| ||
Phát huy tính tích cực lao động của đội ngũ cán bộ, giảng viên trong thực hiện mục tiêu xây dựng trường chính trị đạt chuẩn | ||
Xây dựng Trường Chính trị chuẩn phải gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường thực sự chuyên nghiệp, mẫu mực; cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ; thực hành văn hóa trường Đảng; phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo, tự giác, nỗ lực của cán bộ, giảng viên nhà trường. Bài viết này đề cập về tính tích cực lao động của cán bộ, giảng viên trường chính trị tỉnh nói chung và thực trạng tính tích cực lao động trong đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ nói riêng trong quá trình thực hiện mục tiêu xây dựng Trường Chính trị đạt chuẩn hiện nay. Tính tích cực lao động là nhu cầu, động cơ của người lao động, tạo ra các giá trị vật chất và tinh thần cho xã hội; là những đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng và xã hội; là sự năng động, sáng tạo, trách nhiệm với công việc, có ý thức kỷ luật lao động; thái độ nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ; tính tích cực còn thể hiện ở việc có kiến thức chuyên môn, có kỹ năng thực hiện một hoạt động lao động cụ thể; sáng tạo và đạt hiệu quả cao trong lao động. Tính tích cực lao động của đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh là sự nỗ lực, cố gắng và sự chủ động mang tính tự giác của bản thân nhằm hoàn thành các nhiệm vụ được giao với hiệu quả cao nhất, đó là nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học được quy định trong Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, biểu hiện là: Một là, tính tích cực lao động của đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường thể hiện ở nhận thức. Tính tích cực lao động của đội ngũ cán bộ, giảng viên thể hiện trong nhận thức là tiêu chí quan trọng và là yêu cầu đầu tiên của cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh, đó là: Sự nhận thức về yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ được giao; là hiểu biết về tính chất, nội dung và các yêu cầu của nhiệm vụ được giao một cách tự giác, có ý thức và hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; nhận thức đúng về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với việc xây dựng và phát triển nhà trường. Từ đó mỗi cán bộ, giảng viên ý thức được những việc mình cần phải thực hiện là như thế nào, trách nhiệm đối với các công việc được phân công ra sao để khắc khục khó khăn thực hiện đạt kết quả tốt nhất; nhận thức về vấn đề lợi ích trong thực hiện nhiệm vụ được giao, theo đó cần xác định lợi ích là một trong những động lực, quan trọng nhất đối với mỗi người, khi lợi ích được quan tâm đúng mức sẽ tạo ra động lực thực hiện nhiệm vụ; nhận thức về vị trí của mình trong nhà trường, đó là: Vị trí việc làm sẽ đảm nhận trong nhà trường, để xác định chức năng, nhiệm vụ mà cán bộ, giảng viên phải thực hiện cũng như quyền lợi được hưởng khi hoàn thành công việc. Hai là, tính tích cực thể hiện trong thái độ của cán bộ, giảng viên nhà trường. Thái độ là tâm trạng bên trong được thể hiện bằng hành động, hành vi, ứng xử đối với người khác, đối với các sự kiện, quan điểm và chính bản thân; là định hướng, trạng thái sẵn sàng và sự chuẩn bị của cán bộ, giảng viên với nhiệm vụ được giao. Thái độ có vai trò quan trọng đối với việc hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, giảng viên; là tiêu chí để đánh giá tinh thần làm việc, sự phấn đấu và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thái độ đó thể hiện ở việc yêu thích công việc, sự say mê làm việc với tinh thần hào hứng, phấn khởi, quên mệt mỏi; sẵn sàng nhận nhiệm vụ được giao; có tinh thần lạc quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và luôn cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ đó; thường xuyên học tập và có thái độ tích cực trong giao tiếp... Ba là, tính tích cực thể hiện trong hành vi của cán bộ, giảng viên nhà trường. Hành vi của cán bộ, giảng viên gồm hành vi thực hiện các nhiệm vụ quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khoa học... Thể hiện qua sự nỗ lực, vượt khó thực hiện công việc, đầu tư thời gian, công sức cho công việc; bảo đảm thời gian lao động, tâm huyết, có ý thức nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cải tiến phương pháp làm việc nhằm nâng cao hiệu quả công tác; thể hiện trong việc hăng say tự học, học hỏi đồng chí, đồng nghiệp, học thầy cô, học bạn bè, học trong trường, lớp, học thực tế xã hội nhằm nâng cao trình độ, bổ sung kiến thức, hình thành các kỹ năng làm việc, nâng cao chuyên môn, phương pháp giảng dạy, tìm tòi tiếp cận với thành tựu khoa học mới, ứng dụng kỹ thuật số vào trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý, giảng dạy cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thời đại công nghệ số hiện nay; thể hiện trong xây dựng sự đoàn kết, nhất trí trong nhà trường, bằng việc kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện gây mất đoàn kết, dân chủ trong trường; luôn có tinh thần xây dựng không khí tâm lý vui vẻ, thoải mái, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; thể hiện trong tu dưỡng, phấn đấu và hoàn thiện nhân cách: Trong đó, mỗi cán bộ, giảng viên của Trường Chính trị phải luôn rèn luyện, phấn đấu thường xuyên về đạo đức, nhân cách, về cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để hoàn thiện mình hơn. Bốn là, tính tích cực lao động của cán bộ, giảng viên thể hiện qua hiệu quả lao động, số lượng và chất lượng lao động. Hiệu quả lao động là thước đo chính xác nhất về tính tích cực lao động, như kết quả thực hiện nhiệm vụ, giá trị đóng góp cho xã hội; thời gian lao động, số lượng đầu công việc, khối lượng công việc phải làm; chất lượng thực hiện công việc... Với 66 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ đã có được đội ngũ cán bộ, giảng viên có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức tốt, trình độ chuyên môn đảm bảo chuẩn chức danh, vị trí việc làm, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường cơ bản có khả năng, năng lực hoàn thành nhiệm vụ; luôn nhiệt tình với công việc, ý thức tổ chức; thực hiện tốt kỷ luật lao động, tự giác, chủ động trong công tác, sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ được phân công; tích cực rèn luyện để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp sư phạm... Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường đã xác định rõ chức năng, nhiệm vụ trong công tác quản lý, giảng dạy, phục vụ nên đều có thái độ tâm huyết, say nghề và chủ động, tích cực trong công việc, đảm bảo đúng tiến độ; công tác quản lý ngày càng nền nếp, hiệu quả; chất lượng bài giảng của giảng viên ngày càng được hoàn nâng cao; có đóng góp tích cực vào thành tích của nhà trường trong việc hoàn thành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đảm bảo tiến độ, chất lượng; phối hợp tổ chức tốt các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo kế hoạch của tỉnh; trong nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; xây dựng văn hóa trường Đảng, thực hiện kỷ luật, kỷ cương; xây dựng Đảng và hoạt động các đoàn thể. Bên cạnh những kết quả đạt được, đội ngũ cán bộ, giảng viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được phân công còn một số hạn chế nhất định, đó là: Tính tích cực lao động ở một số cán bộ, giảng viên, nhân viên chưa cao; chất lượng, hiệu quả một số công việc còn ở mức thấp; một số cán bộ, giảng viên chưa thực sự say mê với công việc, trách nhiệm chưa cao, vẫn còn hiện tượng né tránh, thoái thác công việc khi được phân công; ở một số thời điểm, vẫn chưa có sự thống nhất cao giữa nhận thức, thái độ, hành vi thể hiện tính tích cực lao động của cán bộ, giảng viên, thể hiện ở thái độ lao động chưa đúng, chưa tâm huyết, còn dựa dẫm, ỷ nại, chưa có ý thức sẵn sàng đón nhận những khó khăn trong công việc, ý thức học tập hạn chế; chưa thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ của mình, chưa linh hoạt trong giải quyết công việc, nhiệm vụ được phân công. Những vấn đề tồn tại trên là do các nguyên nhân sau: Bản thân đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường chưa ý thức được tinh thần trách nhiệm trong công việc nên chưa dành nhiều thời gian hợp lý cho thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, cũng do một số cơ chế, chính sách liên quan chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tiễn, ảnh hưởng tới tâm lý của cán bộ, giảng viên; nguồn thu của trường giảm sâu do số lượng lớp ngày một giảm; cơ chế tài chính, nguồn lực đầu tư phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đảm bảo thu nhập cho cán bộ, giảng viên, nhân viên gặp nhiều khó khăn, tác động không nhỏ tới việc phát huy tính tích cực lao động của đội ngũ cán bộ, giảng viên. Để đảm bảo tính toàn diện trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng Trường Chính trị đạt chuẩn hiện nay, tác giả đề xuất một số giải pháp liên quan tới việc phát huy tính tích cực lao động của đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường trong thời gian tới: Một là, tiếp tục nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho cán bộ, giảng viên. Trong đó, cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên ở các cơ sở đào tạo tại tỉnh và Trung ương, đào tạo từ xa qua mạng; đồng thời, tạo cơ hội cho cán bộ, giảng viên phát triển năng lực gắn với việc tạo cơ hội việc làm, tạo môi trường công tác để rèn luyện, nâng cao năng lực công tác. Hai là, nhà trường cần xác định rõ danh mục công việc cho từng vị trí việc làm; phân công công việc phù hợp với năng lực, sở trường; tiếp tục tuyển dụng, đánh giá, kiện toàn, bổ nhiệm cán bộ vào vị trí lãnh đạo, quản lý công bằng, khách quan, đúng quy định. Ba là, tăng cường kiểm tra, giám sát kết hợp với khen thưởng, kỷ luật. Cần xây dựng và thực hiện cơ chế khen thưởng, kỷ luật khoa học, có lý, có tình; đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Bốn là, xây dựng và nâng cao vai trò của văn hóa trường Đảng trong việc phát huy tính tích cực lao động của cán bộ, giảng viên. Trong đó, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên về văn hóa trường Đảng; rèn luyện tác phong chuyên nghiệp của người cán bộ, giảng viên Trường Chính trị chuẩn với phương châm: Đúng mực, tâm huyết, trách nhiệm; thực hiện đúng những quy tắc, quy chuẩn ứng xử theo quy định; tạo được môi trường hòa đồng, thân thiện có tính đoàn kết cao trong nhà trường. Năm là, tạo môi trường tâm lý tích cực trong Trường Chính trị. Cần xây dựng môi trường thân ái, đoàn kết; quan tâm đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của cán bộ, giảng viên; công bằng, minh bạch trong tài chính, các hoạt động của trường; công bằng khách quan trong đánh giá, khen thưởng, kỷ luật. ThS. Đoàn Thị Hồng Việt Khoa Nhà nước & pháp luật | ||
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=phat-huy-tinh-tich-cuc-lao-dong-cua-doi-ngu-can-bo-giang-vien-trong-thuc-hien-muc-tieu-xay-dung-truong-chinh-tri-dat-chuan | ||
|