Trong ký ức của Đại tá Phạm Quyết Chiến nguyên Phó Tham mưu trưởng - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Thọ - Ủy viên Ban Chấp hành Hội hỗ trợ gia đình Liệt sỹ Việt Nam, Chủ tịch Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Phú Thọ, tất cả các trận đánh, những chiến công, những mất mát, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ nơi ông từng đi qua, từng vào sinh ra tử vẫn còn nguyên vẹn. Ông kể, tháng 5/1972, ông nhập ngũ, huấn luyện chưa đầy 02 tháng thì vào chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng nơi chiến tranh xảy ra ác liệt nhất trong cả nước, sau chiến tranh ông lại tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, tháng 02/1979 tham gia chỉ huy đơn vị chiến đấu tại biên giới Phía Bắc. Cùng nhập ngũ với ông có gần nửa số anh em đã hy sinh hoặc bị thương. Lúc đó, những người chiến sĩ từng có lời thề trước lúc lên đường ra trận: “Chiến tranh là sinh tử; là xanh cỏ, đỏ ngực, nếu thằng nào còn sống phải có trách nhiệm với thằng đã chết”; câu nói ấy nghe thì mộc mạc đầy chất lính, nhưng đó mãi là một lời thề luôn luôn giữ trọn trong trái tim người lính.
Đại tá Phạm Quyết Chiến nguyên Phó Tham mưu trưởng - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Thọ - Ủy viên BCH Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam, Chủ tịch Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Phú Thọ nói chuyện tại lớp Trung cấp LLCT tập trung K1
Câu chuyện của Đại tá Phạm Quyết Chiến chỉ là một trong số hàng ngàn hàng vạn những câu chuyện về sự hy sinh mất mát mà cả dân tộc ta phải đánh đổi để giành lấy hòa bình, tự do cho dân tộc. Hòa bình tự do đã trở về với dân tộc nhưng những vết thương chiến tranh vẫn luôn hiện hữu trong nhiều gia đình; những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng, những người con chưa từng được gặp mặt cha... Hòa bình, tự do, độc lập dân tộc đã phải đánh đổi bằng bao nhiêu xương máu, biết bao chiến sĩ đã ngã xuống và mãi mãi để lại tuổi thanh xuân của mình nơi chiến trường. Họ đã trở thành những tượng đài bất tử, huyền thoại trong lòng những người đang sống. Họ đã sống và chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Tất cả vì Tổ quốc thống nhất”. Máu đào của các anh, các chị đã nhuộm thắm lá cờ vinh quang của dân tộc. Chẳng có sử sách nào có thể ghi lại được hết những hy sinh cao cả của các anh, của những người đã mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ, hòa mình trong mỗi tấc đất của quê hương, nhưng tinh thần, lý tưởng cao đẹp thì vẫn để lại đến muôn đời sau. Tinh thần là ánh sáng chân lý của độc lập dân tộc như lời bác sĩ, liệt sỹ Đặng Thùy Trâm trong cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi 20 đã viết: “Hãy giữ vững tinh thần của người Cộng sản, tinh thần trong suốt như pha lê, cứng rắn như kim cương và chói lọi muôn nghìn hào quang của lòng tin tưởng”.
Trở về với đời thường, ông Phạm Quyết Chiến và những người đồng đội vẫn không quên lời thề năm xưa. Ông cùng những người đồng đội trong Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Phú Thọ lại khoác ba lô lên đường, đến chiến trường xưa, đến những nơi xa xôi lần tìm lại dấu vết đồng đội đã nằm xuống để đưa họ trở về quê hương, những nén hương thơm tưởng nhớ đồng đội, những món quà nhỏ bé mà tràn đầy tình đồng đội được ông và các đồng chí trong Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Phú Thọ trao gửi đến tận tay những người mẹ, người vợ, những thân nhân liệt sỹ mỗi dịp 27 tháng 7 hằng năm là những lời tri ân sâu sắc của người còn sống với người đã nằm lại vì bình yên của Tổ quốc.
Tính đến thời điểm tháng 7 năm 2023, Đại tá Phạm Quyết Chiến cùng Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Phú Thọ đã trực tiếp đi đến hơn 800 nghĩa trang trên toàn quốc, thu thập, chia sẻ, kết nối thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sỹ giúp cho trên 6.500 gia đình liệt sỹ có được thông tin về phần mộ, nơi hy sinh, trường hợp hy sinh, nơi an táng, giám định gen ADN cho 180 trường hợp. Tỉnh hội, các chi hội trực thuộc, chi hội liên kết và các hội viên đã sửa chữa và làm mới trên 100 ngôi nhà tình nghĩa, tặng 67 sổ tiết kiệm và trên 33.000 suất quà. Hỗ trợ đưa hơn 100 hài cốt về quê nhà trong đó có nhiều chuyến xe miễn phí
Một số hình ảnh hoạt động của Hội Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Phú Thọ
Thế hệ trẻ chúng tôi là những người may mắn được sinh ra trong hòa bình, nhưng qua những trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc, qua lời kể của cha ông, chúng tôicàng hiểu hơn về cuộc chiến tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2023) thế hệ trẻ chúng tôi xin bày tỏ tấm lòng tri ân thành kính tới những công lao, đóng góp to lớn của các anh hùng liệt sỹ đã không tiếc tuổi xuân, máu xương vì nền độc lập dân tộc. sự biết ơn vô hạn thế hệ ông cha đã hy sinh thân mình để ngày hôm nay chúng tôi được sống trong hòa bình và càng trân trọng hơn giá trị của độc lập, tự do.
Phát huy truyền thống anh hùng, kiên cường, bất khuất của thế hệ ông cha, tuổi trẻ chúng tôi nguyện đoàn kết, ra sức thi đua học tập, rèn luyện, phát huy tinh thần sáng tạo, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xung kích tình nguyện, cống hiến trí tuệ, sức trẻ để đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Nguyễn Thanh Sơn
Lớp Trung cấp lý luận chính trị tập trung K1