năm 2023.

 

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=mot-so-giai-phap-phat-trien-du-lich-phu-tho-trong-giai-doan-hien-nay
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com