Thứ ba, 14.03.2023 GMT+7

NGHIÊN CỨU, VẬN DỤNG NGHỊ QUYẾT SỐ 29-NQ/TW VỀ “TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045” VÀO GIẢNG DẠY PHẦN HỌC CNXH KHOA HỌC

Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khoá XIII về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” một lần nữa khẳng định rõ thêm những nội dung mà Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

     Để đạt được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 29-NQ/TW đã nêu lên quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát và cụ thể đến năm 2030, các giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới.

     Nghiên cứu, vận dụng các quan điểm, nghị quyết của Đảng đối với giảng viên giảng dạy lý luận chính trị là yêu cầu bắt buộc, đồng thời trách nhiệm của giảng viên là đưa nghị quyết, quan điểm của Đảng đến với người học, đưa nghị quyết vào cuộc sống.

     Nghị quyết số 29-NQ/TW được vận dụng trong giảng dạy ở nhiều môn học thuộc Chương trình Trung cấp lý luận chính trị, trong đó có môn Chủ nghĩa xã hội khoa học. Cụ thể, khi giảng môn học này giảng viên cần vận dụng ở các nội dung, như:

     Bài: Một số quy luật, phạm trù cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa học

     Bài này khi giảng phần 2.3.2. Thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay, nội dung kinh tế có thể vận dụng quan điểm trong Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới mà Đại hội XIII đã nêu. Nghị quyết số 29-NQ/TW xác định: “ Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị, lấy con người là trung tâm…”; “Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; khơi dậy khát vọng phát triển, tinh thần khởi nghiệp quốc gia, đổi mới sáng tạo; phát huy giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc, bản lĩnh và trí tuệ con người Việt Nam và truyền thống của giai cấp công nhân, vai trò xung kích, đi đầu của đội ngũ trí thức và doanh nhân Việt Nam”.

     Bài: Cách mạng xã hội chủ nghĩa

     Khi giảng phần 2.2. Sự vận dụng sáng tạo lý luận cách mạng xã hội chủ nghĩa vào thực tiễn Việt Nam, giảng viên vận dụng Nghị quyết số 29-NQ/TW với nội dung về sự vận dụng sáng tạo trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt trong cách mạng xã hội chủ nghĩa ngày nay, chúng ta đã thực hiện đường lối đổi mới toàn diện, sau gần 40 năm đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, và một trong thành tựu đó là đã thực hiện “tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”…

     Bài: Cải cách, đổi mới chủ nghĩa xã hội từ năm 1991 đến nay

     Khi giảng phần 3.1. Thành tựu chủ yếu của chủ nghĩa xã hội hiện thực từ năm 1991 đến nay, nội dung đổi mới cải cách của các nước xã hội chủ nghĩa trên thực tiễn về kinh tế, giảng viên có thể khái quát các quan điểm chỉ đạo của Đảng ta từ năm 1986 đến nay, trong đó có quan điểm về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt quan điểm của Đại hội XIII, và quan điểm của Nghị quyết số 29-NQ//TW là quan điểm mới nhất. Kết quả kinh tế Việt Nam tăng trưởng, đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nhân dân không ngừng được cải thiện.

     Bài: Đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

     Khi giảng đặc trưng thứ ba: Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp, giảng viên làm rõ cái mới mà Đại hội XIII đưa ra liên quan đến nội dung này, tuy không nêu thành một đặc trưng mới, nhưng nội hàm Đảng khẳng định phát triển kinh tế thị trường.

     Bài: Những phương hướng cơ bản xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

     Đây là bài có nhiều nội dung liên quan đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phương hướng đầu tiên: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên môi trường.

     Khi giảng phần 1.1. Nội dung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên môi trường, giảng viên có thể vận dụng quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 29-NQ/TW “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị, lấy con người là trung tâm, doanh nghiệp là chủ thể, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động”, khẳng định mục tiêu tổng quát Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đề cập “Mục tiêu tổng quát đến năm 2030: Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của nhân dân được nâng cao. Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ tiên tiến. Các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng cao, hình thành được nhiều ngành dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao”; “Tầm nhìn đến năm 2045: Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực Châu Á”.

     Khi giảng phần 1.2. Biện pháp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên môi trường, có thể vận dụng các giải pháp, biện pháp được Nghị quyết số 29-NQ/TW nêu ra:

     Biện pháp thứ nhất, “Hoàn thiện các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với chiến lược, quy hoạch, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, địa bàn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa…”

     Biện pháp thứ hai, “Đẩy nhanh thể chế hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng có liên quan đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù như công nghiệp công nghệ số, công nghiệp quốc phòng, an ninh, năng lượng...”

     Biện pháp thứ ba, “Đẩy nhanh thực hiện các chủ trương của Đảng về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia. Tiếp tục cơ cấu lại ngành công nghiệp; thực hiện điều chỉnh phân bố không gian phát triển công nghiệp của vùng, địa phương theo hướng gắn với các vùng động lực, cực tăng trưởng, hành lang kinh tế trọng điểm, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia…”

     Biện pháp thứ tư, “Phát triển mạnh ngành công nghiệp môi trường. Mở rộng phạm vi, tăng tỉ trọng mua sắm chính phủ đối với sản phẩm thân thiện môi trường. Khuyến khích phát triển dịch vụ cải tạo, phục hồi môi trường, hệ sinh thái tự nhiên. Thực hiện chứng thực, công nhận dán nhãn sinh thái, hiệu quả năng lượng đối với sản phẩm trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải và hàng tiêu dùng, chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng”.

     Biện pháp thứ năm, “Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hạ tầng kết nối nông thôn với đô thị, nhất là hạ tầng thủy lợi, giao thông vận tải, hạ tầng thương mại, kho bãi, bảo quản, chế biến nông sản; đẩy nhanh xây dựng hạ tầng số và dữ liệu số nông nghiệp, nông thôn…”

     Việc vận dụng của giảng viên ở mỗi bài trong môn Chủ nghĩa xã hội khoa học thuộc Chương trình Trung cấp lý luận chính trị cần linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn. Việc nghiên cứu, vận dụng, cập nhật kiến thức trong giảng dạy là cần thiết, đồng thời là trách nhiệm của giảng viên trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trở thành hiện thực.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=nghien-cuu-van-dung-nghi-quyet-so-29-nqtw-ve-tiep-tuc-day-manh-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-dat-nuoc-den-nam-2030-tam-nhin-den-nam-2045-vao-giang-day-phan-hoc-cnxh-khoa-hoc
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com