Thứ sáu, 23.06.2023 GMT+7

Vận dụng quan điểm về phát triển văn hóa con người Việt Nam trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Thực hiện lời dạy của Người, trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chú trọng xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa với tinh thần còn văn hóa là còn tất cả, mất văn hóa là mất tất cả.

     Tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọngbao gồm những bài viết, bài phát biểu trong các hội nghị đã phác họa những vấn đề cơ bản, mang giá trị cốt lõi về chủ nghĩa xã hội trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó, lĩnh vực văn hóa, xã hội là yếu tố quan trọng nhằm xây dựng một chế độ xã hội giải phóng triệt để con người khỏi mọi áp bức bất công, xây dựng một xã hội thật sự dân chủ, tự do vì hạnh phúc của con người. Trong xã hội đó, con người là mục tiêu phụng sự và cũng chính là chủ thể, lực lượng quyết định xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Luận điểm về văn hóa, xã hội được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập trong bài viết, bài phát biểu: Quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa nghệ thuật xứng tầm với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới; ngoài ra những chỉ dẫn quan trọng của Tổng Bí thư trong xây dựng văn hóa, xã hội Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội còn được đề cập xuyên suốt trong nhiều bài viết, bài phát biểu còn lại trong tác phẩm.

     Qua phân tích, luận giải của Tổng Bí thư về vấn đề xây dựng văn hóa - xã hội trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã đề cập rõ hai nội dung:      

     Thứ nhất, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

     Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Điều này có nghĩa là các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội có mối quan hệ biện chứng với nhau trong quá trình phát triển. Việc phát triển kinh tế phải gắn với liền với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong quá trình phát triển.

     Thứ hai, yêu cầu chấn hưng văn hóa dân tộc.

     Trước yêu cầu của quá trình hội nhập, sự phát triển của đất nước, văn hóa cần phải có sự chuyển động mạnh mẽ để hoàn thành sứ mệnh “soi đường cho quốc dân đi”, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Do đó, chấn hưng văn hóa dân tộc - tức là văn hóa phải trở nên hưng thịnh, vừa là khát vọng, đồng thời cũng là nhiệm vụ chính trị cấp thiết trong giai đoạn hiện nay... Tổng Bí thư nhấn mạnh nhiệm vụ chấn hưng văn hóa dân tộc chính là vấn đề xây dựng con người. Con người vừa là trung tâm, vừa là chủ thể của mọi quá trình xây dựng, phát triển văn hóa. Con người với tư cách là cán bộ lãnh đạo quản lý đến con người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa; từ con người sáng tạo đến con người thụ hưởng các giá trị văn hóa. Chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết; trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội...

     Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi đã nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ (người ta nói một con người có văn hóa, một gia đình có văn hóa, một dân tộc có văn hóa; lối sống văn hóa, nếp sống văn hóa, cách ứng xử có văn hóa...). Còn những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi... là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa. Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng...

     Trong những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ đã lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường luôn nỗ lực, tích cực, năng động, sáng tạo để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Tập thể nhà trường đã luôn nhận thức đúng đắn, toàn diện, sâu sắc những quan điểm về văn hóa, xã hội, con người của Đảng ta, chú trọng chăm lo, xây dựng văn hóa trường Đảng. Trong đó, trọng tâm là củng cố, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, thực hiện sâu, rộng văn hóa tự phê bình và phê bình trong Đảng.

     Vận dụng quan điểm về phát triển văn hóa con người Việt Nam trong tác phẩm: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong thời gian tới, để thực hiện hiệu quả văn hóa trường Đảng, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường cần tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh thực hiện tốt một số nội dung cụ thể sau:

     Một là, nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu trong công tác tuyên truyền, quán triệt thực hiện, xây dựng văn hóa trường Đảng. Trong đó, cần tuyên truyền và thực hiện tốt mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng khu dân cư, cơ quan, đơn vị và mỗi gia đình.

