Thứ tư, 26.07.2023 GMT+7

Phú Thọ hướng tới thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW về “tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của thời kỳ quá độ đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Sau hơn 35 năm đổi mới, quá trình CNH, HĐH ở nước ta đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, hội nhập quốc tế mạnh mẽ và sâu rộng; văn hóa, xã hội có bước phát triển mới; đời sống nhân dân từng bước được nâng lên.

Nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 17/11/2022, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 “Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của nhân dân được nâng cao; Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn…” 1.

Trên cơ sở bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về CNH, HĐH, tỉnh Phú Thọ đã cụ thể hóa thành các nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động, dựa trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất các lĩnh vực. 

Tốc độ tăng trường kinh tế bình quân của tỉnh cao hơn mức bình quân chung của cả nước, giai đoạn 2011 - 2015 tăng 6,68%, giai đoạn 2016 - 2020 tăng 7,58%, năm 2021 tăng 6,28%, năm 2022 tăng 7,7%. Quy mô GRDP năm 2022 ước đạt 89.398,1 tỷ đồng, đứng thứ 34/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đứng thứ 3/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Cơ cấu giá trị tăng thêm của Phú Thọ đã chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, phù hợp với sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Ngành nông nghiệp tăng trưởng khá trên cơ sở cơ cấu lại sản xuất và khai thác có hiệu quả các quy hoạch và phát huy tối đa lợi thế, thế mạnh của các địa phương trong tỉnh. Tỉnh đã tập trung thực hiện chính sách hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Thực hiện chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, đổi mới tổ chức sản xuất gắn với ứng dụng khoa học, công nghệ góp phần nâng cao năng suất và chất lượng nông sản tỉnh.

Ngành công nghiệp Phú Thọ đã có xu hướng chuyển dịch dần sang ngành có giá trị gia tăng lớn, hàm lượng khoa học kỹ thuật cao, thân thiện với môi trường như sản xuất linh kiện điện tử, tân dược… Trong nội bộ ngành công nghiệp có sự chuyển dịch rõ ràng, giảm tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. 

Ngành dịch vụ của tỉnh phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu, chất lượng được nâng lên gắn với việc phát triển của khoa học, công nghệ với các ngành dịch vụ có lợi thế thuộc các lĩnh vực: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô và xe máy; Vận tải kho bãi; Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; Dịch vụ lưu trú và ăn uống… Với tốc độ tăng trưởng của ngành được duy trì ở mức khá, tương đối ổn định ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh.

Khoa học, công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo được tỉnh chú trọng. Phú Thọ đã tập trung nhiều nguồn lực cho việc phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ theo hướng huy động được sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà quản lý doanh nghiệp. Các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đạt tỷ lệ bình quân 5,8%/năm, số doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến của quốc tế và khu vực đạt 31%, đạt mục tiêu đặt ra.

Công tác thu hút và thực hiện vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả quan trọng; quy mô vốn đầu tư liên tục tăng qua các năm, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Công tác xúc tiến đầu tư được chú trọng thực hiện thông qua nhiều hoạt động, hình thức xúc tiến đa dạng. Đặc biệt, tỉnh chủ động tiếp cận các nhà đầu tư chiến lược và tận dụng làn sóng dịch chuyển đầu tư nước ngoài để thu hút vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, có giá trị cao.

Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh đã đẩy mạnh cải cách hành chính công, trong đó tập trung triển khai chính quyền điện tử và phát triển kinh tế số; bãi bỏ một số thủ tục hành chính liên quan không cần thiết; nâng cao năng lực cạnh tranh, các chỉ số PAR index, SIPAS, PAPI… Nhờ đó mà chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của Phú Thọ năm 2022 đứng 24/63 tỉnh, thành phố; chất lượng cơ sở hạ tầng đứng thứ 6/63; môi trường đầu tư kinh doanh và chỉ số năng động của chính quyền đứng thứ 2 cả nước; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) đứng thứ 10/61 tỉnh, thành phố; chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) tăng xếp thứ 6/63.

