Thứ hai, 13.03.2023 GMT+7

76 NĂM NGÀY BÁC HỒ VỀ Ở VÀ LÀM VIỆC TẠI XÃ YÊN KIỆN, HUYỆN ĐOAN HÙNG, TỈNH PHÚ THỌ (30/3/1947 - 30/3/2023)

Phú Thọ là mảnh đất của các di tích lịch sử, các danh lam thắng cảnh và nền văn hóa dân gian đặc sắc gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước thời Hùng Vương dựng nước. Phú Thọ rất vinh dự và tự hào được đón Bác dừng chân trên đường ra chiến dịch và tự hào đón Bác trở về sau Chiến thắng Điện Biên Phủ. Sinh thời, với cương vị là Chủ tịch nước, dù bận trăm công nghìn việc Bác vẫn dành cho Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ sự quan tâm đặc biệt. Một vinh dự lớn mà Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ đã được đón Bác đến ở và làm việc trên đường Bác từ Hà Nội lên Việt Bắc cùng Trung ương Đảng và Chính phủ lãnh đạo toàn dân kháng chiến. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác còn về Phú Thọ một số lần nữa để thăm các đơn vị đóng quân trên địa bàn.

          Trở lại với dòng thời gian lịch sử của 76 năm về trước, vào năm 1946, khi thực dân Pháp quay trở lại chiếm đóng Việt Nam một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Vì yêu cầu nhiệm vụ phải bí mật, Bác cùng Trung ương Đảng, Chính phủ đã di chuyển dần lên Chiến khu Việt Bắc. Trong hành trình ấy, Người lên đến đất Phú Thọ vào rạng sáng ngày 04/3/1947. Sau khi dừng chân ở các xã Cổ Tiết (huyện Tam Nông), xã Chu Hóa (huyện Lâm Thao) và về xã Yên Kiện (huyện Đoan Hùng).

          Trên đường di chuyển lên căn cứ Việt Bắc, sau khi đến xã Cổ Tiết huyện Tam Nông, xã Chu Hóa huyện Lâm Thao (nay là Thành phố Việt Trì); vào hồi 19 giờ ngày 29/3/1947, Bác Hồ và đoàn cán bộ Trung ương rời Chu Hóa đi dọc theo Quốc lộ 2 qua xã Tiên Kiên, Phú Lộc, Phú Hộ, Chân Mộng với quãng đường dài 50km; đến 17 giờ chiều ngày 30/3/1947, Bác tới địa điểm mới là xã Yên Kiện (lúc đó là xã Tây Sơn, huyện Đoan Hùng). Tại đây, các đồng chí trong đoàn công tác của Trung ương và cán bộ địa phương bố trí cho bác ở nhà cụ Nguyễn Hữu Đa - Chủ nhiệm xã bộ Việt Minh xã Yên Kiện; ngôi nhà thuộc xóm Đình Mụ, nhà có ba gian, vách đất, mái lợp lá cọ, nhà ở đỉnh đồi, xung quanh cây cối um tùm, kín đáo, phía trước nhìn ra cánh đồng, phía sau nhà là nương sắn, rừng vầu và tre nứa. Trong những ngày Bác ở Yên Kiện, máy bay địch hoạt động liên tục trên vùng trời nên ban ngày Bác và Đoàn công tác phải ra rừng làm việc đến tối mới về nhà nghỉ. Ba ngày ở và làm việc tại nhà cụ Đa xã Yên Kiện (từ ngày 30/3 đến ngày 01/4/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Chính phủ, Nghị viện, nhân dân Pháp và các nước dân chủ trên thế giới, tố cáo thực dân Pháp cố ý phá hoại hòa bình, đang thực hiện chính sách dùng vũ lực để đánh chiếm Việt Nam và bắt nhân dân Việt Nam trở thành nô lệ cho thực dân Pháp. Người nêu rõ: “Chúng tôi chỉ muốn độc lập và thống nhất. Chúng tôi chỉ muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh, nhưng chúng tôi quyết tự vệ đến giọt máu cuối cùng. Chúng tôi quyết không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ một lần nữa…”; và cũng tại đây Người đã ký 02 sắc lệnh: Sắc lệnh số 39/SL: Hủy bỏ tất cả các kiểu tem chước bạ và giấy tín chỉ đã lưu hành trước ngày 19/02/1946, ấn hành cách thức thu thuế và tem chước bạ mới; Sắc lệnh số 40/SL: Cho phép một kiều dân Trung Hoa nhập Quốc tịch Việt Nam.

