Thứ năm, 31.08.2023 GMT+7

Một số giải pháp ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống ở Việt Nam hiện nay

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam luôn phải đối mặt với những kẻ thù hùng mạnh và nhiều nguy cơ, thách thức to lớn. Trong suốt quá trình ấy, ông cha ta đã làm nên biết bao chiến công oanh liệt, bảo vệ vững chắc và xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng phát triển. Từ khi Đảng ra đời, cách mạng Việt Nam đã tiếp tục giành nhiều thắng lợi vĩ đại, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, hiện nay đất nước đang phải đối diện với nhiều thách thức trong lĩnh vực an ninh quốc gia, trong đó nổi lên những vấn đề an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, cần phải có giải pháp ứng phó trong bối cảnh hiện nay.

     An ninh phi truyền thống là một khái niệm mới xuất hiện trong vài thập niên gần đây và được sự quan tâm thu hút của dư luận quốc tế. An ninh phi truyên thống có thể hiểu là một loại hình an ninh xuyên quốc gia do những yếu tố phi chính trị và phi quân sự gây ra, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định, phát triển và an ninh của mỗi nước, của khu vực và của toàn cầu. Nội dung của an ninh phi truyền thống là những vấn đề bức thiết đang nổi lên hiện nay như: Cạn kiệt tài nguyên, bùng nổ dân số, môi trường sinh thái suy kiệt, xung đột tôn giáo, dân tộc, nghèo đói, bệnh tật, tội phạm rửa tiền,... An ninh phi truyền thống ngày càng có biểu hiện sâu đậm trong đời sống quốc tế và thành vấn đề toàn cầu, an ninh toàn cầu. Quá trình toàn cầu hóa phát triển thì theo đó, an ninh phi truyền thống ngày càng lan rộng hơn và đậm nét hơn.

     Đối với Việt Nam, việc phối hợp với quốc tế để giải quyết một số vấn đề an ninh phi truyền thống đã được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Nghị quyết số 08/NQ-TW, ngày 17/12/1998 của Bộ Chính trị khóa VIII, cảnh báo và chỉ ra các yếu tố thách thức đối với an ninh quốc gia, trong đó có vấn đề an ninh phi truyền thống. Tiếp sau đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03/6/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đây chính là một động thái thiết thực nhất đối với việc xử lý vấn đề thuộc an ninh phi truyền thống.

     Đại hội XII của Đảng yêu cầu phải “sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống”. Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng đã tiếp tục khẳng định nhận thức, quan điểm nhất quán về nội dung, thách thức của an ninh phi truyền thống đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đại hội nhấn mạnh: “Những vấn đề toàn cầu như: bảo vệ hòa bình, an ninh con người, thiên tai, dịch bệnh, an ninh xã hội và an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường,... tiếp tục diễn biến phức tạp”, “Những vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng đa dạng, phức tạp, tác động mạnh mẽ”, từ đó, đề ra nhiệm vụ “sẵn sàng ứng phó hiệu quả các thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống”...; bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh thông tin truyền thông, an ninh mạng và an ninh xã hội. Kịp thời đấu tranh trấn áp có hiệu quả các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Chủ động phối hợp với các quốc gia bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống, tạo vành đai bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Có thể thấy, Đại hội XIII của Đảng đã thể hiện tư duy, nhận thức vừa mới, vừa sâu sắc và toàn diện về an ninh phi truyền thống đối với quốc phòng, an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, nhấn mạnh “an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương”, phù hợp với bối cảnh hiện nay và coi việc giữ vững an ninh quốc gia vừa là mục tiêu, giải pháp để phát triển bền vững đất nước, vừa thể hiện tư tưởng chỉ đạo phát triển để giữ vững an ninh, an ninh để phát triển, an ninh trong phát triển. 