Cơ cấu lao động của tỉnh chuyển dịch theo hướng tiến bộ, theo đúng xu hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Hoạt động giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động được tỉnh chú trọng. Tính đến năm 2022, tỷ lệ lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ trở lên ước đạt 27,2%; lao động có việc làm tăng thêm 18,1 nghìn người, xuất khẩu lao động 2.410 người.

Phú Thọ đặc biệt quan tâm và dành nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, nâng cao chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối liên kết vùng giữa Thủ đô Hà Nội với các tỉnh lân cận phía Bắc và cả nước, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân địa phương.

Chất lượng giáo dục đào tạo được nâng lên, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có thành tích khá của cả nước. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được đảm bảo. Chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được triển khai đồng bộ; chính sách giảm nghèo được thực hiện có hiệu quả. Đời sống vật chất, tinh thân nhân dân không ngừng được cải thiện. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được củng cố, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

Để phát huy những kết quả đạt được, trên cơ sở Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, nhằm tạo động lực thúc đẩy CNH, HĐH trên quê hương Đất Tổ, tỉnh Phú Thọ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: 

Nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, doanh nghiệp và người dân; cụ thể hóa các quan điểm, gắn kết các mục tiêu, nhiệm vụ CNH, HĐH với thực hiện luật pháp và chính sách, quy hoạch, kế hoạch liên quan. 

Hoàn thiện các chính sách thu hút đầu tư. Rà soát, cập nhật chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để thúc đẩy CNH, HĐH các ngành, lĩnh vực phát triển ưu tiên của tỉnh.

Phát triển công nghiệp hiện đại là trụ cột phát triển kinh tế, theo hướng hiện đại, bền vững, thân thiện môi trường. Chuyển dịch cơ cấu dịch vụ theo hướng tăng nhanh các dịch vụ chủ lực. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có quy mô và hiệu quả cao. Tập trung đổi mới hình thức tổ chức sản xuất và tăng cường các hoạt động hợp tác, liên kết sản xuất gắn với giải quyết thị trường đầu ra cho nông sản.

Ưu tiên đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Tiếp tục rà soát các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo hướng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, nông nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao trên địa bàn tỉnh. 

Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hoá nhanh và bền vững, tạo động lực cho CNH, HĐH. Khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng tài nguyên đất đai, nguồn nước và khoáng sản sẵn có đóng góp vào nền kinh tế của tỉnh.

Phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy CNH, HĐH. Tiếp tục thực hiện đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực; thúc đẩy xã hội hóa, thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư cho CNH, HĐH theo hướng lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân; nâng cao hiệu quả đầu tư công. Tập trung triển khai chuyển đổi số trong các thành phần kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam; xây dựng đội ngũ trí thức và doanh nhân đi đầu trong CNH, HĐH bảo đảm an sinh xã hội.

Trên cơ sở thực hiện đồng bộ các giải pháp, phát huy cao nhất mọi tiềm năng, lợi thế của tỉnh; đồng thời thu hút mọi nguồn lực từ bên ngoài để thực hiện thắng lợi mục tiêu CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức và kinh tế số; xây dựng Phú Thọ trở thành tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc. 

ThS. Bùi Thị Huyền – Khoa Lý luận cơ sở

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 về tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Cục Thống kê Phú Thọ: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ năm 2021, năm 2022.

3. Cục Thống kê Phú Thọ: Thành tựu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ sau 25 năm tái lập 1997 - 2021.

4. Tỉnh ủy Phú Thọ: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

 
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=phu-tho-huong-toi-thuc-hien-co-hieu-qua-nghi-quyet-so-29-nqtw-ve-tiep-tuc-day-manh-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-dat-nuoc-den-nam-2030-tam-nhin-den-nam-2045
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com