     Hai là, trong ứng xử văn hóa của người lãnh đạo. Lãnh đạo các khoa, phòng trong chỉ đạo, điều hành công việc cần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo; đặt lợi ích tập thể lên lợi ích cá nhân; chịu trách nhiệm về lĩnh vực mà mình được phân công phụ trách; không ngừng nghiên cứu học hỏi, tích lũy tri thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đối với cấp trên: Phải trung thực, khách quan trong báo cáo; tôn trọng và chấp hành sự phân công của tổ chức; đề xuất, đóng góp ý kiến và tham mưu hiệu quả đối với lĩnh vực mình đảm nhận. Đối với cấp dưới: Phải phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu về đạo đức lối sống; dân chủ, bình đẳng, không phân biệt đối xử; sống bao dung, tôn trọng mọi người; Phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực, sở trường của từng cán bộ, giảng viên; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát công việc và đánh giá khách quan việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương của mỗi cán bộ, giảng viên, chuyên viên.

     Ba là, trong ứng xử văn hóa của mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường. Mỗi cá nhân cần cẩn trọng trong cư xử, trò chuyện, giao tiếp, bàn bạc, trao đổi, phối hợp với nhau trong thực thi công vụ và trong cuộc sống đời thường hằng ngày. Việc cư xử đúng mực, hành động cũng như lời nói của mỗi người tạo nên sự thoải mái khiến mọi người hài lòng, được yêu quý và tôn trọng. Đồng thời, có thể gây ức chế, tạo tâm lý nặng nề, thậm chí là sự phản ứng mạnh mẽ nếu lời nói, hành vi thiếu văn hóa. Mỗi cá nhân cần học cách ứng xử vừa phù hợp với truyền thống, bản sắc dân tộc, đồng thời, phải có phong cách ứng xử chuẩn mực của người cán bộ, đảng viên trong công tác, trong học tập và làm việc; xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, dân chủ, văn minh, hiện đại, gương mẫu, khoa học và nhân văn. Cần căn cứ vào vị trí, nhiệm vụ mà mỗi người đảm trách và mối quan hệ tương tác trong công việc.

     Bốn là, ứng xử trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ chuyên môn giữa các phòng, khoa và các cá nhân trong đơn vị. Trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các khoa, phòng cần làm việc khoa học, chặt chẽ, đặt lợi ích chung lên hàng đầu. Phải hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ. Chủ động sắp xếp, gặp gỡ bàn bạc, trao đổi và thống nhất công việc với đơn vị phối hợp. Tuân thủ tính thứ bậc, kỷ cương và trật tự hành chính, đúng thẩm quyền. Từ cán bộ lãnh đạo, quản lý cho đến giảng viên, chuyên viên, nhân viên trong nhà trường cần xác định đúng chức trách, nhiệm vụ, xác định đúng chức phận của mình, tuân thủ tính thứ bậc, kỷ cương, biết tôn trọng người phối hợp thực hiện nhiệm vụ, thẳng thắn bàn bạc, trao đổi và thống nhất công việc, tạo sự đoàn kết trong nội bộ.

     Năm là, quan tâm ứng xử trong phát ngôn, trong giao tiếp và trang phục. Mỗi cá nhân cần thận trọng trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, nói làm sao cho hay, cho đẹp, có lễ nghĩa, có văn hóa, đó là điều cần có sự rèn luyện và tu dưỡng của mỗi người. “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, học ở sách vở, ở mọi người, học từ thực tiễn cuộc sống. Không đem việc cá nhân vào trong công việc, cần điềm tĩnh, không nóng giận, cáu gắt, quát nạt đồng nghiệp và cấp dưới. Tránh thái độ cáu gắt, khó chịu, sẽ gây cho mọi người không thiện cảm, không dám lại gần. Cần thực hiện nghiêm túc kỷ luật phát ngôn, không phát ngôn tự do tùy tiện. Với đồng nghiệp phải hòa nhã, lịch sự, không xúc phạm nhân phẩm, danh dự của nhau; biết nói lời cảm ơn, xin lỗi, chào hỏi, tôn trọng, học hỏi lẫn nhau. Về trang phục cần phải kín đáo, gọn gàng, thanh lịch. Trang phục công sở cần thể hiện phong thái lịch sự, trang nhã của người cán bộ, giảng viên trường Đảng.

