Thứ ba, 25.07.2023 GMT+7

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là con đường phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam

Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là mục tiêu xuyên suốt, cơ bản và chủ đạo trong toàn bộ quá trình cách mạng Việt Nam. Sự kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đảng và nhân dân ta đã soi sáng và chỉ dẫn cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đã đưa đất nước ta vượt qua trở ngại, khó khăn, thách thức của tình hình trong nước, những biến động phức tạp của tình hình thế giới, sự chống phá của các thế lực thù địch phản tiến bộ, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, bảo vệ nền độc lập dân tộc, giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội, đưa nước ta bước vào thời kỳ mới - thời kỳ dân tộc độc lập và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước.

1. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử dân tộc 

Độc lập dân tộc là khát vọng ngàn đời của mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới. Quốc gia đó, dù lớn hay nhỏ, trình độ phát triển cao hay thấp, có đầy đủ cơ sở pháp lý và lịch sử, đều có quyền được hưởng độc lập, tự do, tự quyết định con đường phát triển của dân tộc mình. Độc lập dân tộc là quyền tự chủ trên mọi phương diện, mọi lĩnh vực của quốc gia dân tộc; là không chịu sự kiểm soát, lệ thuộc, thao túng, nô dịch của bất cứ quốc gia nào. Do vậy, mỗi quốc gia, ngay từ khi khai sinh lập quốc, độc lập dân tộc trở thành nhu cầu tất yếu khách quan, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của quốc gia dân tộc đó. 

Thế kỷ XX là thế kỷ bùng nổ các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của các dân tộc thuộc địa, bị lệ thuộc. Sự trưởng thành về ý thức dân tộc, sự thức tỉnh nhu cầu khách quan về quyền bình đẳng dân tộc đã thúc đẩy phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc diễn ra mạnh mẽ. Xu hướng tách ra thành các quốc gia dân tộc độc lập trở thành xu hướng khách quan phổ biến của thời đại. Các quốc gia, sau khi khẳng định nền độc lập của dân tộc, đều lựa chọn con đường phát triển phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử dân tộc mình. Đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn phổ biến của các dân tộc bị áp bức trong thế kỳ XX. 

Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thành công, có tác động tích cực và ảnh hưởng rộng lớn đến phong trào đấu tranh của các dân tộc thuộc địa nhỏ bé, đã mở ra thời đại mới trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại, đó là: thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.  

Lịch sử hình thành dân tộc Việt Nam là lịch sử của quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước. Lịch sử của quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm để bảo vệ nền độc lập dân tộc. Một nền độc lập hoàn toàn, thực sự, không lệ thuộc hay chịu sự chi phối của bất cứ quốc gia nào. Một nền độc lập gắn với sự toàn vẹn lãnh thổ, người dân được quyền làm chủ, được hưởng tự do, hạnh phúc, được chăm lo và đảm bảo phát triển về mọi mặt. Dưới ách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc, của thực dân pháp và đế quốc Mĩ, dân tộc ta có độc lập nhưng nền độc lập đó chưa phải là hoàn toàn, người dân chưa thực sự được làm chủ mà bị nô dịch, bị áp bức bóc lột nặng nề cả về vật chất lẫn tinh thần, quyền dân chủ, tự do, bình đẳng bị chà đạp, cướp đoạt. Hơn ai hết, nhân dân Việt Nam hiểu sâu sắc bản chất bóc lột của chế độ xã hội cũ. Vì vậy, khát vọng về dân tộc độc lập, mong muốn xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa vì nhân dân lao động là nguyện vọng, là mong muốn của nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam. 

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân ta diễn ra quyết liệt ở mọi giai cấp, mọi tầng lớp trong xã hội, với nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau, nhưng đều bị thực dân Pháp dìm trong biển máu. Cách mạng Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng về đường lối lãnh đạo. Trong bối cảnh đó, Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước. Trải qua năm châu bốn biển, đi qua nhiều nước, nhiều châu lục, tham gia hoạt động trong mọi phong trào đấu tranh của giai cấp cần lao, Người đã tìm được con đường cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc, đó là con đường cách mạng vô sản, theo tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, với đường lối lãnh đạo cách mạng đúng đắn, khoa học đã chấm dứt hoàn toàn sự khủng hoảng về đường lối lãnh đạo, mở ra con đường mới trong phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta là làm cách mạng tư sản dân quyền và tiến lên chủ nghĩa xã hội. 

