Thứ hai, 20.03.2023 GMT+7

NGHIÊN CỨU, VẬN DỤNG NGHỊ QUYẾT SỐ 29-NQ/TW VỀ "TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045” VÀO GIẢNG DẠY HỌC PHẦN ''KIẾN THỨC BỔ TRỢ''

Vận dụng các nghị quyết mới của Đảng vào giảng dạy là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và là yêu cầu tất yếu với giảng viên khoa Lý luận cơ sở nói riêng và giảng viên Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ nói chung. Giảng viên cần vận dụng đúng đắn, phù hợp với những nội dung phần học, bài học để thực hiện tốt, đảm bảo mục tiêu giảng dạy của từng bài trong môn học, để đạt được hiệu quả cao hơn trong quá trình giảng dạy.

     Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng trong việc định hướng những tư duy, nhiệm vụ, giải pháp mới, phù hợp với nền kinh tế nước ta trong giai đoạn hiện nay, nhằm tạo động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.Nghị quyết đã đưa ra 05 quan điểm chỉ đạo, một số mục tiêu và tầm nhìn đến năm 2030 và 2045. Nghị quyết đã tập trung đưa ra 10 nhiệm vụ giải pháp góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời gian tới:

  • Đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
  • Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
  • Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường; nâng cao năng lực ngành xây dựng.
  • Đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
  • Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
  • Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hoá nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
  • Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hoá nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
  • Đổi mới chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nhanh, bền vững.
  • Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả đi đôi với bảo vệ và phát triển thị trường trong nước.
  • Phát huy giá trị văn hoá, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; đội ngũ trí thức và doanh nhân xung kích, đi đầu trong công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; bảo đảm tốt an sinh xã hội.

     Môn học “Kiến thức bổ trợ” là một trong những môn học mới của Chương trình Trung cấp lý luận chính trị ban hành năm 2021, môn học bổ sung những kiến thức mới cập nhật, đặc biệt là kiến thức thực tiễn để đáp ứng nhu cầu của người học trong tình hình mới. Môn “Kiến thức bổ trợ” gồm 15 chuyên đề, bao gồm những kiến thức tổng hợp về Xây dựng nền quốc phòng toàn dân và bảo vệ an ninh, quốc phòng trong sự kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa xã hội; kiến thức về nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý trong các hệ thống chính trị, trong các đơn vị sự nghiệp công lập; những kiến thức về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất năng lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới; về vấn đề phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; vấn đề quản lý hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng; vấn đề bảo vệ môi trường. 15 chuyên đề được chia thành các cụm bài: Quốc phòng, an ninh và đối ngoại; Năng lực lãnh đạo quản lý, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, tín ngưỡng tôn giáo và bảo vệ môi trường.

     Trong phạm vi bài viết, khi nghiên cứu Nghị quyết số 29-NQ/TW tác giả vận dụng vào soạn giảng một số bài giảng thuộc khối kiến thức bổ trợ liên quan đến lĩnh vực kinh tế, cụ thể như sau:

     Đối với bài 2: Kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh ở cơ sở. Trong bài này, giảng viên có thể vận dụng Nghị quyết số 29-NQTW vào giảng dạy mục 2.1.1. Phát triển kinh tế với thúc đẩy quốc phòng, an ninh ở cơ sở. Trong phần này, giảng viên có thể lồng ghép phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đưa ra các quan điểm chỉ đạo công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh.

     Đối với bài 6: Hội nhập quốc tế và cuộc Cánh mạng công nghiệp lần thứ tư. Khi vận dụng Nghị quyết số 29-NQTW về Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tầm nhìn đến năm 2045 giảng viên có thể vận dụng khá nhiều lồng ghép trong các phần giảng. Đặc biệt mục 1.3. Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với Việt Nam. Giảng viên vận dụng Nghị quyết khẳng định, với tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực: Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Từ đó, đảm bảo những tiền đề, điều kiện để đạt được những mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể và tầm nhìn đến năm 2045 như Nghị quyết đưa ra:

     Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao;

     Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD;

     Tỉ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 20%; tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%;

     Thuộc nhóm 03 nước dẫn đầu ASEAN về năng lực cạnh tranh công nghiệp;

     Hình thành được một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn

     Tỉ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GDP. Hoàn thành xây dựng Chính phủ số, thuộc nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số.

     Tỉ lệ đô thị hoá đạt trên 50%.

     Tầm nhìn đến năm 2045: Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực Châu Á.

     Phần 2. Hội nhập quốc tế của Việt Nam trong xu thế cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đối với phần này, giảng viên cũng có thể lồng ghép một số nhiệp vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 29-NQ/TW để nhấn mạnh các thời cơ, thách thức và giải pháp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức.

     Đối với bài 9: Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Giảng viên có thể đưa ra một số quan điểm được nhắc đến trong Nghị quyết số 29-NQ/TW giảng dạy phần 2.2. Bối cảnh mới và giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ở Việt Nam.

     Đối với bài 11: Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Phần này khi vận dụng Nghị quyết, giảng viên có thể vận dụng giải pháp thứ 4 trong Nghị quyết số 29-NQ/TW: Đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, ngoài ra có thể đề cập đến vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, áp dụng máy móc, khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để đạt được một số chỉ tiêu cụ thể, góp phần thực hiện mục tiêu chung của cả nước.

     Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng ta trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, nhất là từ khi đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước hiện nay. Qua mỗi kỳ Đại hội, Đảng ta đều đưa ra những nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết trong mỗi thời kỳ phát triển của đất nước. Các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Nghị quyết số 29-NQ/TW có ý nghĩa quan trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi các nước trên thế giới và Việt Nam đã và đang chịu tác động của Cuộc cách mạng 4.0. Đảng ta đã đề ra và chỉ đạo tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối quan trọng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với tinh thần nhất quán là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo xu thế phát triển bền vững, nhằm phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, nâng cao đời sống của nhân dân. Với những nội dung quan trọng đó, giảng viên khi giảng dạy một số bài có thể vận dụng vào giảng dạy làm phong phú nội dung bài học, góp phần bổ sung kiến thức mới cho học viên.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=nghien-cuu-van-dung-nghi-quyet-so-29-nqtw-ve-tiep-tuc-day-manh-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-dat-nuoc-den-nam-2030-tam-nhin-den-nam-2045-vao-giang-day-hoc-phan-kien-thuc-bo-tro
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com