     Sáu là, trong ứng xử với học viên. Học viên Trường Chính trị tỉnh là những người học có chức vụ trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể; họ là người có năng lực, trình độ nhất định; có kinh nghiệm thực tiễn trong công tác; một số học viên có học vị bằng hoặc cao hơn giảng viên; mục đích, thái độ học tập của học viên khác nhau; độ tuổi của học viên không đồng đều, một số học viên tuổi đời cao hơn giảng viên... Do vậy, mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên của nhà trường trong ứng xử với học viên phải có thái độ lịch sự, đúng mực trong giao tiếp, tôn trọng ý kiến của học viên; luôn giữ vững lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị, về quy chế, về tác phong, phương pháp làm việc… Mỗi giảng viên phải vững quy chế, công bằng, công tâm, không biệt đối xử; tác phong phải thể hiện tính mô phạm; chủ động cập nhật kiến thức mới, không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; thể hiện tính hòa đồng, hòa nhã; nghiêm khắc nhưng không lạnh lùng, xa cách; thực hiện nghiêm kỷ luật phát ngôn; chống lại những lời nói và việc làm sai trái, xuyên tạc, phản động; luôn có ý thức giữ gìn uy tín, danh dự của cơ quan, đơn vị và bản thân.

     Bảy là, xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp. Mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên cần rèn luyện phong cáchlàm việc chuyên nghiệp, tự trau dồi để có sự hiểu biết rộng, giỏi chuyên môn, tham mưu hiệu quả, làm việc sáng tạo, toàn tâm, toàn ý để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất. Phong cách làm việc chuyên nghiệp còn là cách phối hợp, điều tiết công việc phù hợp với tiến độ và môi trường xung quanh để tạo nên hiệu quả tốt nhất; tác phong làm việc cũng phải năng động, khoa học; phải chuyên nghiệp trong giao tiếp, ứng xử; có ý thức tổ chức kỷ luật, tích cực tham gia các hoạt động của nhà trường.

     Tám là, thực hiện tốt văn hóa về tự phê bình và phê bình. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tự phê bình và phê bình là thứ "vũ khí thần diệu" để Đảng thường xuyên trong sạch, vững mạnh. Do vậy, mỗi cá nhân cần phải tuân thủ nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Mấu chốt của tự phê bình và phê bình là “phê bình việc, chứ không phê bình người” để giúp nhau tiến bộ; phê bình tránh tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, mượn phê bình để lấy lòng nhau; phải tôn trọng thực tế khách quan, công tâm, thẳng thắnkhi phê bình, không nghi ngờ, vội vàng quy kết cho đồng chí mình, đừng vì thích thì tốt, không thích và trái ý mình thì xấu, thì sai; phê bình phải công khai, tránh tình trạng trước mặt thì không nói nhưng lại soi mói sau lưng; phê bình phải chân thành, tế nhị, phải thân ái trên tinh thần đồng chí, đồng đội. 

     Vận dụng luận điểm về phát triển văn hóa con người Việt Nam trong tác phẩm“Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ là một trong những nội dung quan trọng để xây dựng tập thể Đảng bộ vững mạnh. Việc nâng cao nhận thức và thực hiện văn hóa trường Đảng là rất cần thiết, mỗi người cần thay đổi quan niệm, tác phong làm việc, thay đổi nhận thức và suy nghĩ về thái độ, hành vi ứng xử với mọi người, tiến dần đến chuẩn mực nền hành chính “chuyên nghiệp và hiện đại”, từ đó, góp phần xây dựng Trường Chính trị chuẩn mực, đoàn kết, gương mẫu, uy tín, chất lượng, văn minh và hiện đại.

ThS. Ngô Thị Lan Hương

Phó Trưởng phòng QLĐT & NCKH

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=van-dung-quan-diem-ve-phat-trien-van-hoa-con-nguoi-viet-nam-trong-tac-pham-mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-ve-cnxh-va-con-duong-di-len-cnxh-o-viet-nam-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com