| ||
Giáo dục thế hệ trẻ theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới đất nước | ||
Trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đảng và Nhà nước luôn coi việc giáo dục thế hệ trẻ theo tư tưởng Hồ Chí Minh có ý nghĩa sâu sắc, nhằm xây dựng lực lượng cách mạng vừa “hồng” vừa “chuyên” làm tiền đề vật chất để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn luôn dành sự quan tâm, chăm lo giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng thế hệ trẻ, coi việc giáo dục thế hệ trẻ là công việc quan trọng của toàn Đảng và mọi cấp, mọi ngành. Người từng khẳng định: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”1, hơn ai hết Người hiểu được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của thế hệ trẻ đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Người ví thanh niên như mùa xuân của đất trời, luôn tươi xanh, căng tràn nhựa sống, luôn nhạy bén với cái mới, muốn chinh phục những thử thách, khó khăn. Ngay từ năm 1924, khi hoạt động ở nước ngoài, Người đã triệu tập thanh niên yêu nước Việt Nam tới Quảng Châu, Trung Quốc để giáo dục lý lưởng cách mạng, tinh thần yêu nước và ý chí đấu tranh giành độc lập dân tộc. Người quan tâm giáo dục thanh niên từ rất sớm, bởi theo Người, muốn thức tỉnh một dân tộc, trước hết phải thức tỉnh thanh niên. Cho đến cuối đời, trong Di chúc thiêng liêng, Người vẫn dành riêng cho thanh niên những lời căn dặn ân cần, ấm áp, chứa đựng biết bao niềm tin và hy vọng cho thế hệ trẻ: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây đựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.” Qua nhiều bài nói, bài viết về thanh niên, có thể khẳng định, quan điểm của Hồ Chí Minh về thanh niên đều nhất quán: Thanh niên là một lực lượng đông đảo, năng động, nhạy bén, giàu ý tưởng sáng tạo, nghị lực, có lý tưởng cao đẹp, hoàn toàn có thể gánh vác những nhiệm vụ khó khăn, gian khổ khi đất nước tin tưởng, giao phó. Từ những quan niệm hết sức đúng đắn về vai trò của thanh niên, Hồ Chí Minh đã định hướng những nội dung cần giáo dục thanh niên. Trong đó, tư tưởng xuyên suốt là giáo dục toàn diện cả về thể chất và tinh thần. Theo Bác, một con người hoàn thiện không chỉ có trí tuệ tinh thông, mà cần phải có sức khỏe dồi dào, đạo đức trong sáng. Nếu tuổi trẻ có tài năng nhưng nhân cách bị hư hỏng, lệch lạc thì không thể làm chủ nhân tương lai của đất nước. Trong giáo dục thanh niên, nội dung giáo dục đạo đức được Người đặc biệt nhấn mạnh. Hồ Chí Minh coi đạo đức là gốc, là then chốt, quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng. Người nói: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”2, Hồ Chí Minh coi đạo đức vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Một thế hệ thanh niên biết trau dồi, tu dưỡng, có bề dày đạo đức sẽ là hành trang vững vàng để vượt qua những khó khăn, thử thách, xứng đáng trở thành chủ nhân của đất nước. Bên cạnh việc chú trọng về đạo đức, Hồ Chí Minh còn yêu cầu giáo dục cho thanh niên lý tưởng cách mạng. Với quan điểm “Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ”, tuổi trẻ như hạt giống, nếu được chăm chút chu đáo, cẩn thận, đúng hướng thì hạt giống sẽ trở thành cây đời tươi tốt, có ích cho xã hội. Thanh niên có lý tưởng đúng đắn sẽ quyết định hành động trong thực tiễn. Mặt khác, thanh niên cần được rèn luyện để nâng cao kiến thức văn hóa, kinh tế, khoa học, kỹ thuật… Đối với thanh niên, việc giáo dục kiến thức về văn hóa, chuyên môn chính là điều kiện cần để hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo; phải có kiến thức mới đưa thanh niên trở thành lực lượng vật chất mạnh mẽ trong quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Người căn dặn thanh niên: “Ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân”. Thấm nhuần sâu sắc những chỉ dạy của Bác, công tác giáo dục thế hệ trẻ ở nước ta hiện nay đã đạt được một số kết quả nhất định như: Phát huy truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước, thanh niên ngày nay tiếp tục là lực lượng xung kích trên tất cả các mặt trận kinh tế, chính trị, văn hoá, quốc phòng, an ninh, ngoại giao…; ngày càng có nhiều những tấm gương sáng điển hình, tiêu biểu trên các lĩnh vực, nhiều thanh niên không ngại khó, ngại khổ để đến với đồng bào vùng dân tộc thiểu số giúp đỡ bà con như: dạy học, làm lại nhà cửa, khám chữa bệnh cho bà con... Nhiều trí thức trẻ trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội đã về những nơi khó khăn, gian khổ, cầm tay, chỉ việc, giúp bà con nông dân, người dân phát triển kinh tế, thoát nghèo... Những việc làm và hoạt động của thanh niên được thể hiện rõ nhất ở các phong trào hành động: “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”, “Đồng hành cùng ngư dân trẻ ra khơi”,… đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong thế hệ trẻ và nhân dân cả nước; góp phần làm thay đổi thái độ và nhận thức chính trị của thanh niên. Thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2021, Đoàn đã thực hiện hơn 369.700 công trình, phần việc thanh niên với tổng trị giá hơn 2.600 tỷ đồng. Cổng thông tin Ngân hàng ý tưởng sáng tạo thanh niên Việt Nam đã đăng tải trên 646.700 ý tưởng, sáng kiến; tổ chức 21.500 hoạt động tuyên truyền về biển, đảo; thực hiện gần 11.000 công trình thanh niên nơi biên giới, hải đảo, trị giá hơn 86,7 tỷ đồng; hỗ trợ 2.626 dự án khởi nghiệp sáng tạo. của thanh niên; tư vấn, hướng nghiệp cho gần 7 triệu lượt thanh thiếu niên, giới thiệu việc làm cho hơn 1,4 triệu thanh niên3. Ngày nay, đất nước ta đang trong quá trình đổi mới toàn diện, mạnh mẽ. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cũng chứa đựng nhiều khó khăn, thách thức. Thực tế cho thấy, còn có nhiều bất cập, nhận thức về vai trò của thanh niên có lúc, có nơi chưa thực sự đầy đủ, phương pháp giáo dục chậm được đổi mới, chưa phù hợp với tâm lý lứa tuổi thanh niên. Cùng với đó, do ảnh hưởng của toàn cầu hóa, mặt trái cơ chế thị trường, một bộ phận không nhỏ thanh niên có biểu hiện chạy theo lối sống vật chất tầm thường, thích hưởng thụ, ăn chơi trụy lạc, coi thường pháp luật, ngại học tập, rèn luyện, dễ bị các thế lực thù địch xúi giục, lôi kéo, tội phạm và tệ nạn xã hội ở lứa tuổi thanh thiếu niên ngày càng có xu hướng gia tăng. Nếu không có chiến lược phát triển thanh niên đúng đắn, công cuộc đổi mới sẽ khó để đạt được mục tiêu đã đề ra. Học tập, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên trong thời kỳ mới cần quan tâm đến các nội dung sau: Thứ nhất, đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lý tưởng cho thanh niên về độc lập dân tộc, ý thức về giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, chỉ khi thanh niên giác ngộ được lý tưởng cách mạng thì ngọn cờ chiến thắng của cách mạng mới đi đến thắng lợi vẻ vang. Tiếp tục thực hiện thật tốt Cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”; “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên thời kỳ mới” và chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”... với những cách làm hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng thanh niên; xây dựng và nhân rộng được nhiều cá nhân, tập thể thanh niên tiên tiến, là những người có đạo đức để làm gương, có trí tuệ, ý chí để vươn lên, có bản lĩnh để hội nhập, có quyết tâm để hành động; tổ chức cho các điển hình gặp gỡ, giao lưu, trao đổi với nhau. Kiên trì giáo dục đạo đức, lối sống, pháp luật và ý thức công dân cho thanh, thiếu niên; triển khai hiệu quả tinh thần “thượng tôn pháp luật”, giúp cho thanh niên gương mẫu thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân, tôn trọng quy ước cộng đồng, tuân thủ nội quy, quy định của tổ chức. Thứ hai, chú trọng giáo dục thanh niên có kiến thức toàn diện về lý luận chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, kỹ thuật, làm chủ công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đổi mới. Phát huy vai trò tích cực của thanh niên trong việc kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đi đầu trong việc tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại; đấu tranh bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, văn hóa phẩm độc hại. Thứ ba, đổi mới nội dung hình thức giáo dục cho thanh niên, trong đó chú ý giáo dục kỹ năng sống, kết hợp giáo dục tinh thần và thể chất một cách phù hợp, tránh thiên về giáo dục kiến thức lý luận suông, lý luận phải đi đôi với thực hành. Đồng hành với thanh niên trong nâng cao thể lực, sức khỏe, đổi mới cách thức tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, khuyến khích phong trào thể thao quần chúng tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, hướng tới hình thành những trào lưu tốt đẹp, ý nghĩa trong thanh niên và xã hội. Thứ tư, Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để thanh niên học tập, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Có chính sách phù hợp để hỗ trợ thanh niên gia sức thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện di huấn của Bác Hồ kính yêu, tuổi trẻ cả nước quyết tâm hành động, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền – Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 4, trang 86. 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 5, trang 229.
| ||
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=giao-duc-the-he-tre-theo-tu-tuong-ho-chi-minh-trong-thoi-ky-doi-moi-dat-nuoc | ||
|