Lựa chọn con đường cách mạng vô sản với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã khơi dậy và phát huy được mọi tiềm năng và trí tuệ, mọi nguồn lực trong xã hội, tận dụng mọi thời cơ, vượt qua mọi thách thức để giành được những thắng lợi vang dội: thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945; thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mĩ; thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước… Những thành tựu đó chứng minh tính đúng đắn của đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đã đưa chủ nghĩa xã hội ở nước ta từ xu hướng, triển vọng, khả năng trở thành hiện thực; đã cho thấy sự lựa chọn của nhân dân ta, dân tộc ta là đúng đắn, khoa học và cách mạng; là phù hợp với sự vận động của lịch sử dân tộc và xu hướng phát triển của thời đại.

2. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam 

Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, vấn đề dân tộc và chủ nghĩa xã hội được xác định là vấn đề chiến lược của cách mạng Việt Nam. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu của cách mạng nước ta. Đây là quan điểm xuyên suốt trong mọi giai đoạn của cách mạng Việt Nam. Trong cương lĩnh chính trị năm 1930, Đảng ta khẳng định rất rõ con đường của cách mạng Việt Nam là “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Quan điểm, đường lối này được Đảng ta quán triệt thực hiện trong suốt quá trình lãnh đạo, ở từng giai đoạn cách mạng. 

Trong điều kiện đất nước có chiến tranh và khi nước nhà được thống nhất, Đảng ta luôn khẳng định: Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Vì vậy, “trong bất kỳ điều kiện và tình huống nào, phải kiên trì thực hiện đường lối và mục tiêu đổi mới, kiên định và vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”1

Trong mọi giai đoạn khó khăn của lịch sử, phức tạp của tình hình thế giới - sự chống phá của các thế lực phản động trong và ngoài nước, sự khủng hoảng và sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu -  Đảng ta luôn giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhất quán trung thành với con đường cách mạng mà nhân dân ta đã lựa chọn. Chính nhờ sự kiên định về đường lối, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn trên mọi phương diện, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày một cải thiện, vị thế dân tộc ngày một nâng cao trên trường quốc tế, tạo thế và lực để nước ta vững tin đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, dần hiện thực hóa mục tiêu đưa nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.   

3. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là động lực phát triển của dân tộc ta trong thời đại hiện nay

Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là hai giai đoạn tiếp nối trong tiến trình cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng ta. Độc lập dân tộc là tiền đề để đi lên chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội là điều kiện để độc lập dân tộc được đảm bảo vững chắc. Độc lập dân tộc đảm bảo quyền tự quyết dân tộc, chủ nghĩa xã hội là môi trường để các giá trị về quyền tự quyết, tự chủ dân tộc, về tự do, dân chủ, bình đẳng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội được thực thi triệt để trên thực tế, trong đời sống xã hội. Đảng ta khẳng định: “Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ với nhau”2. Vì vậy, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội tạo ra điều kiện, tiền đề, cơ sở, nguồn sức mạnh, động lực cơ bản để đất nước ta vượt qua mọi thách thức, khó khăn đạt được những thành tựu to lớn trên con đường xây dựng và phát triển đất nước xã hội chủ nghĩa giàu mạnh.  

Mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội Đảng đã đưa ra trong đường lối lãnh đạo cách mạng, không chỉ khơi dậy truyền thống yêu nước trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, mà còn khơi dậy mạnh mẽ tinh thần dân tộc, phát huy cao nhất mọi nguồn sức mạnh, mọi tiềm năng, mọi nguồn lực nội sinh cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhờ đó, đất nước ta đạt được những thành tựu rực rỡ trên mọi phương diện, tạo thế và lực để nhân dân ta tiếp tục đạt được những thành to lớn hơn nữa trên con đường phát triển đất nước. 

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đã tạo ra cơ sở vững chắc trong phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, đồng lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đấu tranh chống lại những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước; đưa cách mạng nước ta vượt qua những giai đoạn khó khăn của lịch sử dân tộc, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, giữ vững sự ổn định chính trị xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế… Nhìn lại chặng đường hơn 35 năm đổi mới đất nước, với những thành tựu đã đạt được trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta… Tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại”3.

Như vậy, đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường cách mạng tất yếu của cách mạng Việt Nam, là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử dân tộc, phù hợp với nguyện vọng nhân dân và xu thế phát triển khách quan của thời đại. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là quan điểm xuyên suốt trong đường lối lãnh đạo của Đảng ta, đường lối này đã tạo ra động lực to lớn khơi dậy mọi nguồn sức mạnh dân tộc, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục xây dựng và phát triển đất nước ta vững mạnh theo con đường xã hội chủ nghĩa. 

TS. Nguyễn Thị Thanh Hương - Trường Đại học Hùng Vương

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.2.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.25-26.

 

 
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=doc-lap-dan-toc-gan-lien-voi-chu-nghia-xa-hoi-la-con-duong-phat-trien-tat-yeu-cua-cach-mang-viet-nam
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com