| ||
Vận dụng tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào giảng dạy phần học Kinh tế chính trị Mác - Lênin | ||
Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang phải đối phó với các thế lực thù địch chống phá trên mặt trận tư tưởng và những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong bối cảnh đó, cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, củng cố niềm tin khoa học và làm sâu sắc thêm bản chất, giá trị cốt lõi của CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta; đồng thời đã đúc kết những thành tựu phát triển lý luận, những kết quả tổng kết thực tiễn mới nhất của Đảng ta trong giai đoạn đổi mới. Trong học phần Kinh tế chính trị (KTCT) Mác - Lênin của Chương trình Trung cấp lý luận chính trị (LLCT), việc vận dụng nội dung các bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư vào bài giảng là yêu cầu cấp thiết, là nhiệm vụ và trách nhiệm của người giảng viên, góp phần vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tuy nhiên, để đảm bảo yêu cầu về sự cân đối kiến thức bài giảng và nội dung lồng ghép, mỗi giảng viên nên chắt lọc những nội dung thật sự phù hợp tránh trùng lắp hoặc lồng ghép quá nhiều khiến học viên nhàm chán, không hiệu quả. Trong bài viết này, cá nhân tôi xin chia sẻ kinh nghiệm về việc vận dụng nội dung tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” vào giảng dạy phần học KTCT Mác - Lênin. Trong Chương trình Trung cấp LLCT, học phần KTCT Mác - Lênin gồm 02 phần: Phần 1: KTCT về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa; Phần 2: KTCT về thời kỳ quá độ lên CNXH. Trong phần 1: “KTCT về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa” giảng viên có thể lựa chọn nội dung trong cuốn sách để vận dụng cho phù hợp, ví dụ như vận dụng để làm rõ hơn những ưu việt của sản xuất hàng hóa; những thành tựu của chủ nghĩa tư bản (CNTB) trong lý luận về giá trị thặng dư hay những hạn chế trong sự phát triển của CNTB.Tuy nhiên nội dung vận dụng chủ yếu tác phẩm của Tổng Bí thư là phần 2: “KTCT về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”. Do vậy trong bài viết này chỉ đề cập đến việc cập nhật các nội dung của tác phẩm trong phần KTCT về thời kỳ quá độ lên CNXH. Cụ thể như sau: Bài 15: Quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN từ trình độ phát triển kinh tế lạc hậu. Thứ nhất, khi phân tích về sự “tiến bộ”, về thành tựu của CNTB và những hạn chế của CNTB, giảng viên có thể vận dụng để khẳng định và chứng minh cho nhận định trên, như: “Chúng ta thừa nhận rằng, CNTB chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học, công nghệ... Tuy nhiên, CNTB vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó. Các cuộc khủng hoảng vẫn tiếp tục diễn ra. Kinh tế suy thoái đã làm phơi bày sự thật của những bất công xã hội trong các xã hội TBCN…”[1] hay “Một bộ phận rất nhỏ, thậm chí chỉ là 1% dân số, nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu sản xuất, kiểm soát tới 3/4 nguồn tài chính, tri thức…”[2]. Thứ hai, khi nhận định về tính lâu dài, khó khăn, phức tạp của thời kỳ quá độ; giảng viên đưa những nội dung trong tác phẩm về đặc điểm của thời kỳ quá độ vào bài giảng để có thể khẳng định rõ ràng hơn, cụ thể: “Càng đi vào chỉ đạo thực tiễn, Đảng ta càng nhận thức được rằng, quá độ lên CNXH là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp, vì nó phải tạo sự biến đổi sâu sắc về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội…”[3]. Thứ ba, trong nội dung về “Khả năng khách quan và tiền đề chủ quan của quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN ở Việt Nam”, đã khẳng định: “con đường lựa chọn lên CNXH của nước ta là đúng đắn”. Nội dung này, giảng viên có thể chọn lọc những thành tựu của công cuộc đổi mới trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội được đưa ra để có những nhận định phong phú hơn cho bài giảng. Bài 16: Đặc điểm kinh tế cơ bản của thời kỳ quá độ lên CNXH. Trong bài này giảng viên cần khẳng định: Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình phát triển đặc thù của Việt Nam, phù hợp với điều kiện của giai đoạn quá độ lên CNXH và đặc điểm của đất nước. Về nội dung này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Mô hình kinh tế mà chúng ta xây dựng là kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đây chính là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới…”[4]. Bài 17: Những nhiệm vụ kinh tế cơ bản của thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam. Về thực hiện các nhiệm vụ kinh tế trong thời kỳ quá độ của nước ta được thể hiện ở nhiều bài viết của Tổng Bí thư trong cuốn sách. Giảng viên cần khái quát về những nội dung, nhiệm vụ kinh tế - xã hội chung nhất được đưa ra trong tác phẩm, cụ thể: Đó là phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật, bình đẳng trước pháp luật, thực hiện chế độ phân phối công bằng và tạo động lực cho phát triển. Đó là phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc... Đó là con người giữ vị trí trung tâm; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới. Việc vận dụng nội dung bài viết của Tổng Bí thư để minh chứng cho nội dung bài giảng, giúp học viên thấy rõ hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng và phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ ở Việt Nam, đồng thời giúp học viên củng cố niềm tin vào con đường phát triển của đất nước, tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Để vận dụng vào giảng dạy, giảng viên cần phải có trình độ, kinh nghiệm, phương pháp, kỹ năng khác nhau, phải thường xuyên trau dồi kiến thức chuyên môn và sử dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy gắn với việc hình thành tư duy phản biện để thực hiện nhiệm vụ giáo dục LLCT theo phương châm khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại. ThS. Bùi Thị Huyền Khoa Lý luận cơ sở Tài liệu tham khảo 1. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị, Nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, Nxb. Lý luận chính trị, HN.2021. 2. Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, HN.2022. | ||
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=van-dung-tac-pham-mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-ve-cnxh-va-con-duong-di-len-cnxh-o-viet-nam-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-vao-giang-day-phan-hoc-kinh-te-chinh-tri-mac-lenin | ||
|