Thứ hai, 13.03.2023 GMT+7

Giới thiệu sách mới: CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN PHÁP LUẬT VIỆT NĂM ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045 - NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

Hiện nay, Đảng ta đang tiến hành xây dựng Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa năm 2045, trong đó có chiến lược thành tố là Chiến lược phát triển pháp luật Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Xây dựng Chiến lược phát triển pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần phải dựa vào những nền tảng lý luận và thực tiễn như thế nào là vấn đề cần được làm sáng tỏ. Mối quan hệ giữa cá nhân và nhà nước là mối quan hệ trụ cột, cơ bản trong xã hội nói chung, thể hiện sự tương tác lẫn nhau giữa cá nhân và nhà nước. Sự tương tác lẫn nhau giữa cá nhân và nhà nước cần phải được thiết lập như thế nào và bằng phương thức nào. Sự tương tác hài hoà lẫn nhau của cá nhân và nhà nước cần phải dựa trên các nền tảng, tuân theo các nguyên tắc và được thể hiện trong các lĩnh vực pháp luật như thế nào là những vấn đề quan trọng cần phải được luận giải khi xây dựng Chiến lược phát triển pháp luật Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

     Cuốn sách “Chiến lược phát triển pháp luật Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” do GS.TS. Võ Khánh Vinh chủ biên là kết quả nghiên cứu của Hội thảo khoa học “Chiến lược phát triển pháp luật Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 - Lý luận và thực tiễn” do Học viện Khoa học xã hội Việt Nam và khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức vào tháng 11/2021.

     Nội dung cuốn sách gồm ba phần:

     Phần thứ nhất: Tập trung luận giải những vấn đề về Chiến lược phát triển pháp luật Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và những yêu cầu đặt ra đối với việc xây dựng chiến lược. Các vấn đề từ tên gọi, mục tiêu, tư duy và những yêu cầu quan trọng cần thống nhất về nhận thức lý luận cụ thể như pháp luật trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiêu chuẩn của Hiến pháp trong trong điều kiện hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tiêu chí pháp quyền và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vấn đề tổ chức thực thi pháp luật, quyền con người, pháp luật và tôn giáo...

     Phần thứ hai: Các bài viết tập trung bàn luận về những vấn đề liên quan đến xây dựng và hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực luật công như: các vấn đề về hoàn thiện luật Hiến pháp, pháp luật về dân chủ ở cơ sở theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, cải cách tư pháp và hệ thống tư pháp.

     Phần thứ ba: Các tác giả luận giải về những vấn đề liên quan đến xây dựng, hoàn thiện và phát triển pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực luật tư pháp, pháp luật tố tụng dân sự, pháp điển hóa luật sở hữu trí tuệ, chiến lược phát triển pháp luật trong lĩnh vực lao động... trước những bối cảnh, điều kiện phát triển mới của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng.

     Trân trọng giới thiệu cuốn sách đến cán bộ, giảng viên, chuyên viên, nhân viên và học viên nhà trường!

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=gioi-thieu-sach-moi-chien-luoc-phat-trien-phap-luat-viet-nam-den-nam-2030-tam-nhin-den-nam-2045-nhung-van-de-ly-luan-va-thuc-tien
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com