Thứ hai, 20.03.2023 GMT+7

NGHIÊN CỨU, VẬN DỤNG NGHỊ QUYẾT SỐ 29-NQ/TW VỀ “TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CNH, HĐH ĐẤT NƯỚC ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045” VÀO GIẢNG DẠY HỌC PHẦN ''KINH TẾ CHÍNH TRỊ MÁC - LÊNIN''

Ngày 17/11/2022, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết số 29-NQ/TW có ý nghĩa quan trọng, rất cần thiết đối quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay.

     Việc cập nhật, vận dụng Nghị quyết của Đảng vào giảng dạy là nhiệm vụ tất yếu của giảng viên Trường Chính trị tỉnh. Trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị, học phần Kinh tế chính trị Mác - Lênin gồm 06 bài, trong đó có phần Kinh tế chính trị về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và Kinh tế chính trị về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Cả hai phần giảng viên đều có thể vận dụng nội dung Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” vào bài giảng; tuy nhiên, tập trung chủ yếu ở phần Kinh tế chính trị về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

     Phần Kinh tế chính trị về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hộigồm có 03 bài.

     Bài 15: Quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa từ trình độ phát triển kinh tế lạc hậu

     Giảng viên có thể vận dụng Nghị quyết vào nội dung 2. Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về thời kỳ quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa.

     Cụ thể ở nội dung bản chất của thời kỳ quá độlên CNXH, sau khi phân tích quan điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về thời kỳ quá độlên CNXH, giảng viên có thể đưa quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 29-NQ/TW: Hiện nay coi phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt; chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu... Trên cơ sở đó, giảng viên cần tập trung phân tích làm rõ quan điểm mới của Đảng trong việc  đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Giảng viên có thể giới thiệu học viên tham khảo một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030: về tốc độ tăng trưởng GDP; GDP bình quân đầu người; đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế;chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII); tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ; năng lực cạnh tranh công nghiệp; tỷ trọng công nghiệp; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo; giá trị gia tăng công nghiệp chế tạo, chế biến bình quân đầu người; tỷ trọng của khu vực dịch vụ; xây dựng chính phủ số, chính phủ điện tử kinh tế số... Giảng viên sẽ chọn lọc một số các chỉ tiêu chính và phân tích khả năng, nhiệm vụ để đạt được những mục tiêu đó.

     Bài 16: Đặc điểm kinh tế cơ bản của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội

     Bài này tập trung vận dụng Nghị quyết số 29-NQ/TW trong phần 3. Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về đặc điểm kinh tế của thời kỳ quá độ lên CNXH.

     Khi đề cập quan điểm của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta có thể vận dụng mục tiêu, hay phần phương hướng của Nghị quyết số 29-NQ/TW trên cơ sở chọn lọc cho phù hợp. Có thể tập trung phương hướng1. của Nghị quyết: Ðổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: Xác định nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững; nâng cao năng lực tự chủ về sản xuất, công nghệ và thị trường, bảo vệ và phát huy tốt thị trường trong nước.Trên cơ sở đó, giảng viên sẽ phân tích làm rõ những quan điểm mới, cốt lõi về công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn hiện nay, nhất là về thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ, thành tựu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện chuyển đổi số, nâng cao năng lực tự chủ, về phát huy tốt thị trường trong nước... Khi phân tích giảng viên có thể lồng một số thực trạng của nền kinh tế nước ta để thấy rõ sự cần thiết, tầm quan trọng, tính cấp thiết của phương hướng trên.

     Bài 17: Những nhiệm vụ kinh tế cơ bản của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

     Đây là bài có 03 nội dung chính tương ứng với 03 nhiệm vụ kinh tế,đó là phát triển lực lượng sản xuất; xây dựng quan hệ sản xuất, mở rộng, nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại. Trong từng nội dung đều có nội dung về quan điểm của Đảng về  nhiệm vụ đó. Do vậy, trong từng nhiệm vụ kinh tế, sau khi đề cập đến quan điểm của Đảng giảng viên có thể lồng nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, nhưng cần có chọn lọc cho phù hợp với phạm vi, dung lượng kiến thức trong bài. Có thể tập trung vào các nhiệm vụ:

     Nhiệm vụ 1: Phát triển lực lượng sản xuất:Có thể vận dụng quan điểm của Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

     Nhiệm vụ 2Xây dựng quan hệ sản xuất, mở rộng, nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại: Vận dụng Nghị quyết số 29-NQ/TWvề việc đề cập đến sự phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt nhấn mạnh vào nhiệm vụ:

     - Thực hiện đồng bộ, quyết liệt chủ trương của Ðảng về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, phát triển doanh nghiệp tư nhân, thu hút FDI. Xây dựng và triển khai định hướng phát triển một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có năng lực cạnh tranh quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt, trụ cột trong một số lĩnh vực quan trọng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa như năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, tài chính-ngân hàng, nông nghiệp, viễn thông, kết cấu hạ tầng... 

     - Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, nòng cốt là các hợp tác xã; ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...

     Nhiệm vụ 3: Mở rộng, nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại:Có thể đề cập đến nhiệm vụ tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả đi đôi với bảo vệ và phát triển thị trường trong nước. Hoặc đưa quan điểm thứ năm nhấn mạnh yêu cầu trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, hiệu quả…

     Trên đây là một số định hướng trong việc cập nhật Nghị quyết số 29-NQ/TW vào các bài trong học phần Kinh tế chính trị Mác - Lênin. Trong quá trình cập nhật Nghị quyết, để vận dụng hiệu quả mỗi bài giảng giảng viên có thể lựa chọn có chọn lọc phù hợp, tránh quá dài, rườm rà, không sát nội dung lý luận, quá nhiều, làm loãng kiến thức, gây nhàm chán. Để nâng cao hiệu quả vận dụng giảng viên có thể sử dụng các phương pháp tích cực như hỏi đáp, phỏng vấn nhanh... cho phù hợp với nội dung, để cập nhật quan điểm mới của Đảng, khắc ghi kiến thức, nâng cao nhận thức, phát huy tính tích cực của học viên, nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=nghien-cuu-van-dung-nghi-quyet-so-29-nqtw-ve-tiep-tuc-day-manh-cnh-hdh-dat-nuoc-den-nam-2030-tam-nhin-den-nam-2045-vao-giang-day-hoc-phan-kinh-te-chinh-tri-mac-lenin
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com