     An ninh phi truyền thống đã và đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới. Do đó, việc nghiên cứu, dự báo để chủ động có biện pháp phòng, chống là vấn đề cấp thiết đối với mọi quốc gia nói chung, Việt Nam nói riêng. Để ứng phó hiệu quả với tác động của an ninh phi truyền thống, cần thực hiện một số giải pháp:

     Thứ nhất, nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành, lực lượng và toàn xã hội về những biểu hiện mới và các mối đe dọa an ninh phi truyền thống thông qua hình thức truyền thông để tác động đến nhận thức cho cộng đồng xã hội. Bên cạnh đó là lồng ghép các biện pháp giáo dục trong nhà trường, tổ chức tuyên truyền thông qua các hội nghị, hội thảo khoa học, thông tin thời sự,… và cần phải thực hiện thường xuyên, đồng bộ mới có thể đem lại hiệu quả.

     Thứ hai, chủ động, tích cực phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Việc chủ động ngăn ngừa nguy cơ này đòi hỏi trước tiên phải  không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Để làm được điều đó, trong từng giai đoạn, cần hết sức coi trọng gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước đi, chính sách, kế hoạch và chương trình phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, chú trọng và giải quyết khéo léo, tinh tế, linh hoạt, hiệu quả vấn đề dân tộc, tôn giáo,… hạn chế khả năng chuyển hóa các xung đột xã hội thành xung đột chính trị. Bên cạnh đó, cần xây dựng các lực lượng chuyên trách về ứng phó các vấn đề an ninh phi truyền thống có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức hội nhập quốc tế.

     Thứ ba, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thổng chính trị và toàn xã hội trong giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống. Nhân tố có ý nghĩa quyết định là giữ vững, tăng cường vai trò lãnh đạo Đảng. Đảng cần có những dự báo khoa học về xu hướng phát triển của tình hình thế giới, nhận thức rõ các vấn đề an ninh phi truyền thống, từ đó xác định chủ trương, đường lối để ứng phó phù hợp. Nhà nước cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật, Cần luật hóa vấn đề an ninh phi truyền thống trong Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân và các Luật chuyên ngành khác.Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và nhân dân trong phòng ngừa và ứng phó với thách thức từ những vấn đề xã hội và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ở nước ta hiện nay. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, đồng thời xây dựng cơ chế để người dân tham gia ứng phó một cách tự giác, chủ động, trách nhiệm.

     Thứ tư, tăng cường mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế để ứng phó với các nguy cơ của an ninh phi truyền thống. Để ứng phó với vấn đề này đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả cộng đồng, các tổ chức, quốc gia, khu vực và thế giới. Điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng ta về vấn đề an ninh phi truyền thống, đó là chủ động, tích cực hợp tác cùng các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế ứng phó hiệu quả với những thách thức an ninh phi truyền thống. Nội dung hợp tác rất phong phú, trong đó trực tiếp nhất là chia sẻ thông tin trung thực, kịp thời về các mối đe dọa an ninh phi truyền thống thông qua thiết lập cơ chế hợp tác cụ thể và hữu hiệu; thành tựu khoa học, công nghệ, đào tạo nhân lực và huy động mọi nguồn lực cho phòng ngừa và ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Bên cạnh đó, cần sớm xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; các quỹ phòng, chống an ninh phi truyền thống giữa các nước, khu vực, quốc tế, tạo cơ sở, nền tảng cho sự hợp tác, xử lý nhanh và hiệu quả.

     An ninh phi truyền thống quyết định sự bền vững của mỗi cá nhân con người và chúng ta cần đối phó với nó, tức là phải xây dựng chiến lược, ứng phó với từng mối đe doạ an ninh phi truyền thống. Có như vậy an ninh quốc gia mới được giữ vững, đem lại cuộc sống an toàn, hạnh phúc cho nhân dân.

ThS. Hoàng Tiến Điệp, ThS. Nguyễn Thị Hoa Mỹ

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=mot-so-giai-phap-ung-pho-voi-cac-van-de-an-ninh-phi-truyen-thong-o-viet-nam-hien-nay
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com