Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị (Ảnh: Báo Nhân dân điện tử)
Đồng chí Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại đầu cầu tỉnh Phú Thọ. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang chủ trì tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ
Tiếp tục kiên định mục tiêu tổng quát đề ra
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương nỗ lực, kết quả của các bộ, ngành, địa phương, đóng góp vào thành tựu chung của cả nước. Bên cạnh những thành tựu, kết quả rất cơ bản đạt được, Thủ tướng dành thời gian phân tích về những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức nổi lên, nguyên nhân của kết quả đạt được, của hạn chế, yếu kém và các bài học kinh nghiệm.
Đồng chí cho biết: Thời gian tới, tình hình thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, phức tạp, khó lường trên các lĩnh vực. Trong nước, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, khó khăn thách thức vẫn nhiều hơn như: Áp lực tăng trưởng lớn; sức ép lạm phát tăng; thị trường quốc tế tiếp tục bị ảnh hưởng; thiên tai, biến đổi khí hậu ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống…
Với yêu cầu tiếp tục kiên định mục tiêu tổng quát đã đề ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Các cấp, ngành, địa phương phải tiếp tục nắm chắc tình hình, tăng cường năng lực phân tích, dự báo để có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả; đồng thời chuẩn bị kỹ các phương án, kịch bản, giải pháp ứng phó với các tình huống có thể xảy ra; dứt khoát không trông chờ, ỷ lại, đùn đẩy, né tránh, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh phải ưu tiên cho tăng trưởng, trong đó tập trung cho tăng trưởng sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, với mục tiêu tăng trưởng khoảng 10% trong quý IV để bù cho mức tăng trưởng thấp những quý trước.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phân cấp, phân quyền; tích cực tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho sản xuất, kinh doanh; tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó thúc đẩy phát triển hạ tầng chiến lược, đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu mới; thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa... nhằm tái cơ cấu nền kinh tế để phát triển nhanh và bền vững.
Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan, địa phương. Trong đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 3 chương trình mục tiêu quốc gia; chú trọng giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nguyên, vật liệu san lấp, phục vụ xây dựng các dự án cao tốc qua địa bàn.
Quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, chuyển đổi số quốc gia; thực hiện quyết liệt Đề án 06. Giải quyết ngay các vướng mắc, nhất là về cơ chế, chính sách, thủ tục pháp lý, mặt bằng... để đẩy nhanh triển khai dự án đầu tư.
Khẩn trương hoàn thành lập, thẩm định, phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch. Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, đời sống người dân, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực hơn nữa để hoàn thành đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023, tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai thực hiện kế hoạch năm 2024 và tiến tới hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra cho cả nhiệm kỳ.
GDP 9 tháng đầu năm tăng 4,24%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo và thảo luận, đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9/2023, quý III/2023, 9 tháng năm 2023; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tháng 10 và những tháng còn lại của năm 2023; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; 3 chương trình mục tiêu quốc gia và báo cáo giữa nhiệm kỳ theo Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
9 tháng đầu năm 2023, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. GDP 9 tháng đầu năm tăng 4,24%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Trong đó, khu vực nông nghiệp tăng 3,43%; công nghiệp và xây dựng tăng 2,41%; khu vực dịch vụ tăng 6,32%.
Đầu tư được thúc đẩy mạnh mẽ, trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tổng vốn FDI đăng ký 9 tháng đạt 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện đạt 15,91 tỷ USD, tăng 2,2%.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế được chú trọng; đời sống người dân tiếp tục được cải thiện; công tác cải cách thủ tục hành chính; rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế được đẩy mạnh. Đã cắt giảm, đơn giản hóa 2.189 quy định kinh doanh; 68,8% thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến.
Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về Việt Nam. Đặc biệt, về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2023, Việt Nam xếp hạng 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022; xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc; xếp hạng giá trị thương hiệu quốc gia tăng 01 bậc, xếp thứ 32/100 với trị giá 431 tỷ USD, có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới tính từ năm 2019 đến nay (74%).
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ
Đối với tỉnh Phú Thọ, 9 tháng đầu năm 2023, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã triển khai hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, thúc đẩy giải ngân đầu tư công nên kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực ở hầu hết các lĩnh vực; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh ước đạt 6,5%. Thu ngân sách Nhà nước đạt 100% dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành đạt 30.576,7 tỷ đồng, đạt 70,3% kế hoạch năm, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng mạnh 15,9% so với cùng kỳ, chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 37.311,6 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ.
(Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ)