| ||
Tác phẩm “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Phú Thọ trong giai đoạn hiện nay | ||
Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động cả nước xây dựng đời sống mới - một cuộc cách mạng trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, nhằm tạo nên những “con người mới” cho “chế độ xã hội mới”. Quan điểm về “Đời sống mới” được Hồ Chí Minh chỉ ra cách đây 76 năm vẫn còn nguyên giá trị cả về ý nghĩa lý luận và thực tiễn trong xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị trên địa bàn tỉnh Phú Thọ trong giai đoạn hiện nay. Ra đời cách đây 76 năm, (tháng 3/1947), tác phẩm “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (với bút danh là Tân Sinh) vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn trong công cuộc đổi mới đất nước nói chung, trong phong trào xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh ngày nay. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Đời sống mới” là “làm thế nào cho đời sống của dân ta vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn”; là “bỏ cái cũ mà xấu”, sửa “cái cũ không xấu nhưng phiền phức”, “phát triển thêm cái gì cũ mà tốt”, “phải làm cái gì mới mà hay”; “sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc”([1]). Tham gia xây dựng đời sống mới là “mỗi đồng bào, bất kỳ già trẻ, gái trai, giàu nghèo”, là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, làng bản, các công sở, trường học, lực lượng vũ trang, nhà máy xí nghiệp, các ngành, các giới; rộng khắp cả nước, bao gồm người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài bao gồm nhiều mặt như kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục… trên cơ sở phải bảo đảm dân chủ, tự nguyện, bình đẳng, toàn diện, rộng khắp, kiên trì, thiết thực, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể, làm từ việc dễ đến việc khó. Để đạt được mục tiêu đó phải tuyên truyền, giải thích và làm gương, bắt đầu từ cá nhân mỗi người, đến trong các gia đình, trong một làng rồi lan tỏa ra phạm vi cả nước. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Đời sống mới” không chỉ có giá trị to lớn trong việc xây dựng con người, xã hội Việt Nam mới mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Trong giai đoạn hiện nay, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và nông dân nhằm đưa người nông dân hội nhập với sản xuất hàng hóa kinh tế thị trường; xây dựng văn hóa, con người phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, tạo nên văn hóa gia đình, làng xã, ngõ phố văn minh, sạch đẹp. Trong quá trình ấy, “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều gợi ý vô cùng quý báu để trên cơ sở đó phát triển, bổ sung, hoàn thiện thêm. Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đời sống mới, Đảng ta luôn đặt nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở vị trí chiến lược quan trọng. Coi đó là cơ sở và lực lượng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái. Nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng trong Nghị quyết số 26-NQ/TW (khóa X) về “Nông nghiệp, nông dân và nông thôn”, ngày 04/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn (2010 - 2020) gồm 11 nội dung, 19 tiêu chí. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự cố gắng của toàn dân, sau hơn 10 năm (2010 - 2021), Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả quan trọng: Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân ngày càng được cải thiện... Nông nghiệp trở thành trụ đỡ của để nền kinh tế quốc dân vượt qua suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đời sống của nông dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân hộ gia đình ở nông thôn mỗi năm một tăng. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới về đích trước gần 02 năm so với kế hoạch. Theo tinh thần của “Đời sống mới”, quá trình xây dựng nông thôn mới đã triển khai thực hiện rộng khắp trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố, trong đó có Phú Thọ. Với phương châm “giữ chuẩn, thêm chuẩn và nâng chuẩn”, đến hết tháng 12/2022, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có 128/196 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 10 xã so với năm 2021; có 1.560 khu dân cư đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới; 04 đơn vị cấp huyện là: Lâm Thao, Thanh Thủy, thành phố Việt Trì và thị xã Phú Thọ đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh hiện có 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 50 khu dân cư đạt nông thôn mới kiểu mẫu, tăng 12 khu so với năm 2021. Kết quả phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh Phú Thọ đã làm cho bộ mặt nông thôn trong tỉnh ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Nông nghiệp, nông dân và nông thôn”, mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu rất to lớn, tuy nhiên, nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết; chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa cao... Xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, nhiều nơi chưa chú trọng đúng mức đến phát triển sản xuất, tạo sinh kế, xây dựng đời sống văn hoá; ô nhiễm môi trường nông thôn gia tăng; một số vấn đề xã hội phức tạp phát sinh ở nhiều địa phương, gây bức xúc trong xã hội; năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh còn nhiều hạn chế. Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục kịp thời những hạn chế, ngày 22/02/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 263/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã có Nghị quyết số 2517/QĐ-UBND (ngày 23/9/2022) về ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025. Tiếp đó, ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về “Nông nghiệp, nông dân và nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định: “… Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nguồn lực của đất nước phải tiếp tục ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bảo đảm phát triển hài hoà giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền, địa phương; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hoá theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh"[2]. Ngày 15/6/2022, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Phú Thọ ban hành Nghị quyết số 72-NQ/TU về “Chương trình xây dựng nông thôn mới và chính sách thưởng trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ” với mục tiêu: “Tiếp tục triển khai Chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới ở các khu dân cư. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân, thúc đẩy bình đẳng giới. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hoá truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững”[3]. Để đạt được mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh có 7/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (tăng thêm 03 huyện Thanh Ba, Phù Ninh và Tam Nông), 139/196 xã đạt chuẩn nông thôn mới (có 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 05 xã nông thôn mới kiểu mẫu); thời gian tới, tỉnh Phú Thọ cần tập trung thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ trong tâm sau đây: Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy sức mạnh của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Coi đây là nhiệm vụ giải pháp hàng đầu để thực hiện thành công mục tiêu của Chương trình. Mục tiêu xây dựng nông thôn mới là hướng đến "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh" theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII. Chỗ “mới” trong xây dựng nông thôn đó là: Bối cảnh lịch sử mới; mới về quan điểm chỉ đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, nhận thức của nhân dân về nông thôn; hình thành người nông dân mới trong thời đại cách mạng 4.0. Chính vì vậy, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp cần phải có những định hướng, nội dung sát với bối cảnh, tình hình của thế giới, của đất nước và của địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao đạt được hiệu quả cao, thiết thực; chú trọng giữ vững những tiêu chí đã đạt được. Xây dựng nông thôn mới muốn thành công cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Chính vì vậy, cần phát huy vai trò tập hợp, vận động, đoàn kết của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội để huy động mọi nguồn lực. Chỉ khi nào có sự đồng lòng, nhiệt tình, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị thì mục tiêu xây dựng nông thôn mới sớm trở thành hiện thực. Hai là, tập trung huy động đa dạng, lồng ghép tối đa các nguồn lực để đầu tư thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tỉnh, huyện cần bố trí hợp lý nguồn ngân sách địa phương, sử dụng hợp lý, minh bạch các khoản đóng góp của người dân, các nguồn tài trợ cho đầu tư xây dựng nông thôn mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, gây lãng phí, thất thoát nguồn vốn, giảm lòng tin của người dân. Khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới, không trông chờ, ỷ nại vào sự hỗ trợ của cấp trên. Chú trọng ưu tiên nguồn lực cho 03 huyện: Tam Nông, Phù Ninh, Thanh Ba để phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã thuộc khu vực miền núi, khó khăn cần lồng ghép, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, hợp lý các nguồn lực, gắn với các nguồn lực từ các chương trình khác, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ba là, đẩy mạnh, đổi mới phương thức thông tin, tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về xây dựng nông thôn mới. Cần phải coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, giải thích, đề cao việc biểu dương, nêu gương như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Tuyên truyền đời sống mới cũng như tuyên truyền việc khác, phải hăng hái, bền gan, chịu khó, đồng thời phải cẩn thận, khôn khéo, mềm mỏng”[4]. Cùng với tuyên truyền cần phải kiên trì vận động, giải thích cho nhân dân hiểu chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thông suốt chủ trương “Xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, kéo dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Bên cạnh đó, cần khuyến khích tính tự giác, nhất là trong việc vận động nhân dân hiến đất làm đường, đóng góp công lao động... “Phải chịu khó nói rõ cho mọi người hiểu đời sống mới có ích thế nào, cách thi hành đời sống mới thế nào. Nói một lần họ chưa hiểu thì nói nhiều lần. Nói đi, nói lại, bao giờ người ta hiểu, người ta làm mới thôi. Nói thì phải nói một cách giản đơn, thiết thực với hoàn cảnh mỗi người; nói sao cho người ta nghe rồi làm được ngay. Việc dễ, việc nhỏ làm được rồi, sẽ nói đến việc to, việc khó”[5]. Bốn là, chỉ đạo thực hiện đầy đủ 11 nội dung thành phần của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Chú trọng đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống của người dân ở nông thôn; đầu tư kết cấu hạ tầng ở nông thôn một cách đồng bộ để phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Quan tâm phát triển y tế, giáo dục; duy trì và đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao; giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn nông thôn. Phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng hàng hoá tập trung, ổn định, có thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm và hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người dân. Xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP có thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm “OCOP PHÚ THỌ” có khả năng cạnh tranh trên thị trường đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và từng bước xuất khẩu. Năm là, xây dựng đời sống mới ở nông thôn phải coi trọng các yếu tố cội nguồn, tâm lý truyền thống mà trung tâm là con người và các giá trị văn hóa làng xã. Xây dựng nông thôn mới với mục tiêu làm cho cuộc sống của người dân được nâng cao cả về vật chất, tinh thần hướng đến nông thôn hiện đại, nhưng vẫn phải coi trọng các yếu tố giá trị văn hóa làng xã. Chính vì vậy, bên cạnh xây dựng đời sống đạo đức mới, cần phát huy truyền thống tâm lý tốt đẹp như đức tính cần cù, chịu khó lao động; rèn luyện tính trung thực, sống có nghĩa tình, xóa bỏ tâm lý tiểu nông hẹp hòi, đố kỵ cào bằng. Trong nhân cách mỗi người, văn hóa gia đình, văn hóa làng xã cần khắc sâu các giá trị cần, kiệm, liêm, chính; phát huy lòng yêu nước, thương nòi, tinh thần lự lực, tự cường, tự tôn dân tộc. ThS. Hoàng Tiến Điệp Phó Hiệu trưởng [1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.112-113. [2]Ban chấp hành Trung ương: Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông thôn, nông dân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. [3]Tỉnh ủy Phú Thọ: Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về Chương trình xây dựng nông thôn mới và chính sách thưởng trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. [4]Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.125. | ||
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=tac-pham-doi-song-moi-cua-chu-tich-ho-chi-minh-voi-phong-trao-xay-dung-nong-thon-moi-tren-dia-ban-tinh-phu-tho-trong-giai-doan-hien-nay | ||
|