Thứ tư, 24.05.2023 GMT+7

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VỀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO; KHƠI DẬY Ý CHÍ TỰ LỰC TỰ CƯỜNG, KHÁT VỌNG XÂY DỰNG CUỘC SỐNG ẤM NO, HẠNH PHÚC

Ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc là nội dung quan trọng trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bắt nguồn từ ham muốn tột bậc của Người, là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Ham muốn ấy cũng gắn liền với mong ước xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu.

     Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, ý chí tự lực, tự cường là không phụ thuộc vào lực lượng bên ngoài, có quan điểm độc lập trong quan hệ quốc tế; là kết hợp đúng đắn chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc với chủ nghĩa quốc tế trong sáng; là sự chủ động, chuẩn bị mọi mặt các điều kiện của cách mạng; và đặc biệt chú trọng phát huy vai trò, sức mạnh của Nhân dân; là quyết tâm bảo vệ và giữ vững nền độc lập dân tộc. Nêu cao ý thức tự lực, tự cường, dựa vào sức mình là chính, nhưng đồng thời phải tranh thủ được ủng hộ, giúp đỡ của bên ngoài, của các nước xã hội anh em và nhân dân tiến bộ trên thế giới. Có như vậy, mới kết hợp hiệu quả nội lực và ngoại lực, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

     Khát vọng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong xây dựng chủ nghĩa xã hội trong tư tưởng của Người bắt đầu từ những mục tiêu căn bản nhất: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn, Người đủ ăn thì khá giàu, Người khá giàu thì giàu thêm. Người nào cũng biết chữ, Người nào cũng biết đoàn kết, yêu nước”. Xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân cũng là xây dựng một xã hội do nhân dân lao động làm chủ, bình đẳng, không có chế độ người bóc lột người, “một xã hội hoàn toàn mới mẻ, đầy tính nhân văn; là “đưa quần chúng đến một cuộc sống xứng đáng, vẻ vang và ngày càng phồn vinh, làm cho mọi người lao động có một Tổ quốc tự do, hạnh phúc và hùng cường, hướng tới những chân trời tươi sáng”.

     Cả cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh “chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân”. Trong Di chúc, Người dặn dò: “Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.

     Có thể thấy, trong tư tưởng của Người, khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc là đích đến, là mục tiêu cao cả nhất của sự nghiệp cách mạng. Ý chí tự lực, tự cường là sức mạnh nội sinh để hiện thực hóa mục tiêu, lý tưởng ấy. Hơn thế, ý chí tự lực, tự cường còn là phẩm giá, là lòng tự tôn dân tộc, như Người đã khẳng định: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”. Do đó, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc không thể tách rời ý chí tranh đấu để giành lấy cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nhưng, ý chí tranh đấu nếu không dựa trên tư duy sáng tạo, phương pháp cách mạng linh hoạt thì dễ rơi vào kinh viện, giáo điều.

     Đến với chủ nghĩa Mác - Lênin khi những nhận thức chính trị chưa hoàn toàn đầy đủ, nhưng không vì thế mà Người tiếp thu những vấn đề lý luận một cách dập khuôn, máy móc. Từ phân tích về giai cấp xã hội các nước phương Đông và Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cho rằng không thể không bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà C.Mác ở thời mình không có được; rằng phải “củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”. Nhờ phương pháp tiếp cận dựa trên tư duy sáng tạo đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã giải quyết đúng đắn những mối quan hệ cơ bản của cách mạng Việt Nam, đó là mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế, giữa đặc điểm thực tiễn, yêu cầu cách mạng Việt Nam với tư tưởng tiên tiến, cách mạng của thời đại. Sự đổi mới sáng tạo trong tư tưởng của Người còn gắn liền với đổi mới phong cách, lề lối làm việc, để mỗi cán bộ, đảng viên thực sự là công bộc của dân, phụng sự cho lợi ích của giai cấp và dân tộc.

     Trong 93 năm qua, toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam được dẫn dắt bởi lý luận chủ nghĩa Mác Mác - Lênin, tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chính Minh. Mọi chủ trương, đường lối mà Đảng đề ra là nhằm giải phóng con người, xây dựng một xã hội tốt đẹp, nhân ái, nhân văn, vì hạnh phúc con người.

