Thứ năm, 05.10.2023 GMT+7

Quy định pháp luật về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán về đường lối, quan điểm, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ. Đổi mới, sáng tạo luôn là chủ trương đúng đắn, cần thiết trong quá trình đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung của cán bộ vẫn còn có những khó khăn, hạn chế nhất định. Thực tiễn lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của không ít cán bộ còn nhiều khó khăn, trở ngại, vướng mắc do một số quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn chưa hoàn thiện, thậm chí nhiều quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất, đồng bộ hoặc liên thông, không còn phù hợp với thực tiễn. Nhiều vấn đề mới nảy sinh, chưa có tiền lệ (không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới) chưa được quy định, chưa có kinh nghiệm, dễ gây rủi ro, sai sót, thiệt hại hoặc dễ bị lợi dụng để làm trái, trục lợi trong quá trình triển khai thực hiện. Điều này khiến cho cán bộ nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng chưa phát huy hết được năng lực, tinh thần đổi mới, sáng tạo, thậm chí còn e ngại bị xem xét trách nhiệm hình sự hoặc xử lý kỷ luật khi có khuyết điểm, vi phạm, hạn chế, thiếu sót. Trong khi đó, chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để khuyến khích đối với cán bộ, đặc biệt là thiếu các cơ chế để bảo vệ cán bộ trong những trường hợp quyết định đổi mới, sáng tạo có sai sót.

Để giải quyết những vấn đề này, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương, ban hành nhiều nghị quyết về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám  nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung. Báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định một trong những nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là: “có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”. Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung đã thể hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ, sáng tạo, vì lợi ích chung trong giai đoạn hiện nay. Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2022 Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã xác định: “Thực hiện tốt chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung”.

Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước ta đã xác định thúc đẩy thể chế đổi mới, sáng tạo là một trong những nội dung cốt lõi trong đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế để phát triển, đồng thời thể chế hóa, cụ thể hóa một số cơ chế, chính sách đổi mới, sáng tạo như: Chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ; chính sách thu hút, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ; các quy định về khuyến khích thi đua, khen thưởng, về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, về khuyến khích phong trào thi đua, sáng tạo trong quần chúng… Bên cạnh đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ “khẩn trương tham mưu, thể chế hóa, thực hiện Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung”.

Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới đã yêu cầu thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Tại Nghị quyết số 85/NQ-CP ngày 09/7/2022 của Chính phủ, Nghị quyết hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ “nghiên cứu việc xây dựng văn bản để thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”. Vì vậy, Bộ Nội vụ đã xây dựng và trình thẩm định Dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung theo quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

 Ngày 29/9/2023, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Nội dung cơ bản của Nghị định được thể hiện qua một số điểm sau:

- Một là, về bố cục và đối tượng áp dụng: Nghị định có kết cấu gồm 5 chương, 24 điều; đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; viên chức quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập; người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ (gọi chung là cán bộ) và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. 

Cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là cán bộ có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn nhằm tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.

Vì lợi ích chung là vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, cộng đồng, của ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị mà không vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, không có động cơ vụ lợi.

Khuyến khích là sự khích lệ, tin tưởng, tôn trọng, ghi nhận, động viên, tạo động lực, nguồn lực, điều kiện và môi trường để cán bộ phát huy tính năng động, sáng tạo.

Bảo vệ là việc áp dụng các biện pháp cần thiết, kịp thời, hiệu quả, phù hợp với quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước và thực tiễn triển khai để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

- Hai là, nguyên tắc khuyến khích, bảo vệ cán bộ: Nghị định quy định 5 nguyên tắc khuyến khích, bảo vệ cán bộ. Cụ thể là:

+ Cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung phải được khuyến khích, bảo vệ. 

+ Khuyến khích, bảo vệ cán bộ có đề xuất đổi mới, sáng tạo được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, quyết định cho thực hiện trong phạm vi thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật, bảo đảm không trái quy định của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan nhà nước cấp trên và Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

+ Cán bộ có đề xuất đổi mới, sáng tạo được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, quyết định cho thực hiện, có kết quả đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, của ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị được ghi nhận, tôn vinh, khen thưởng xứng đáng. Cơ quan sử dụng cán bộ báo cáo, xin ý kiến cấp ủy, tổ chức đảng cùng cấp trước khi phê duyệt và đánh giá kết quả thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo.

+ Việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ phải được thực hiện kịp thời, dân chủ, công khai, minh bạch; đúng đối tượng, trình tự, thủ tục. Cơ quan, người có thẩm quyền phải kịp thời xem xét, đánh giá kết quả thực hiện, xác định rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá khách quan, toàn diện đối với việc đề xuất và thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo.

+ Cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung có thể không bị xử lý trách nhiệm, được loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm theo quy định.

