Thứ ba, 23.05.2023 GMT+7

C.MÁC - CUỘC ĐỜI VÀ CỐNG HIẾN ĐỐI VỚI NHÂN LOẠI

C.Mác sinh ngày 05/5/1818 ở thành phố Trier trên bờ sông Mozel, một nhánh của sông Rhein thuộc Trier, là một thành phố cổ của Đức. Ông được sinh ra trong một gia đình trung lưu ở thành phố Rhineland - Đức. Năm 18 tuổi ông đính hôn với bà Jenny von Westphalen. Năm 24 tuổi, Ông bảo vệ thành công luận án tiến sỹ triết học. Lúc đầu ông chịu ảnh hưởng bởi triết lý của Hêghen - nhà triết học duy tâm của Đức. Bước chuyển trong sự nghiệp của Mác từ lập trường duy tâm sang duy vật, từ dân chủ cách mạng sang cộng sản chủ nghĩa được đánh dấu bằng tác phẩm Mác viết năm 1843, đó là tác phẩm “Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen - Lời nói đầu”. Cuộc đời và sự nghiệp của ông rất vĩ đại nhưng cũng gặp nhiều khó khăn và thăng trầm, gian khổ.

     Mác là một nhà khoa học thiên tài của nhân loại, đã có những đóng góp kiệt xuất để tạo ra một cuộc cách mạng triệt để  trong toàn bộ quan niệm về lịch sử thế giới, trên cơ sở kế thừa quan điểm triết học cổ điển Đức (đại biểu tiêu biểu là Hêghen, Foiơbắc); kinh tế chính học cổ điển Anh (đại biểu tiêu biểu là Ađamsmith, Ricacđô); chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp (đại biểu tiêu biểu là Ôoen,  Phuriê)… để tạo ra một học thuyết giúp giai cấp công nhân và chính đảng của mình đấu tranh giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, xây dựng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa trên phạm vi toàn thế giới. Đây là một cống hiến có ý nghĩa thời đại, hình thành một thế giới quan và phương pháp luận  khoa học cách mạng, đem lại cho nhân loại và cho giai cấp vô sản một công cụ vĩ đại để nhận thức và cải tạo thế giới. Mác đã để lại cho nhân loại ba phát kiến vĩ đại về lý luận trong học thuyết của chủ nghĩa Mác.

     Phát kiến thứ nhất: Chủ nghĩa duy vật lịch sử. Mác đã chỉ ra quy luật phát triển của xã hội loài người thực chất là sự thay thế lẫn nhau của các hình thái kinh tế - xã hội, nó như là quá trình lịch sử tự nhiên, sự thay thế này trước hết là do mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất (mâu thuẫn về kinh tế), tiếp đến sự mâu thuẫn giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng (mâu thuẫn về chính trị). Theo quy luật, ở đâu có mâu thuẫn ở đó có đấu tranh giải quyết mâu thuẫn. Các cuộc đấu tranh từ xã hội chiếm hữu nô lệ cho đến xã hội phong kiến, cuối cùng là xã hội tư bản chủ nghĩa sớm hay muộn sẽ bị thay thế bởi xã hội khác tốt đẹp hơn, đó là xã hội cộng sản chủ nghĩa - giai đoạn đầu chủ nghĩa xã hội.

     Phát kiến thứ hai: Học thuyết về giá trị thặng dư được coi là “hòn đá tảng” trong học thuyết Mác. Như Lênin nói: Mác không để cho chúng ta “Lôgic học với chữ L viết hoa” nhưng để lại cho chúng ta cái lôgic của Bộ Tư bản. Với phát kiến này, Mác đã vén bức màn bí ẩn của chế độ tư bản chủ nghĩa; bóc trần bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản, sự bất bình đẳng trong xã hội tư bản. Ngày nay, trong chủ nghĩa tư bản hiện đại, dưới tác động của cách mạng công nghệ 4.0, quá trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, quy luật giá trị thặng dư vẫn phát huy tác dụng.

     Phát kiến thứ ba: Sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân. Là kết quả của việc nghiên cứu trong thực tiễn mâu thuẫn trong lòng xã hội tư bản chủ nghĩa. Mác chỉ ra rằng, sau khi đấu tranh giành chính quyền, giai cấp công nhân và nhân dân lao động tiến hành xây dựng xã hội tương lai thay thế xã hội tư bản, đó là xã hội cộng sản chủ nghĩa. Mác đã xây dựng học thuyết về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Mác chỉ ra giai cấp thực hiện xây dựng xã hội mới đó là giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản… Từ đây, Người đã vạch ra đường lối chiến lược, sách lược đấu tranh cách mạng, phương pháp giành chính quyền về tay giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

     C.Mác cùng Ph.Ăngghen đã để lại cho nhân loại hàng nghìn tác phẩm có giá trị bao gồm các tác phẩm thuộc về phần triết học, bộ tư bản, các tác phẩm phần chủ nghĩa xã hội, các bài báo, nhiều bản thảo mà khi sống Mác chưa hoàn thành, sau này khi Mác mất Ăghghen tiếp tục hoàn chỉnh.  

     Không chỉ là nhà tư tưởng, nhà bác học thiên tài, Người còn là nhà cách mạng vĩ đại. Người đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, Người đã đưa lý luận thâm nhập vào phong trào công nhân, biến thành lực lượng vật chất to lớn, thúc đẩy cách mạng và sự phát triển xã hội. Điếu văn trong đám tang của C.Mác, Ăngghen tôn vinh Mác là “nhà tư tưởng vĩ đại nhất trong số những nhà tư tưởng hiện đại”. Đối với giai cấp vô sản việc Mác qua đời “là một tổn thất không sao lường hết được”. Nỗi đau sẽ thấm sâu vào thời gian và lòng người vì “Sau đây người ta sẽ cảm thấy một nỗi trống trải do cái chết của bậc vĩ nhân gây ra”.

     Kỷ niệm 205 năm ngày sinh của Người, chúng ta nhận thức và có trách nhiệm bảo vệ những quan điểm của Người trước những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù; tiếp tục vận dụng và phát triển các quan điểm của Người trong bối cảnh mới hiện nay phù hợp với thực tiễn trong nước và thế giới. 

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=c.mac-cuoc-doi-va-cong-hien-doi-voi-nhan-loai
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com