     Thực tiễn hơn 35 năm đổi mới cũng cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam đã thể hiện một cách sinh động ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Với mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã tạo điều kiện để thúc đẩy sản xuất phát triển, khai phóng mọi tiềm năng sáng tạo, đưa Việt Nam vào top 30 nền kinh tế lớn trên thế giới. Từ năm 2019, Việt Nam thuộc nhóm phát triển con người cao và đã đạt tiến bộ ổn định trong cả ba khía cạnh của HDI kể từ những năm 1990. Nhất quán chủ trương: tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển, Đảng ta đã chăm lo nhân tố con người, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, tạo cơ hội và điều kiện để mọi người được lao động, cống hiến và thụ hưởng những thành tựu công cuộc đổi mới đưa lại, “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Quan hệ giữa các dân tộc đoàn kết, bình đẳng, cùng kề vai chung sức, sánh bước trên con đường hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

     Đại hội XIII của Đảng đã xác định các quan điểm chỉ đạo công cuộc đổi mới hiện nay, trong đó nhấn mạnh: Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.

     Trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người... Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé…”. Như vậy, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân là mục tiêu nhất quán của Đảng ta, gắn liền với xây dựng xã hội tiến bộ nhân văn, nhân ái, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ XHCN.

     Để thực hiện những mục tiêu, mong muốn đó, việc học tập, nghiên cứu, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về đổi mới sáng tạo, tự lực tự cường là vô cùng cần thiết, đòi hỏi phải được nhận thức và hành động thống nhất ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị.

     Về nhận thức, cần thấm nhuần quan điểm của Đại hội XIII về đổi mới sáng tạo, xác định tri thức, khoa học công nghệ là nền tảng, là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững; đồng thời thấm nhuần những nội dung, giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xác định việc học và làm theo Bác là công việc thường xuyên, giúp Đảng ta trong sạch vững mạnh, xứng đáng với vai trò cầm quyền và sự tin cậy của nhân dân.

     Về hành động, cần đẩy mạnh nghiên cứu, vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về đổi mới sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước để khơi dậy tiềm năng trí tuệ, sức sáng tạo, khát vọng phát triển của các tầng lớp nhân dân. Chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nhân dân; xây dựng môi trường sinh thái, môi trường xã hội, môi trường văn hóa lành mạnh, an toàn.

     Đặc biệt, cần nêu cao trách nhiệm nêu gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về đổi mới sáng tạo, ý chí, tự lực, tự cường dân tộc, khát vọng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong cán bộ, đảng viên, theo phương châm: “trên trước, dưới sau”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phát huy vai trò nêu gương trong xây dựng ý chí, khát vọng phát triển của bản thân và của cơ quan, đơn vị. Không ngừng học tập, tu dưỡng, nâng cao đạo đức cách mạng, tự giác thực hành cần, kiệm, liêm, chính, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

     Đối với Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ, hiện nay đang hướng đến mục tiêu xây dựng Trường Chính trị chuẩn mức 1 vào năm 2025, mức 2 vào năm 2030. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhưng được triển khai trong bối cảnh nhà trường đang gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực lớn, sự chung sức, đồng lòng, sẻ chia trách nhiệm của toàn thể đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường.

     Với vai trò là người quyết định trực tiếp đến chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, hơn ai hết, đội ngũ giảng viên cần nêu cao ý thức đổi mới sáng tạo, tự lực tự cường. Với mỗi công việc được giao, luôn biết khắc phục khó khăn, trở ngại, tìm ra cách thức giải quyết nhanh chóng, hiệu quả. Mỗi lần lên lớp là một lần tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao tri thức lý luận và thực tiễn, để mỗi bài giảng thực sự là kết tinh, là biểu hiện cao nhất cho nỗ lực và tinh thần đổi mới sáng tạo của giảng viên.

     Không chỉ nuôi dưỡng ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đổi mới, đổi mới của bản thân, mỗi giảng viên dạy lý luận chính trị cần là người đi tiên phong trong khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho học viên, để tinh thần đó thấm nhuần trong nhận thức, suy nghĩ, trong học viên biến thành hành động thực tiễn, góp phần vào sự phát triển của các địa phương, cơ quan, đơn vị.

     Thực tiễn đất nước luôn vận động không ngừng, công cuộc đổi mới dù còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh với những giá giá trị cao cả, nhân văn, chứa đựng khí phách, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam sẽ vẫn là ánh sáng soi đường để Đảng ta lãnh đạo đưa đất nước tiến lên trên con đường xã hội chủ nghĩa.

     Tài liêu tham khảo:

     1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (Tập 1),Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021.

     2. Hồ Chí Minh: Toàn tập (bộ 15 tập), Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011.

     3. Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2022.

     4. https://nhandan.vn/chi-so-phat-trien-con-nguoi-viet-nam-tang-hai-bac-post714578.html

     5. https://aseanvietnam.vn/post/viet-nam-top-30-quoc-gia-hung-manh-nhat-the-gioi.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=hoc-tap-va-lam-theo-tu-tuong-dao-duc-phong-cach-ho-chi-minh-ve-doi-moi-sang-tao-khoi-day-y-chi-tu-luc-tu-cuong-khat-vong-xay-dung-cuoc-song-am-no-hanh-phuc
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com