          Trong thời gian làm việc tại Yên Kiện, Bác đã dành thời gian đọc cuốn “Việt Nam sử lược”, ban hành nhiều văn bản quan trọng. Đặt tên cho các Đồng Chí của Người trong đội cận vệ là Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi, để nhắc nhiệm vụ quan trọng của toàn đảng, toàn quân, toàn dân lúc này là trường kỳ kháng chiến.

          Chiến sự ngày càng lan rộng và ác liệt, để đảm bảo an toàn, tối ngày 01/4/1947, Bác Hồ quyết định rời xã Yên Kiện, Đoan Hùng lên Tuyên Quang để lên Việt Bắc trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, gian khổ của dân tộc.Trong ba ngày Bác ở, làm việc tại xã Yên Kiện, nhân dân huyện Đoan Hùng đã bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Bác và các đồng chí cán bộ Trung ương. Đó là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Đoan Hùng.

          Di tích Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2008. Di tích ghi lại dấu ấn của những ngày tháng lịch sử khi Bác Hồ đến sống và làm việc tại đây. Để tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, huyện Đoan Hùng đã khởi công xây dựng công trình bảo quản, phục hồi di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 8/2017. Công trình khánh thành vào tháng 9/2018, được xây dựng trên diện tích hơn 7.000m2 với các hạng mục cơ bản sau: Phục hồi kiến trúc, nội thất theo nguyên mẫu ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Hữu Đa thời kỳ năm 1947, xây mới nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà ban quản lý, ao cá, vườn hoa, bãi đỗ xe, hệ thống cây xanh… 

          Khu vực nhà tưởng niệm Bác là nơi trưng bày các hiện vật lịch sử liên quan đến sự nghiệp cách mạng của Bác, đặc biệt là những hình ảnh, hiện vật kỷ niệm giữa Bác Hồ với tỉnh Phú Thọ và huyện Đoan Hùng. Khu vực ngôi nhà của cụ Nguyễn Hữu Đa là nơi lưu lại những kỷ vật được phục dựng, mô phỏng lại những sinh hoạt thường ngày của Người khi lưu lại tại đây như: Bộ bàn ghế Bác từng ngồi làm việc, chiếc giường Bác Hồ nằm nghỉ, chiếc mâm gỗ và bộ bát đĩa Bác Hồ cùng đoàn cán bộ dùng trong những ngày ở nhà cụ Đa… Điều đáng quý hơn cả là ông Nguyễn Hữu Thắng (cháu đích tôn của cụ Nguyễn Hữu Đa) hiện là người trông coi Khu Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn hàng ngày lau dọn, giữ gìn những hiện vật quý giá tại đây. Thi thoảng khi có du khách hỏi thăm, ông vui vẻ nhắc lại những kỷ niệm mà ông được ông nội (cụ Đa) và bố đẻ ông đã kể lại về sự việc Bác Hồ cùng đoàn cán bộ bất ngờ đến lưu trú tại gia đình ông. Cho đến giờ đối với ông, đây vẫn là niềm tự hào của các thế hệ trong gia đình.

          Quần thể Khu Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu 4, xã Yên Kiện là công trình có ý nghĩa lịch sử, tâm linh sâu sắc, là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau và thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Đoan Hùng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với hệ thống cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp kết hợp các công trình lịch sử tôn nghiêm, nơi đây đã trở thành điểm tham quan thú vị, bổ ích với nhân dân và du khách thập phương khi đến thăm Đoan Hùng.

          Phát huy truyền thống yêu nước của quê hương đất bưởi anh hùng, thấm nhuần lời dạy của Bác, trong những năm qua Đảng bộ và nhân dân huyện Đoan Hùng luôn đoàn kết một lòng, ra sức phấn đấu đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đạt được nhiều kết quả vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đoan Hùng nguyện suốt đời học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách của Người; tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, đảm bảo an sinh xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị hằng năm đề ra.

Khu nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu 4, xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ

Bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt tại chính giữa nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu 4, xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ

Ngôi nhà của cụ Nguyễn Hữu Đa mà Bác từng nghỉ lại tại Khu Di tích Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu 4, xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ

 

          Tài liệu tham khảo:

          1. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Phú Thọ Tập I (1939 - 1968).

          2. Khu Di tích Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, địa chỉ: khu 4, xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=76-nam-ngay-bac-ho-ve-o-va-lam-viec-tai-xa-yen-kien-huyen-doan-hung-tinh-phu-tho-3031947-3032023
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com