- Ba là, điều kiện áp dụng chính sách khuyến khích, biện pháp bảo vệ cán bộ: Nghị định quy định các trường hợp đề xuất đổi mới, sáng tạo đáp ứng các điều kiện như: có khả năng tháo gỡ, giải quyết điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật. Cán bộ vì lợi ích chung, đem lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo chuyển biến; không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý. Trong trường hợp đề xuất đổi mới, sáng tạo mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra, gây ra thiệt hại nhưng được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, đánh giá đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung, sẽ được áp dụng biện pháp bảo vệ cán bộ.

- Bốn là, những việc cơ quan, tổ chức, cán bộ và cá nhân không được làm trong khuyến khích, bảo vệ cán bộ: Nghị định quy định rõ những việc không được làm như: lợi dụng chính sách để thực hiện hoặc bao che hành vi tham nhũng, tiêu cực, trục lợi, vi phạm kỷ luật; cản trở, gây khó khăn, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cán bộ năng động, sáng tạo; né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong trình tự, thủ tục phê duyệt và triển khai thực hiện các đề xuất đổi mới, sáng tạo; xử lý trách nhiệm với cán bộ khi đã được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ…

- Năm là, về trình tự, thủ tục phê duyệt: Khi đề xuất đổi mới, sáng tạo được đưa ra, người đứng đầu cơ quan sẽ chủ trì họp tập thể lãnh đạo để xem xét, thảo luận và biểu quyết việc thực hiện và được thông qua khi đạt tỉ lệ trên 50% ý kiến biểu quyết. Trường hợp không được tập thể lãnh đạo thông qua, người đứng đầu quyết định cho triển khai thực hiện nếu xét thấy đề xuất của cán bộ là cần thiết, có tính khả thi và chịu trách nhiệm trước cơ quan sử dụng cán bộ cấp trên và trước pháp luật về quyết định của mình.

Với đề xuất đổi mới, sáng tạo có phạm vi rộng, nội dung phức tạp, trường hợp cần thiết người đứng đầu cơ quan sử dụng cán bộ thành lập hội đồng đánh giá đề xuất để quyết định.

- Sáu là, chính sách khuyến khích cán bộ: Cán bộ đề xuất đổi mới, sáng tạo được khuyến khích bằng các hình thức như: tuyên dương, biểu dương và khen thưởng; được lấy làm căn cứ để đánh giá trước khi xếp loại, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch, điều động, luân chuyển theo hướng ưu tiên bố trí, sử dụng cán bộ; được đánh giá là có thành tích xuất sắc để xét nâng ngạch, nâng lương trước 12 tháng; được động viên, khuyến khích bằng các hình thức khác phù hợp.

- Bảy là, trách nhiệm của cán bộ đề xuất đổi mới, sáng tạo và cá nhân, tổ chức thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo:

+ Tham dự các cuộc họp của tập thể lãnh đạo, của Hội đồng đánh giá đề xuất để trình bày, phát biểu ý kiến.

+ Chủ trì hoặc phối hợp với cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ tiếp thu, hoàn thiện đề xuất trên cơ sở ý kiến kết luận của tập thể lãnh đạo, của Hội đồng đánh giá đề xuất.

+ Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn lực; chủ động, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện đề xuất và khắc phục hậu quả phát sinh (nếu có).

+ Báo cáo trung thực, đầy đủ, kịp thời về đề xuất đổi mới, sáng tạo, tình hình thực hiện, các thuận lợi, khó khăn, kết quả thực hiện đề xuất; xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan sử dụng cán bộ khi có vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.

+ Chấp hành các quyết định của cơ quan sử dụng cán bộ.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định trách nhiệm của cơ quan sử dụng cán bộ và người đứng đầu cơ quan sử dụng cán bộ, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm khuyến khích, bảo vệ cán bộ đề xuất và cán bộ, cá nhân, tổ chức thực hiện đề xuất; không lạm quyền trong giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền trong quá trình cán bộ, cá nhân, tổ chức thực hiện đề xuất. Cơ quan và người đứng đầu cơ quan sử dụng cán bộ cũng phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc thực hiện đề xuất. 

Có thể thấy rằng, sự ra đời của Nghị định 73/2023/NĐ-CP chính là sự thể chế hóa, cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, giải quyết bài toán thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ trong thời gian qua. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung. Từ đó, động viên cán bộ tích cực phát huy trí tuệ sáng tạo, mạnh dạn đề xuất ý tưởng, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không còn phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung. Bên cạnh đó, ngăn ngừa, xử lý nghiêm những cán bộ lợi dụng chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29/9/2023.

ThS Hoàng Văn Bắc

Khoa Nhà nước và pháp luật

 
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=quy-dinh-phap-luat-ve-khuyen-khich-bao-ve-can-bo-nang-dong-sang-tao-dam-nghi-dam-lam-dam-chiu-trach-nhiem-vi-loi-ich-chung
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com